Cảnh báo tai nạn thường gặp trong dịp Tết

Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai mới đây vừa thực hiện 2 ca phẫu thuật nội soi lấy dị vật là cây lấy sim điện thoại và dây chuyền cho các bệnh nhi. Đồng thời điều trị cho một bệnh nhân bị tai nạn pháo nổ.

Điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chăm sóc vết thương do pháo nổ cho bệnh nhi. Ảnh: Hạnh Dung

Các bác sĩ khuyến cáo, tai nạn do pháo nổ thường gặp vào dịp Tết Nguyên đán. Do đó, người dân nên tránh xa pháo nổ để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

* Để xa tầm tay trẻ em những vật dụng nhỏ, sắc nhọn…

BS Mạc Dũng Quốc, Phó trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, bệnh nhi Đ.M.Q. (4 tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) vừa được nội soi lấy ra cây lấy sim điện thoại. Trường hợp này nếu chậm trễ có thể gây thủng ruột trẻ.

Theo đó, lúc 23 giờ ngày 26-1, bé trai Đ.M.Q. được người nhà đưa đến bệnh viện do nuốt phải một cây chọc sim điện thoại. Qua thăm khám và chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện trong dạ dày của bé Q. có dị vật. Bé Q. được chỉ định gây mê để nội soi gắp dị vật ra ngoài. Rất may người nhà đã phát hiện kịp thời và đưa bé đến bệnh viện để xử lý, nếu để lâu có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Trước đó một ngày, BS Mạc Quốc Dũng cũng đã thực hiện thành công ca nội soi lấy một dây chuyền bằng kim loại ra khỏi dạ dày một bệnh nhi khác.

Theo BS Dũng, trẻ em rất hiếu động và có thể bỏ bất kỳ thứ gì cầm nắm được vào miệng. Do đó, để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, các bậc phụ huynh và người trông coi trẻ nên cẩn trọng khi cho trẻ chơi những đồ vật nhỏ, sắc nhọn, cần để xa tầm tay trẻ những đồ vật mà trẻ có thể nuốt phải. Khi phát hiện trẻ nuốt các dị vật, người nhà cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện kiểm tra để có hướng xử lý kịp thời, không nên tự ý thực hiện lấy dị vật bằng mẹo bởi có thể khiến dị vật càng vào sâu hơn và nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ.

Dịp Tết Nguyên đán cận kề, trẻ em được nghỉ học, thời gian ở nhà nhiều nên người lớn cũng nên cẩn trọng, để xa tầm tay trẻ em những đồ vật như ấm nước nóng, cơm canh nóng… để tránh trường hợp trẻ bị bỏng…

* Báo động tai nạn pháo nổ

Bệnh nhi 12 tuổi (ngụ P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) đang được chăm sóc, điều trị tại Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai sau tai nạn pháo nổ.

Theo lời bệnh nhi, em tự lên mạng và tìm mua một số vật liệu với giá 100 ngàn đồng, sau đó trộn lại để làm pháo bông đốt trong buổi lễ sinh nhật nhưng không ngờ pháo nổ ngay. Người nhà bệnh nhi cho hay, từ trước đến nay, bệnh nhi có thói quen lên mạng mua một số đồ dùng để sửa xe hoặc một số vật dụng khác. Gia đình không biết bệnh nhân mua các vật liệu để chế tạo pháo. Nếu biết, gia đình đã can ngăn và không cho mua.

BS Quách Văn Du, Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, may mắn là tai nạn chỉ gây bỏng và giập nát mô mềm bên ngoài của bệnh nhi, không ảnh hưởng đến nội tạng và các bộ phận khác trên cơ thể. Các bác sĩ đã tiến hành cắt lọc vết thương cho bệnh nhân, điều trị tránh nhiễm trùng, giúp bệnh nhân ổn định tâm lý sau tai nạn.

Một trường hợp khác cũng đang phải theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai do pháo nổ là bệnh nhân N.V.Q. (17 tuổi, ngụ P.Tam Phước, TP.Biên Hòa).

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lòng bàn tay chảy nhiều máu do pháo nổ, có một vết thương phức tạp ở góc ngón hai bàn tay trái và vết bỏng ở đùi. Bệnh nhân cho biết do đốt pháo của người khác cho, khi pháo nổ, bệnh nhân quẳng đi ngay nhưng không kịp nên bị thương.

BS Trần Văn Chí, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, vết thương pháo nổ là vết thương do hỏa khí, nếu áp lực mạnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân, nguy cơ nhiễm trùng và co rút cao.

Đối với bệnh nhân Q., mặc dù vết thương không quá nghiêm trọng nhưng do tổn thương mô mềm nên các bác sĩ đã cắt lọc da, rửa sạch vết thương, khâu vết thương và dùng thuốc tránh nhiễm trùng cho bệnh nhân. Dự kiến, bệnh nhân sẽ phải mất thời gian khá lâu để chữa lành vết thương.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202101/canh-bao-tai-nan-thuong-gap-trong-dip-tet-3041909/