Cảnh báo tai nạn giao thông liên quan tới xe đầu kéo

Xe đầu kéo là loại phương tiện kéo theo các rơ-moóc có thể chuyên chở hàng chục tấn hàng hóa, vật liệu xây dựng. Chính vì kích thước cồng kềnh, 'điểm mù' (vùng không gian bị che khuất mà người lái xe không nhìn thấy) lớn nên xe đầu kéo rất dễ xảy ra va chạm với xe máy, xe đạp di chuyển trên đường.

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm soát các xe đầu kéo lưu thông trên quốc lộ 1 (thành phố Biên Hòa). Ảnh:CTV

Thời gian gần đây, trên địa bàn Đồng Nai đã liên tục xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến xe đầu kéo, đòi hỏi lực lượng chức năng phải có cảnh báo, giải pháp kéo giảm TNGT liên quan đến xe đầu kéo.

Xảy ra nhiều tai nạn thương tâm

Đồng Nai có nhiều khu công nghiệp tập trung tại thành phố Biên Hòa, các huyện: Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch… nên mỗi ngày, lượng xe đầu kéo vận chuyển hàng hóa trên các quốc lộ, đường tỉnh giữa các địa phương trên rất lớn. Trong khi đó, các tuyến đường đi vào các khu công nghiệp cũng có nhiều xe máy. Chính vì vậy, nguy cơ va chạm giao thông giữa xe đầu kéo với xe máy luôn ở mức cao. Đáng nói, trong tháng 3-2024, đã liên tiếp xảy ra một số vụ TNGT thương tâm do va chạm giữa xe đầu kéo và xe máy.

Sở Giao thông vận tải đã yêu cầu lực lượng thanh tra giao thông trong quý II-2024 tiếp tục kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý triệt để tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng cho phép trên toàn tỉnh, nhất là xử lý các trường hợp vi phạm như: tự ý thay đổi kích thước thùng xe; tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước không đúng thiết kế của xe tải ben, rơ-moóc...

Mới nhất là vào chiều 29-3, trên quốc lộ 1 (đoạn qua xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) xảy ra vụ tai nạn giữa xe đầu kéo và xe máy làm anh T.T.D. (21 tuổi, ngụ huyện Tân Phú, người điều khiển xe máy) tử vong tại chỗ. Trước đó, trưa
25-3, xe đầu kéo va chạm xe máy trên đường Hoàng Văn Bổn (đoạn qua phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) làm bé gái D.T.T.Đ. (11 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang) được người nhà chở trên xe máy tử vong tại chỗ.

Các vụ tai nạn nói trên xảy ra ở các đoạn đường có mật độ phương tiện giao thông đông đúc vào giờ cao điểm mỗi ngày. Cơ sở hạ tầng phát triển không tương xứng với sự tăng cao của các phương tiện giao thông, ô tô và xe máy chen chúc nhau di chuyển trên đường. Chính vì vậy, người đi xe máy dễ lọt vào “điểm mù” của tài xế xe đầu kéo. Thậm chí, vào lúc đường đông, nếu xảy ra va quẹt giữa các xe máy với nhau cũng có thể khiến người đi máy té ra đường và nguy cơ bị xe đầu kéo cán qua là rất lớn.

Anh Phan Anh Khoa (ngụ phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) cho hay, đường Hoàng Văn Bổn lưu thông giữa từ đường tỉnh 768 (huyện Vĩnh Cửu) đi ra quốc lộ 1 (thành phố Biên Hòa) và ngược lại nên luôn có nhiều loại xe tải ben, xe đầu kéo hoạt động. Tuyến đường vốn chật hẹp, mặt đường xuống cấp nên nguy cơ xảy ra TNGT giữa xe máy và xe đầu kéo luôn chực chờ.

Tăng kiểm soát, kéo giảm TNGT từ xe đầu kéo

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có hơn 400 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hàng hóa với 40,7 ngàn xe hoạt động. Trong đó, có khoảng 4,4 ngàn xe đầu kéo vận tải hàng hóa từ các kho, cảng, khu công nghiệp giữa các tỉnh, thành trên toàn quốc. Bên cạnh đó còn lượng lớn xe đầu kéo hoạt động tại các mỏ khai thác khoáng sản, các xe đầu kéo đi từ các tỉnh, thành khác ngang qua Đồng Nai.

Chính vì vậy, việc hạn chế nguy cơ TNGT liên quan đến xe đầu kéo được các cơ quan chức năng xác định bằng 3 giải pháp: kiểm soát xe đầu kéo, chấn chỉnh hạ tầng giao thông và nâng cao cảnh giác cho người đi xe máy. Trong đó, việc kiểm soát hoạt động của xe đầu kéo (và cả xe tải ben) đang được lực lượng chức năng thực hiện ở cả trên đường lẫn những bến bãi, kho, cảng…

Chánh Thanh tra giao thông (Sở Giao thông vận tải) Nguyễn Phan Trong cho hay, lực lượng thanh tra giao thông sẽ phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra việc bốc xếp hàng hóa, tải trọng của các loại xe đầu kéo; đặc biệt tại các cảng, bến, mỏ (đầu mối bốc xếp hàng)… Qua đó hạn chế tình trạng xe chở quá tải, xe cơi nới thành thùng lưu thông ra đường.

Về phía người đi xe máy, các cơ quan chức năng đã tổ chức tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng lái xe, nhất là cho các học sinh, sinh viên trong tuân thủ, nhận biết các biển báo, vạch kẻ đường và tránh rơi vào “điểm mù” của các loại phương tiện lớn khi đi trên đường.

Riêng về chấn chỉnh hạ tầng, đây được xem là “bài toán khó” khi lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng dẫn tới những tuyến giao thông chính kết nối các khu công nghiệp, địa phương trong và ngoài tỉnh dần trở nên quá tải. Bộ Giao thông vận tải đang ưu tiên nguồn lực để đầu tư các tuyến đường cao tốc, với mục tiêu về lâu dài sẽ giảm tải cho những quốc lộ hiện hữu.

Do đó, một trong những giải pháp trọng tâm để đảm bảo an toàn giao thông trong năm 2024 được Ban An toàn giao thông tỉnh đặt ra là tiếp tục phối hợp Khu Quản lý đường bộ IV (Cục Đường bộ Việt Nam), Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra an toàn kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến đường bộ. Nhất là công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hạ tầng giao thông của các đơn vị quản lý tuyến quốc lộ, đường tỉnh, huyện và các tuyến đường có phương tiện lưu thông phục vụ các dự án trọng điểm trên toàn tỉnh. Qua đó kịp thời phát hiện, xử lý các tồn tại, bất cập về hạ tầng ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông, gây mất an toàn giao thông.

Đông Hồ

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202403/canh-bao-tai-nan-giao-thong-lien-quan-toi-xe-dau-keo-a3a4115/