Cảnh báo ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Ngày 28/11, các trạm quan trắc ở Hà Nội ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức rất xấu hoặc nguy hại. Để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là hệ hô hấp, người dân cần lưu ý điều gì?

Theo ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), tại Trung tâm Sao Mai, quận Thanh Xuân có chỉ số nhiễm không khí ở mức 406, chỉ số bụi mịn PM 2.5 là 358,9. Điểm đo tại Trung tâm NetNam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, quận Cầu Giấy có chỉ số 392, chỉ số bụi mịn PM 2.5 là 338,9. Điểm đo tại khu Vườn Dâu - Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm có chỉ số 319, chỉ số bụi mịn PA 2.5 là 281,2... Đây là mức cảnh báo ô nhiễm cao nhất, nguy hiểm tới sức khỏe tất cả người dân trong khu vực.

Một số khu vực tại Hà Nội được cảnh báo ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Một số khu vực tại Hà Nội được cảnh báo ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Để hạn chế bị ảnh hưởng sức khỏe bởi ô nhiễm không khí nghiêm trọng, Bộ Y tế cũng đưa ra khuyến cáo, vào những ngày ô nhiễm cao điểm, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời. Khi ra đường, nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt). Đồng thời, người dân nên tăng cường vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá cũng như tránh xa khói thuốc. Đối với các gia đình gần đường giao thông, khu vực ô nhiễm, nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu, Bộ Y tế khuyên thực hiện các biện pháp dự phòng nghiêm ngặt hơn.

Theo các chuyên gia khí tượng, ô nhiễm không khí vẫn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm bụi mịn tại các thành phố. Những ngày qua, khu vực Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội duy trì thời tiết hanh khô khiến lượng bụi mịn trong không khí duy trì lâu hơn; liên tục có sương mù vào tối, đêm, sáng sớm làm lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí cũng là nguyên nhân khiến chỉ số ô nhiễm không khí tăng cao.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/canh-bao-o-nhiem-khong-khi-o-ha-noi-205828.htm