Cảnh báo hiểm nguy khi tự ý truyền dịch tại nhà

Truyền dịch tại nhà tiềm ẩn nguy hiểm do vậy người dân cần thận trọng, không nên lạm dụng việc này.

Các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, thông tin đã tiếp nhận 3 bệnh nhân nhập viện do phản vệ.

Các bệnh nhân là H.T.S. (60 tuổi, ở Hợp Thành, Cao Lộc), N.Đ.X. (54 tuổi, ở phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn) và Đ.T.D. (63 tuổi, ở Gia Cát, Cao Lộc) vào viện cùng một ngày trong tình trạng chóng mặt, đau đầu, run chân tay, khó thở sau khi truyền dịch tại nhà.

Truyền dịch tại nhà tiềm ẩn nguy hiểm do vậy người dân cần thận trọng, không nên lạm dụng việc này.

Truyền dịch tại nhà tiềm ẩn nguy hiểm do vậy người dân cần thận trọng, không nên lạm dụng việc này.

Những bệnh nhân này đã được cấp cứu, xử trí chống sốc và truyền dịch. Sau xử trí, các bệnh nhân ổn định sức khỏe và đã ra viện.

Trước đó, ngày 2/3 tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, cụ bà 71 tuổi tử vong sau khi truyền dịch tại một phòng khám tư nhân trên địa bàn.

Năm 2022, một nữ bệnh nhân 28 tuổi mệt, sốt, vào một phòng khám tại quận Bình Tân, TP.HCM được chẩn đoán sốt xuất huyết ngày thứ nhất, cho truyền dịch nhưng bất ngờ ngưng tim, ngưng thở.

Cũng về truyền dịch, ngày 16/10/2018, bệnh nhi 22 tháng tuổi đã tử vong sau khi truyền dịch tại phòng khám tư ở quận Long Biên, TP. Hà Nội. Cùng ngày, một bé gái 6 tuổi cũng tử vong sau khi truyền bù nước điện giải tại Bệnh viện Đa khoa quận Lê Chân, Hải Phòng.

Tháng 5/2018, một bệnh nhân ở Cần Thơ cũng tử vong khi đang truyền dịch tại Trạm Y tế.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, tình trạng người dân tự truyền dịch tại nhà để cắt cảm cúm, sốt rất phổ biến. Tuy nhiên, không phải ai truyền dịch tại nhà cũng cải thiện sức khỏe và cắt sốt.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết truyền dịch là đưa vào cơ thể một lượng nước, các chất điện giải, chất dinh dưỡng như glucose, đạm, chất béo, vitamin.

Tuy nhiên, dịch truyền có nhiều loại, mỗi loại lại có các thành phần, nồng độ khác nhau và phải được tiến hành ở những cơ sở y tế có đủ điều kiện, khả năng để xử trí tai biến trong khi truyền.

Trước khi truyền, bệnh nhân cần làm các xét nghiệm máu, khám tim, phổi, mạch, huyết áp để quyết định có cần truyền dịch hay không và liều lượng bao nhiêu.

Ví dụ người bệnh bị mất điện giải mà truyền đường sẽ làm bệnh nặng hơn; hoặc truyền đường trong khi cơ thể thiếu natri sẽ làm máu loãng, gây phù não. Người già, thận yếu, truyền dịch không đúng còn có thể gây phù não, tai biến.

Bên cạnh đó, khi truyền dịch tại nhà, người bệnh dễ bị sốc do tốc độc truyền nhanh và nguy cơ nhiễm khuẩn do không đảm bảo sát khuẩn dụng cụ hoặc lấy ven sai, phải lấy lại nhiều lần.

Theo khuyến cáo Bộ Y tế, các cơ sở y tế, bác sĩ, điều dưỡng cần chỉ định dùng thuốc phù hợp, chỉ tiêm khi không sử dụng được đường dùng khác.

Tùy theo thể trạng, bác sĩ tư vấn truyền loại dịch phù hợp. Song, không phải bệnh nhân nào ốm sốt cũng phải truyền và có thể truyền vào bất cứ thời điểm nào.

Khi tự ý truyền dịch mà chưa có kết quả kiểm tra, chưa đánh giá được mức độ tổn thương và tình trạng bệnh nền, người dân dễ bị biến chứng hơn.

Một số chuyên gia khác cũng cũng nhấn mạnh thực tế, nhiều người cho rằng tiêm truyền bù dịch giúp cơ thể khỏe lên nên không đi khám, trong khi bệnh đang âm thầm tiến triển.

Việc tự ý truyền nước có thể khiến bệnh nặng lên, nguy cơ tai biến do bỏ lỡ thời gian vàng. Ngoài ra, khi truyền dịch tại nhà, điều kiện cấp cứu không thể tốt và đầy đủ như ở các cơ sở y tế, người bệnh không được xử trí kịp thời, nguy cơ tử vong cao hơn.

Các bác sĩ khuyến cáo chỉ nên truyền dịch khi sốt quá cao, nôn quá nhiều gây mất nước, hoặc bệnh nhân bị tiêu chảy, tụt huyết áp..., không thể ăn uống.

Trước truyền, bệnh nhân cần xét nghiệm cẩn thận. Những người mắc bệnh nhẹ chỉ bổ sung nước bằng đường uống, dinh dưỡng, tập luyện để tăng đề kháng.

Nếu cơ thể có biểu hiện bất thường như rét run, khó thở, phù chỗ tiêm... khi truyền dịch, người bệnh phải báo ngay nhân viên y tế để kịp thời xử trí.

Tuyệt đối không tự ý mua thuốc hoặc mời người về nhà truyền dịch khi chưa được khám, xét nghiệm và chỉ định từ bác sĩ.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/canh-bao-hiem-nguy-khi-tu-y-truyen-dich-tai-nha-d187738.html