Cảnh báo cháy, nổ nhà ở kết hợp kinh doanh

Chỉ trong mấy tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xảy ra 7 vụ cháy làm 4 người tử vong, thiệt hại hơn 4 tỷ đồng. Các vụ cháy có người tử vong đều thuộc loại hình nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Ám ảnh cháy nhà

Đã gần mười ngày trôi qua song người dân thôn Sơn Quang, xã Trung Sơn (Việt Yên) vẫn ám ảnh về vụ cháy xảy ra tại xưởng sản xuất đặt tại gia đình ông Tống Văn L (SN 1965) vào rạng sáng 22/6. Người thân, hàng xóm tận mắt chứng kiến ai cũng xót xa, bàng hoàng. Vụ cháy thương tâm đã cướp đi tính mạng 3 người trong cùng gia đình gồm: Ông L, chị Tống Thị T (con gái ông L) và con gái chị T mới 3 tuổi. Nhà cửa, ô tô, 3 xe máy và nhiều tài sản khác đều bị thiêu rụi.

Hiện trường vụ cháy tại gia đình ông Tống Văn L, xã Trung Sơn (Việt Yên) làm 3 người tử vong.

Bà Bùi Thị B, người thân ông L nói trong nước mắt: “Khi phát hiện cháy, bà con người cầm xà beng, người cầm cuốc để tìm cách mở cửa cứu người nhưng chẳng làm gì được. Lửa cháy nhanh quá. Chỉ trong chớp mắt vừa mất người, vừa mất của, thật là đau xót". Được biết gia đình ông L thu mua vải vụn làm sản phẩm công nghiệp phụ trợ. Để có chỗ chứa hàng hóa, gia đình xây dựng khu xưởng kín bằng tường cố định, bố trí 2 cửa cuốn để chở hàng ra vào.

Trước đó, rạng sáng 24/3, một vụ cháy đau lòng xảy ra tại thôn Đồng Đạo, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) khiến 5 người trong gia đình ông Vũ Văn C thương vong. Đau xót hơn, vụ cháy đã cướp đi sinh mạng của con trai ông C. Cơ quan chức năng xác định nạn nhân tử vong do ngạt khí và bị bỏng nặng. Sau đám cháy, tại hiện trường ô tô, xe máy, đồ dùng... bị cháy rụi hoàn toàn. Tại đây, gia đình cũng xây dựng nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đồ gỗ trên diện tích khoảng 400 m2.

Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, hai vụ cháy thương tâm trên đều có điểm chung là xảy ra vào thời điểm nửa đêm đến sáng sớm nên việc phát hiện, xử lý và cứu nạn của người dân, lực lượng tại chỗ, lực lượng chuyên nghiệp chưa được kịp thời. Thêm vào đó, ô tô, xe máy là nguồn dự trữ chất gây cháy (xăng, dầu) lại đỗ chắn lối ra vào, cản trở lối thoát nạn. Cơ quan chức năng đã nhiều lần khuyến cáo loại hình nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rất cao song nhiều người dân còn thờ ơ.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), Công an huyện Việt Yên trao đổi: “Quần áo, vải vóc, tạp hóa, hàng mã… khi cháy sẽ phát tán khói, khí độc. Nếu xảy ra trong nhà, phòng kín, lượng oxy cung cấp không đủ dẫn đến sự cháy không hoàn toàn, từ đó phát sinh các loại khí rất độc như cacbon monoxit, hydro cyanua. Khi hít phải khí độc ở nồng độ lớn hơn sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, nạn nhân sẽ lịm dần và tử vong”.

Nguy cơ cháy nổ luôn cận kề

Hiện nay, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phát triển nhanh tại các địa phương. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 32.600 hộ có nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chủ yếu là cơ sở sản xuất, gia công nhỏ lẻ, kinh doanh mặt hàng tạp hóa, quần áo, vải vóc, đồ gia dụng, linh kiện điện tử... Các hộ này đều có diện tích nhỏ, hàng hóa chưa được sắp xếp riêng biệt.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thực tập phương án chữa cháy tại thị trấn Nếnh (Việt Yên).

Dù nguy cơ cháy nổ cận kề song nhiều người chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC, thiếu kiến thức, kỹ năng thoát nạn; không trang bị hoặc có trang bị nhưng chưa đầy đủ phương tiện. Đa phần các hộ đều tự ý chuyển đổi công năng để ở sang hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn đến không bảo đảm điều kiện về an toàn PCCC và CNCH. Dễ thấy nhất là bố trí hàng hóa, vật tư, nguyên liệu sản xuất ảnh hưởng lối thoát nạn; hệ thống điện quá tải; nguồn lửa, nguồn nhiệt không bảo đảm an toàn.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh về tăng cường công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng chuyên môn tổng kiểm tra, rà soát. Từ cuối năm 2022 đến nay đã tổ chức khoảng 1 nghìn lớp tập huấn cho hơn 212 nghìn người; thành lập, ra mắt các mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC", "Điểm chữa cháy công cộng".

Thượng tá Nguyễn Văn Viện, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo: “Thời điểm vàng để chữa cháy hiệu quả là 3 phút đầu khi phát sinh nguồn cháy. Mỗi người dân nên chủ động tìm hiểu kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH. Sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5 m.

Hệ thống điện phải có thiết bị bảo vệ chống quá tải, chập mạch; không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm; tắt các thiết bị điện khi không cần thiết. Đầu tư lắp đặt các thiết bị báo cháy, phương tiện chữa cháy tại chỗ; chủ động phương án thoát nạn. Khi có nhiều khói, khí độc, dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thấp người tránh nguy cơ bị ngạt khói; men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn”.

Bài, ảnh: Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/407552/canh-bao-chay-no-nha-o-ket-hop-kinh-doanh.html