Cảnh báo 'bom vi trùng' giữa lúc 2 tướng Sudan quyết đấu ác liệt

Các cuộc đụng độ dữ dội tiếp tục nổ ra giữa 2 phe, làm gia tăng rủi ro thảm họa sinh học và trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nguồn cung tại Sudan.

 Tướng al-Burhan (phải) và tướng Hemetti (trái) - lãnh đạo hai phe phái đang đối đầu tại Sudan. Ảnh: BBC.

Tướng al-Burhan (phải) và tướng Hemetti (trái) - lãnh đạo hai phe phái đang đối đầu tại Sudan. Ảnh: BBC.

Lệnh ngừng bắn giữa quân đội Sudan và Lực lượng Phản ứng Nhanh (RSF) đã bị phá vỡ chỉ sau nửa ngày.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 25/4 cảnh báo về “rủi ro sinh học rất lớn” tại Sudan sau khi một nhóm chiến binh chiếm giữ Phòng thí nghiệm Y tế trung ương ở thủ đô Khartoum.

Cùng lúc, các quốc gia vẫn đang gấp rút sơ tán công dân nước mình khỏi quốc gia Bắc Phi.

Tính đến ngày 25/4, ít nhất 459 người Sudan đã thiệt mạng và 4.072 người bị thương kể từ khi xung đột bùng phát 10 ngày trước đó, theo WHO.

Hiện tại, các cuộc đụng độ dữ dội tiếp tục nổ ra giữa quân đội và RSF ở phía bắc Khartoum. Các nhà báo CNN ở Khartoum đã nghe thấy tiếng súng và tiếng gầm rú của máy bay chiến đấu vào ngày 25/4, nửa ngày sau khi thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 72 giờ mở ra cơ hội cho dân thường tháo chạy khỏi đất nước.

 Người dân Sudan di chuyển ra khỏi vùng giao tranh bằng xe buýt. Ảnh: AP.

Người dân Sudan di chuyển ra khỏi vùng giao tranh bằng xe buýt. Ảnh: AP.

“Quả bom vi trùng”

Một nguồn tin nói với CNN rằng phòng thí nghiệm y tế trung ương đã bị lực lượng RSF chiếm đóng. Nơi đây chứa nhiều mẫu bệnh và vật liệu sinh học quan trọng.

Ông Nima Saeed Abid, đại diện WHO tại Sudan, cho biết điều này là “cực kỳ, cực kỳ nguy hiểm” vì trong phòng thí nghiệm chứa các mẫu bệnh sởi, tả và bại liệt.

WHO cho biết các kỹ thuật viên không còn có thể tiếp cận phòng thí nghiệm. Cơ sở đã bị cắt điện, nghĩa là “sẽ không thể bảo quản đúng cách các vật liệu sinh học lưu trữ trong phòng thí nghiệm”.

Theo tổng giám đốc phòng thí nghiệm, việc cắt điện cũng có nghĩa là các túi máu dự trữ vốn khan hiếm có nguy cơ bị hỏng.

Nguồn tin nói với CNN rằng “nếu có bất kỳ cuộc đối đầu vũ trang nào xảy ra trong phòng thí nghiệm, nơi đây sẽ trở thành một quả bom vi trùng”.

“Cần có sự can thiệp khẩn cấp và nhanh chóng của cộng đồng quốc tế để khôi phục điện và bảo vệ phòng thí nghiệm khỏi bất kỳ cuộc đối đầu vũ trang nào, vì chúng ta đang đối mặt với mối nguy hiểm sinh học thực sự”, nguồn tin cho biết thêm.

Gấp rút sơ tán công dân

Anh, Pháp, Hàn Quốc và một loạt quốc gia khác hôm 25/4 xác nhận họ đang nỗ lực đưa công dân ra khỏi Sudan.

Trong khi đó, Nhà Trắng đang xem xét kế hoạch gửi quân đội Mỹ đến Cảng Sudan để giúp sơ tán công dân Mỹ. Ba tàu chiến của Mỹ cũng đang được triển khai ngoài khơi Sudan.

Pháp và Pakistan đều cho biết họ đã sơ tán hàng trăm công dân, trong khi Trung Quốc cho biết hầu hết công dân của họ đã rút khỏi Sudan.

Ít nhất một công dân Mỹ đã bị sát hại ở Khartoum ngày 25/4.

Theo đó, tiến sĩ Bushra Ibnauf, người Mỹ gốc Sudan, giảng dạy tại Đại học Khartoum đã chết sau khi bị đâm liên tiếp trước cửa nhà bởi những người chưa rõ danh tính, theo giới chức Sudan.

 Nhân viên của chính quyền Mỹ đến Djibouti sau khi được sơ tán khỏi Sudan. Ảnh: AP.

Nhân viên của chính quyền Mỹ đến Djibouti sau khi được sơ tán khỏi Sudan. Ảnh: AP.

Lệnh ngừng bắn mong manh

Kể từ khi xung đột bùng phát hồi giữa tháng 4, đã có nhiều thỏa thuận ngừng bắn được ký kết, để rồi bị phá vỡ chỉ sau vài giờ.

Thỏa thuận mới đây do Mỹ làm trung gian đã làm dấy lên hy vọng rằng nó sẽ giúp các quốc gia nước ngoài nhanh chóng đưa công dân và nhân viên đến nơi an toàn.

Tuy nhiên, ngày 25/4, cả 2 bên xung đột đều cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn.

Quân đội cho biết RSF đang di chuyển các đoàn xe quân sự đến thủ đô để thực hiện một chiến dịch quân sự quy mô lớn, đồng thời bố trí các tay súng bắn tỉa ở nhiều địa điểm và hoạt động gần các đại sứ quán.

Trong khi đó, RSF đổ lỗi cho quân đội vi phạm thỏa thuận ngừng bắn khi "tiếp tục tấn công Khartoum bằng máy bay".

 Khói bốc lên tại Khartoum, Sudan hôm 21/4. Ảnh: AP.

Khói bốc lên tại Khartoum, Sudan hôm 21/4. Ảnh: AP.

Nguồn cung cạn kiệt

Đến tuần thứ 2 của cuộc xung đột, nguồn cung nước và lương thực đang dần cạn kiệt ở thủ đô Khartoum.

“Các cửa hàng hoàn toàn cạn kiệt thực phẩm. Một số nhà máy thực phẩm đã bị cướp phá”, một nhân chứng giấu tên nói với CNN.

“Về nguồn cung nước, chúng tôi đã không có nước 11 ngày nay. Chúng tôi phải lấy nước từ một cái giếng gần đó”, nhân chứng nói.

Ông Saif Mohamed Othman, 51 tuổi, sống tại thành phố Bahri cũng cho biết kho dự trữ thực phẩm của các cửa hàng đã cạn kiệt. Mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn khi chợ trung tâm, nơi cung cấp phần lớn rau và thịt cho người Bahri, đã bị đốt cháy rụi.

Người dân cũng gặp khó khăn về tài chính khi nhân viên nhà nước chưa nhận được lương và các cây ATM của ngân hàng đã ngừng hoạt động.

Ông Othman cho biết mới đây đã có các cuộc tuần tra để bảo vệ khu phố khỏi nạn cướp bóc tràn lan do thiếu sự hiện diện của cảnh sát.

Ngày 24/5, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc cảnh báo tình trạng thiếu lương thực, nước, thuốc men và nhiên liệu đang trở nên “cực kỳ nghiêm trọng” ở Khartoum và các khu vực lân cận.

Nhiều người Sudan mắc kẹt trong cuộc giao tranh đã bất chấp hiểm nguy để trốn thoát khỏi thủ đô, tận dụng thời gian ngừng bắn ngắn ngủi để chạy đến nơi an toàn.

Lê Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/canh-bao-bom-vi-trung-giua-luc-2-tuong-sudan-quyet-dau-ac-liet-post1425655.html