Căng thẳng ở New Caledonia

Vào ngày 13/4 qua, khoảng 20.000 người đã xuống đường biểu tình ở Noumeá, thủ phủ quần đảo New Caledonia thuộc Pháp. Đa phần người biểu tình là thành viên của một trong số những đảng chính trị thuộc Mặt trận quốc gia và chủ nghĩa xã hội Kanak (FLNKS), một liên minh đòi độc lập cho New Caledonia.

Kể từ đầu tháng 4 đã xuất hiện không ít trường hợp người biểu tình đụng độ với cảnh sát New Caledonia. Tình hình hoàn toàn có thể xấu thêm trong tương lai gần.

Con đường chông gai

Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong phát biểu trong chuyến thăm New Caledonia của bà vào giữa năm ngoái như sau: “New Caledonia đang đứng trước ngã ba lịch sử. Con đường của các bạn không đơn giản chỉ là phục hồi quyền lực cho người dân bản địa”. Bà Penny Wong là quan chức cấp cao Australia đầu tiên có tuyên bố thẳng thắn như vậy về hòn đảo láng giềng của họ. Bà cũng đã tóm tắt rất chính xác câu hỏi đặt ra với phong trào đòi độc lập cho New Caledonia.

New Caledonia chiếm một vị độc nhất trong số những lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Vào cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980, Chính phủ Pháp rút lại một số đặc quyền dành cho các lãnh thổ hải ngoại, đồng thời khuyến khích người Pháp di cư đến những mảnh đất trên. Toan tính của họ là làm mọi cách để khiến phong trào đòi độc lập ở các lãnh thổ hải ngoại trở nên suy yếu. Paris không ngờ rằng chính họ lại khiến phong trào độc lập New Caledonia bùng lên.

Những cuộc bạo động, khủng bố liên tục nổ ra ở New Caledonia trong giai đoạn 1980-1987 và chỉ tạm ắng lại sau khi hai bên ký hiệp định Matignon. Phe đòi độc lập sẽ chấm dứt các hành động bạo lực để đổi lấy một số đặc quyền kinh tế - chính trị cho cộng đồng người bản địa Kanak.

Cử tri New Caledonia bỏ phiếu biểu quyết việc thành lập nhà nước độc lập vào năm 2018.

Nói về người Kanak, họ hiện chiếm khoảng 40% dân số New Caledonia. 10% nữa là người Polynesia di cư từ các lãnh thổ Pháp hải ngoại khác như Tahiti, Wallis và Futuna. Khoảng 25% dân số New Caledonia là con cháu của người di cư châu Âu. Phần còn lại là những người có cha mẹ, ông bà di cư từ những thuộc địa cũ của Pháp như Algeria, Vanuatu, Việt Nam.

Quần đảo New Caledonia được chia ra làm 3 tỉnh. Đảo chính Grande Terre bị “cắt đôi” thành tỉnh Bắc và tỉnh Nam, còn nhóm đảo Loyalty thì được gộp vào tỉnh Loyalty. 2/3 dân số New Caledonia sống ở tỉnh Nam, nhưng người Kanak lại chiếm đa số ở tỉnh Bắc và tỉnh Loyalty. Quyền lực của 3 tỉnh tạo thành thế “chân vạc” nhằm đảm bảo bất kỳ sắc tộc nào ở New Caledonia cũng có tiếng nói chính trị.

Người New Caledonia có cả quốc tịch New Caledonia lẫn quốc tịch Pháp. Chính quyền New Caledonia có quyền đối thoại ngoại giao trực tiếp với những quốc gia khác mà không cần thông qua Paris, vậy nên một số nước như Trung Quốc và Nhật Bản có lãnh sự quán ở quần đảo xa xôi này. Ngay cả chính quyền các cấp huyện, xã tại New Caledonia cũng khác Pháp. Hội đồng nhân dân của mỗi bộ tộc người Kanak có quyền ban hành luật dành riêng cho bộ tộc đó, miễn là không đi ngược lại một số bộ luật quốc gia nhất định. Nhờ vậy mà quyền lực chính trị của người Kanak lớn mạnh dần theo từng năm. Ông Louis Mapo, Tổng thống đương nhiệm của New Caledonia, là người Kanak đầu tiên giữ chức vụ này.

Người dân New Caledonia từng hai lần (2018 và 2021) đi bỏ phiếu trưng cầu ý dân về việc tách quần đảo này khỏi Pháp. Kết quả cả hai lần đều là “Không”. Vậy nhưng lần trưng cầu ý dân năm 2021 đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của người Kanak. Họ cho rằng Chính phủ Pháp cố ý tổ chức trưng cầu giữa lúc đại dịch COVID-19 đang hoành hành, nhiều người phải chăm sóc thân nhân bị bệnh hay tổ chức lễ tang, nhằm khiến các cử tri Kanak không thể đi bỏ phiếu. FLNKS tẩy chay kết quả trưng cầu và tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi chiến dịch kêu gọi đưa New Caledonia trở thành quốc gia độc lập mang tên Kanaky.

Mỏ nickel bỏ hoang ở New Caledonia.

Ngày 3/4 vừa qua, Quốc hội Pháp bỏ phiếu phê chuẩn việc thay đổi luật bầu cử của New Caledonia. Trước đây chỉ có những người sống tại New Caledonia từ trước năm 1998 mới được đi bỏ phiếu. Luật mới cho phép bất kỳ ai sống ở New Caledonia trong vòng 10 năm liên tục được đi bỏ phiếu. FLNKS kịch liệt phản đối quyết định trên bởi cho rằng chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron đang “can thiệp quá trớn” vào nội tình New Caledonia nhằm giữ quần đảo này thuộc Pháp. Họ liên tục tổ chức các cuộc biểu tình nhằm thể hiện sự bất mãn của mình. Trong một cuộc biểu tình ở thủ phủ Noumeá ngày 4/4, cảnh sát chống bạo động đã phải bắn đến 400 lựu đạn cay để giải tán đoàn người biểu tình.

Khủng hoảng nickel

Bất ổn chính trị tại New Caledonia có liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng nickel tại quần đảo này. New Caledonia là nhà xuất khẩu nickel lớn thứ tư thế giới sau Indonesia, Philippines và Nga. Mỗi năm New Caledonia xuất khẩu gần 200.000 tấn nickel sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Vấn đề phân chia lợi nhuận thu được từ nickel luôn khiến giới chính trị New Caledonia phải “lao tâm khổ tứ”. Chính phủ cựu Tổng thống New Caledonia Thierry Santa từng sụp đổ vào năm 2021 vì các cuộc biểu tình liên quan đến nickel. Mọi chuyện bắt đầu khi tập đoàn khai mỏ Vale (Brazil) mở bán khu mỏ nickel Goro tại tỉnh Nam. Từng có thời điểm khu mỏ suýt nữa được bán cho tập đoàn khoáng sản New Century Resources của Australia. Vậy nhưng cộng đồng người Kanak kịch liệt phản đối việc bán mỏ nickel cho một thực thể nước ngoài. Họ muốn mỏ được chuyển giao cho công ty khoáng sản công-tư Sofinor (với sự hậu thuẫn từ tập đoàn luyện kim Korea Zinc của Hàn Quốc).

Biểu tình nổ ra dữ dội trên toàn tỉnh Nam, còn các quan chức cấp cao người Kanak đồng loạt từ chức, khiến cho Chính phủ Thierry Santa bị sụp đổ. Bộ Hải ngoại Pháp phải trực tiếp can dự vào quá trình thương thảo bán mỏ. Cả New Century Resources và Sofinor rút lại đề nghị mua và Vale chấp nhận bán lại khu mỏ cho công ty địa phương Prony Resources.

Giá nickel trên thị trường thế giới đã giảm hơn 40% trong vòng một năm qua. Ước tính, đến hơn 60% doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến nickel trên thế giới đang gặp lỗ. Lý do lớn nhất cho sự sụt giảm này là nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc hạ giữa lúc nền kinh tế ảm đạm. Ông Tom Price, chuyên gia phân tích thị trường hàng hóa của công ty đầu tư Liberum Capital, nhận xét: “Bất kỳ mỏ nickel nào ở ngoài Indonesia cũng đang gặp nguy hiểm. Các mỏ ở New Caledonia thì lại càng nguy hiểm. Hoàn toàn có khả năng những công ty khoáng sản nước ngoài sẽ sớm đóng cửa mỏ nickel ở New Caledonia để tháo chạy”.

Tập đoàn khoáng sản Glencore (Anh-Thụy Sĩ) mới đây đã tuyên bố tạm ngừng việc chế biến nickel tại nhà máy của họ đặt tại tỉnh Bắc. Hai nhà máy lớn khác ở tỉnh Nam thuộc sở hữu của Eramet (Pháp) và Prony Resources thì đang hoạt động cầm chừng. Paris đã phải cho Prony Resources vay khẩn cấp 140 triệu Euro để không phải đóng cửa nhà máy và khu mỏ Goro. Eramet cũng nhận được một gói cứu trợ tương tự trị giá 40 triệu Euro.

Biểu tình đòi độc lập cho New Caledonia.

Bà Christel Bories, Chủ tịch Eramet, mới đây đã có một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times gây chấn động dư luận. Bà tuyên bố: “Các nhà máy chế biến nickel tại New Caledonia sẽ đóng cửa hết trong vòng 5 năm tới. Họ không thể cạnh tranh cả về mặt giá thành lẫn chất lượng so với sản phẩm nickel của Indonesia. Tôi không nghĩ rằng Chính phủ Pháp lẫn chính quyền New Caledonia sẽ muốn tiếp tục đổ tiền vào ngành nickel... Đã đến lúc New Caledonia thôi phụ thuộc vào nickel”.

Nickel giống như là “máu” của New Caledonia và nền kinh tế của quần đảo này đang phải hứng chịu “hiệu ứng domino” nặng nề từ sự sụp đổ của ngành nickel. Ước tính sẽ có hơn 6.000 công dân New Caledonia mất việc trong tháng 5 tới khi các mỏ khai thác và nhà máy chế biến nickel cạn sạch quỹ tiền lương cho công nhân. Một nhóm chính trị gia thuộc các đảng phái khác nhau mới đây đã gửi thư ngỏ kêu gọi chính quyền New Caledonia tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp. Yêu sách này được thông qua sẽ tạo tiền đề cho chính quyền thực thi những biện pháp mạnh tay hơn, đồng thời giải phóng một số quỹ ngân sách khẩn cấp để cứu trợ cho người lao động.

Cựu Tổng thống Thierry Santa, nay là thủ lĩnh đảng bảo thủ Le Rassemblement, phát biểu: “Nền kinh tế New Caledonia không phải đếm từng tháng hay từng ngày đến thời điểm rơi xuống vực sâu. Chúng ta đang rơi xuống vực sâu. Nếu chính quyền không hành động ngay vào lúc này thì xã hội New Caledonia sẽ sớm đổ vỡ hoàn toàn”.

Đi tìm giải pháp

Chính phủ Pháp, đặc biệt là Bộ trưởng Tài chính Bruno Lemaire, đang “chạy đôn chạy đáo” để tìm cách họp lại các nhà đầu tư lớn vào ngành nickel New Caledonia. Tham vọng của Paris là khiến các tập đoàn khai khoáng trong và ngoài nước ký vào một bản thỏa thuận chung nhằm cải tổ toàn bộ ngành nickel New Caledonia. Đổi lại, Chính phủ Pháp sẽ xóa nợ cho các doanh nghiệp này. Paris vẫn đặt hy vọng vào tương lai và tính cạnh tranh của nickel New Caledonia, nhưng dựa trên hành động và tuyên bố của các tập đoàn khoáng sản đang hoạt động tại đây, có vẻ như chẳng còn ai “mặn mà” với việc đổ vốn vào quần đảo này.

Người biểu tình đụng độ với cảnh sát Pháp nhân chuyến thăm Noumeá của Bộ trưởng Tư pháp Eric Dupond-Moretti và Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin.

Giải quyết được khủng hoảng nickel chắc chắn sẽ giúp tình hình bất ổn ở New Caledonia “hạ nhiệt” phần nào, nhưng như vậy vẫn chưa đi được đến tận gốc vấn đề. Chính phủ Pháp đang tìm cách thỏa hiệp với FLNKS. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin mới đây tuyên bố sẵn sàng lùi lại ngày bầu cử chính quyền các cấp địa phương nếu như phe đòi độc lập chấp nhận bàn đàm phán. Tuy nhiên, các đảng phái thuộc FLNKS tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình nếu như Paris không rút lại quyết định sửa đổi luật bầu cử.

Sacha Houlíe, Chủ tịch Ủy ban Luật pháp của Quốc hội New Caledonia giải thích: “Để cho bầu cử diễn ra đúng kế hoạch vào cuối năm nay thì Quốc hội New Caledonia phải thông qua quyết định của Paris chậm nhất vào mùng 1/8. Cứ tình hình như hiện nay thì khả năng đó khó xảy ra... Điều mà các chính trị gia cánh tả lẫn cánh hữu ở New Caledonia nghĩ đến đầu tiên lúc này là đưa được các bên ngồi xuống bàn đàm phán trước khi tình hình bạo lực trở nên căng thẳng thêm. Nhưng, kể cả làm được việc đó thì họ vẫn còn phải đối mặt với một câu hỏi nan giải khác: Đem đặt quyền lợi của New Caledonia và quyền lợi của Pháp lên bàn cân, bên nào sẽ nặng hơn?”.

Lê Công Vũ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/cang-thang-o-new-caledonia-i729087/