Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc: Ngôn ngữ của đồng tiền quyền lực hơn mọi lời nói suông, phụ thuộc nhau là điều hiển nhiên

Việc đào sâu về mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc cho thấy các lực lượng kinh tế mạnh hơn lời nói chính trị.

Các số liệu thống kê cho thấy quan hệ thương mại Mỹ-Trung Quốc đang bùng nổ, hai bên cùng có lợi. (Nguồn: CGTN)

Các số liệu thống kê cho thấy quan hệ thương mại Mỹ-Trung Quốc đang bùng nổ, hai bên cùng có lợi. (Nguồn: CGTN)

Trong khi quan hệ Mỹ-Trung Quốc vẫn chưa tan băng sau nhiều năm căng thẳng, thì kim ngạch thương mại song phương đang mở rộng, với giá trị xuất nhập khẩu đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Đôi bên cùng thắng

Theo số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 7/2 vừa qua, Trung Quốc duy trì vị trí là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ ba của nền kinh tế số 1 thế giới trong năm 2022, chiếm 13% tổng kim ngạch thương mại, sau Canada (14,9%) và Mexico (14,7%).

Ông Gary Hufbauer, một thành viên cấp cao và chuyên gia thương mại tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson ở Washington, Mỹ, cho biết: “Việc đào sâu về mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc cho thấy các lực lượng kinh tế mạnh hơn lời nói chính trị.

Nền kinh tế Mỹ đang rất mạnh và các công ty nước này cần hàng hóa từ các nhà cung cấp đáng tin cậy với chất lượng cao và giá thấp. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc".

Theo bộ trên, thương mại hàng hóa song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng lên 690,6 tỷ USD vào năm ngoái, vượt kỷ lục được thiết lập vào năm 2018.

Trong đó, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng 2,4 tỷ USD lên mức cao kỷ lục 153,8 tỷ USD, trong khi nhập khẩu các sản phẩm từ Trung Quốc tăng 31,8 tỷ USD lên 536,8 tỷ USD.

Bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, tổng khối lượng thương mại hàng hóa Mỹ-Trung Quốc trong giai đoạn 2020-2022 đạt 1,9 nghìn tỷ USD, trong khi con số này giai đoạn 2017-2019 là 1,84 nghìn tỷ USD.

So với năm 2012, xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Trung Quốc tăng 39%, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 26,6%.

Trong khi đó, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, năm 2022, tổng kim ngạch thương mại Trung-Mỹ tăng 0,6% so với năm 2021, lên 759,43 tỷ USD. Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc sau Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU).

Theo Trung Quốc, năm 2022, xuất khẩu của nước này sang Mỹ tăng 1,2% so với năm 2021, lên 581,78 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ Mỹ giảm 1,1% xuống 177,64 tỷ USD.

Ông Yang Weiyong, Phó giáo sư về kinh tế quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết, bất chấp thống kê khác nhau của hai bên, các số liệu cho thấy mối quan hệ thương mại đang bùng nổ giữa hai nền kinh tế lớn với thực tế đôi bên cùng có lợi, tạo ra việc làm ở cả hai nước và góp phần kiềm chế lạm phát gia tăng ở Mỹ.

Liên quan quan hệ Mỹ-Trung Quốc, trong bài nhận định mới đây trên CGTN, tác giả Han Peng bình luận: “Kim ngạch thương mại Trung Quốc-Mỹ đạt mức cao kỷ lục bất chấp căng thẳng gia tăng.

Những số liệu mới nhất cho thấy, mối quan hệ giữa hai quốc gia vẫn là đôi bên cùng có lợi và những vấn đề như khinh khí cầu bay lạc không thể thay đổi bản chất của mối quan hệ… Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nước là điều hiển nhiên”.

Mỹ cần thị trường Trung Quốc, nơi có tầng lớp trung lưu đang tăng với nhu cầu tiêu thụ nội địa lớn. Giá trị xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2022. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Mỹ.

Ngược lại, Trung Quốc cũng cần Mỹ - một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với các sản phẩm chất lượng cao và chi phí thấp được sản xuất tại quốc gia châu Á này. Việc Washington nhập khẩu các sản phẩm “Made in China” đã góp phần giảm tình trạng dư thừa tại Trung Quốc và giảm lạm phát tại Mỹ trong vài thập niên.

Ngoài ra, các công ty toàn cầu như Tesla của Mỹ cũng giúp kích thích cạnh tranh tại thị trường nội địa Trung Quốc, nâng cao tiêu chuẩn của các công ty ở quốc gia Đông Bắc Á này. Bắc Kinh hiện là nhà sản xuất và tiêu thụ xe điện lớn nhất thế giới nhờ sự phát triển nhanh chóng của các thương hiệu xe điện trong nước.

Tác giả Han Peng nhận định: “Tiền biết nói, và nó nói tốt hơn các chính trị gia”.

Dấu hiệu “tan băng”?

Nhận định về tương lai của mối quan hệ, chuyên gia Hufbauer nói: “Nếu căng thẳng địa chính trị trở nên tồi tệ hơn, dòng chảy thương mại song phương Mỹ-Trung Quốc có thể sụt giảm”.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định: "Nếu tình hình hiện tại vẫn duy trì, tức là hai bên không thân thiện hơn, cũng không trở nên căng thẳng hơn, tôi cho rằng thương mại sẽ tiếp tục phát triển".

Bên cạnh đó, nhà phân tích thương mại tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson này còn nói: “Các mối quan hệ thương mại hiện tại cho thấy, các quyết định của người tiêu dùng và nhà điều hành doanh nghiệp quyền lực hơn so với các quyết định của các nhà hoạch định chính sách”.

Các công ty toàn cầu như Tesla của Mỹ cũng giúp kích thích cạnh tranh tại thị trường nội địa ở Trung Quốc, nâng cao tiêu chuẩn của các công ty ở quốc gia Đông Bắc Á này. (Nguồn: CGTN)

Các công ty toàn cầu như Tesla của Mỹ cũng giúp kích thích cạnh tranh tại thị trường nội địa ở Trung Quốc, nâng cao tiêu chuẩn của các công ty ở quốc gia Đông Bắc Á này. (Nguồn: CGTN)

Washington ngày càng có cách tiếp cận "thực tế" đối với mối quan hệ thương mại rộng lớn hơn với Trung Quốc, với việc các nhà vận động hành lang kêu gọi đạt được sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và an ninh quốc gia.

Ví dụ, hôm 6/2, một ngày trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc Thông điệp Liên bang hằng năm, bà Suzanne P. Clark, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Mỹ, nói rằng, cộng đồng doanh nghiệp nước này “muốn nghe một ‘cách tiếp cận cân bằng’ với Trung Quốc" trong bài phát biểu của ông Biden.

Bà P. Clark nói: “Mối quan hệ thương mại của chúng ta với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trị giá gần 1 nghìn tỷ USD hằng năm và hỗ trợ hàng trăm nghìn việc làm cho người Mỹ”.

Trong khi đó, ông Biden khẳng định, Washington tìm kiếm sự cạnh tranh chứ không phải xung đột với Bắc Kinh và Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực có lợi ích phù hợp.

Vào cuối tháng 11/2022, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết, nước này thu được những lợi ích to lớn từ thương mại với Trung Quốc và sẽ không tách rời khỏi nó, ngoại trừ công nghệ quan trọng và các lĩnh vực khác mà Nhà Trắng cho là có thể "làm suy yếu" an ninh quốc gia.

Còn Bắc Kinh cũng nhiều lần lên tiếng phản đối việc kéo dài khái niệm “an ninh quốc gia” và chính trị hóa hoặc vũ khí hóa các mối quan hệ kinh tế và thương mại.

Về vấn đề này, tháng 12/2022, ông Tần Cương, khi đó còn là Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, cho biết trong một bài phát biểu: "Chúng ta không nên để an ninh quốc gia cản trở sự phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống của người dân ở cả hai nước".

Ngày 9/2 vừa qua, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc Shu Jueting cho biết, Bắc Kinh hoan nghênh thiện chí của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đến thăm nước này sau khi bà Yellen cho biết hôm 8/2 rằng, bà hy vọng có thể đến thăm Trung Quốc và gặp gỡ các đối tác tại nền kinh tế số 2 thế giới.

(theo China Daily, CGTN)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cang-thang-my-trung-quoc-ngon-ngu-cua-dong-tien-quyen-luc-hon-moi-loi-noi-suong-phu-thuoc-nhau-la-dieu-hien-nhien-216099.html