Cảng Quốc tế Long An là cầu nối quan trọng giữa Việt Nam và Campuchia

Ngày 1.2, tại Cảng Quốc tế Long An, đại diện Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh và lãnh đạo Dongtam Group đã đón tiếp, làm việc với Đoàn Đại biểu tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia. Đây là một trong những nội dung nằm trong chương trình của Đoàn Đại biểu tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia khi đến thăm và làm việc tại Việt Nam nói chung và tỉnh Long An nói riêng.

Tham dự sự kiện, về phía lãnh đạo tỉnh Long An có ông Nguyễn Minh Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Về phía Đoàn Đại biểu tỉnh Svay Rieng có Ngài Peng Posa, Tỉnh trưởng tỉnh Svay Rieng làm Trưởng đoàn. Tiếp đón đại biểu đến làm việc tại Cảng, phía Dongtam Group có ông Võ Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cảng Long An cùng lãnh đạo Dongtam Group và Cảng Quốc tế Long An.

Đoàn Đại biểu tỉnh Svay Rieng tham quan và chụp ảnh tại Cảng Quốc tế Long An. Ảnh: Bích Liên

Trong không khí hân hoan phấn khởi đón Tết cổ truyền Việt Nam - Xuân Giáp Thìn 2024, ông Võ Quốc Huy bày tỏ niềm vui mừng khi vinh dự đón tiếp Đoàn Đại biểu tỉnh Svay Rieng đến thăm và làm việc tại Cảng. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, mở ra mối quan hệ tốt đẹp giữa hai tỉnh Svay Rieng và tỉnh Long An nói riêng, Việt Nam và Campuchia nói chung. Qua đó, thúc đẩy nhiều cơ hội kết nối giao thương cho doanh nghiệp hai nước ngày càng thắt chặt và bền vững.

Long An là một trong hai tỉnh của Việt Nam có chung biên giới đường bộ với tỉnh Svay Rieng, có vị trí đặc biệt trong chiến lược kết nối giao thương giữa tỉnh Long An và Campuchia. Tuy nhiên, theo Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Việt Nam và Campuchia ký kết ngày 26.12.2013 tại Hà Nội, tỉnh Long An chỉ mới có một cửa khẩu Bình Hiệp, cũng chính là cửa khẩu Pray Vor của tỉnh Svay Rieng đủ điều kiện thực hiện nghiệp vụ hàng hóa quá cảnh. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và từ Campuchia tìm đến Cảng Quốc tế Long An để tìm hiểu về hoạt động khai thác hàng quá cảnh, hàng trung chuyển từ Campuchia qua Cảng Quốc tế Long An, từ đây tiếp tục hải trình quốc tế đến các nước châu Âu, châu Mỹ, hoặc ngược lại từ quá cảnh qua Cảng Quốc tế Long An đến Campuchia.

Đại biểu tỉnh Svay Rieng cùng Lãnh đạo tỉnh Long An tham quan hệ sinh thái Cảng Quốc tế Long An. Ảnh: Bích Liên

“Điều này đã mở ra nhiều cơ hội để Cảng Quốc tế Long An tự tin đủ năng lực để tiếp nhận lượng hàng này ngay từ bây giờ. Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng hiện đại, trang thiết bị tiên tiến bậc nhất trên thế giới, cùng đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn, Cảng Quốc tế Long An đã và đang tiếp nhận nhu cầu của các doanh nghiệp có hàng hóa quá cảnh, hàng trung chuyển từ Campuchia sang Việt Nam và ngược lại thông qua hai ưu thế về kết nối giao thông đường bộ và đường thủy”, bà Ngô Thị Thanh Vy, Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác Cảng Quốc tế Long An, cho biết.

Đại diện Trưởng đoàn tỉnh Svay Rieng chúc mừng kết quả phát triển kinh tế xã hội của Long An đạt được trong năm 2023, trong đó kể đến vị thế chiến lược và năng lực khai thác của Cảng Quốc tế Long An. Với sự tăng trưởng về giao thương giữa hai nước và sự ra đời của Cảng Quốc tế Long An, việc bổ sung danh sách cửa khẩu là một điều cấp thiết. Điều này sẽ đem lại một tuyến vận chuyển quốc tế đa phương thức từ Campuchia qua Việt Nam đến các châu lục thông qua cửa khẩu tỉnh Svay Rieng và tỉnh Long An, góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và tăng lợi thế cạnh tranh trực tiếp cho hai tỉnh Svay Rieng và tỉnh Long An trên bản đồ chuỗi cung ứng khu vực Đông Nam Á.

Tỉnh trưởng tỉnh Svay Rieng (phải) nhận quà lưu niệm từ đại diện Dongtam Group và Cảng Quốc tế Long An. Ảnh: Bích Liên

Ngài Peng Posa, Tỉnh trưởng tỉnh Svay Rieng, chia sẻ: “Tôi tin rằng nếu tính toán đúng đắn dự án, Cảng Quốc tế Long An sẽ là cầu nối quan trọng, mở rộng giao thương, trao đổi qua lại các hàng hóa giữa hai nước, mang lại cho người dân, doanh nghiệp hưởng lợi về vận tải, trong đó về đường thủy, tạo động lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế. Song song đó, hai bên sẽ cử đoàn công tác chuyên môn Giao thông và Vận tải để khảo sát, kiến nghị phù hợp lên các Bộ, ngành có thẩm quyền liên quan theo đúng pháp lý. Chúng tôi rất cảm ơn Lãnh đạo tỉnh Long An, Cảng Quốc tế Long An đã tiếp đón đoàn chu đáo”.

Nhân chuyến thăm và làm việc tại Cảng Quốc tế Long An, Đoàn đã có cuộc gặp gỡ và giao lưu với lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành tỉnh Long An; đại diện Lãnh đạo Dongtam Group và Cảng Quốc tế Long An. Bên cạnh đó, Đoàn tham quan hệ sinh thái Cảng Quốc tế Long An, như: Cầu Cảng, Hệ thống nhà kho, Khu Công nghiệp, Khu Dịch vụ, Khu Đô thị, Công trình cột cờ cao nhất Đông Dương.

Cảng Quốc tế Long An với diện tích 147 ha, thuộc hệ sinh thái khu công nghiệp – cảng biển – đô thị dịch vụ với tổng diện tích toàn dự án là 1.935 hecta, đóng vai trò mắt xích quan trọng trong chuỗi giao thương hàng hóa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cảng Quốc tế Long An hiện có 7 cầu cảng với chiều dài liên tục cầu cảng là 1.670m và 1 triệu m2 kho bãi lưu trữ hàng hóa đưa vào hoạt động, có khả năng tiếp nhận tàu lên đến 100.000 DWT, công suất khai thác có quy mô 3 triệu TEU và 10 triệu tấn hàng tổng hợp. Cảng đã và đang cung cấp đầy đủ các dịch vụ cảng biển và logistics trọn gói như khai thác hàng tổng hợp, container, dịch vụ lưu kho-bãi, giao nhận hàng hóa quốc tế, vận chuyển thủy bộ, đại lý hải quan.

Ngô Gia

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/cang-quoc-te-long-an-la-cau-noi-quan-trong-giua-viet-nam-va-campuchia-42595.html