CANDVT Nghệ An giúp nước bạn Lào tiễu phỉ

Với quan điểm giúp bạn là tự giúp mình, tuy mới được thành lập, biên chế còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, nhưng với tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả, theo yêu cầu của nước bạn Lào và thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh CANDVT Trung ương, từ năm 1968 đến cuối năm 1972, CANDVT tỉnh Nghệ An đã cử lực lượng sang giúp bạn tiễu phỉ, tiêu diệt các toán gián điệp, biệt kích. Qua đó, góp phần làm thất bại âm mưu phá hoại của địch; bảo vệ, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới và củng cố, giữ vững vùng giải phóng của nước bạn Lào trong mọi tình huống.

Ban Giám đốc Công an tỉnh Hủa Phăn (Lào) chúc Tết cổ truyền Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An. Ảnh: Lê Thạch

Thống nhất chủ trương thành lập Phân đội 56

Những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước, tình hình biên giới miền Trung khá phức tạp. Bọn phỉ Vàng Pao được sự hà hơi tiếp sức của đế quốc Mỹ, hoạt động rất trắng trợn. Các toán gián điệp, biệt kích, phỉ từ Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay (Lào) thường xuyên xâm nhập vào biên giới Nghệ An, Hà Tĩnh. Bên nước bạn Lào, chúng lập nhiều cụm phỉ ở Phà Cạt, Phà Hom, Huồi Hồng, Mường Xằng, Mường Chuồn... Chúng thường xuyên đánh phá cơ sở cách mạng, tạo thành vùng trắng, làm cho nước bạn Lào không thể kiểm soát được.

Theo yêu cầu của nước bạn Lào, cuối năm 1968, Bộ Tư lệnh CANDVT quyết định mở Mặt trận tiễu phỉ ở các vùng Mường Chuồn; Phà Hom; Phà Cạt thuộc huyện Viêng Thoong, tỉnh Bô Ly Khăm Xay. Đồng thời, thành lập Phân đội 56 (mang ký hiệu K5), do đồng chí Thượng úy Nguyễn Đình Bá, Phó Tham mưu trưởng CANDVT tỉnh Nghệ An (sau này là Đại tá, Phó Tham mưu trưởng BĐBP) làm Phân đội trưởng. Lực lượng tham gia chiến đấu tiễu phỉ gồm: 170 đồng chí của Phân đội 56 CANDVT; 2 đại đội của Tiểu đoàn 43, Tỉnh đội Nghệ An, cùng 120 dân công hỏa tuyến điều từ các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí và thu dọn chiến trường, khắc phục hậu quả. Bộ Tư lệnh CANDVT cũng đã điều Đại đội 4, Đại đội 3 và 1 phân đội trinh sát đặc công của Tiểu đoàn 12 tăng cường cho CANDVT tỉnh Nghệ An để phối hợp tiễu phỉ.

Ngày 6/1/1969, Thượng tá Đinh Văn Tuy, Trưởng ty Công an kiêm Chính ủy CANDVT tỉnh Nghệ An (sau này là Trung tướng, Tư lệnh BĐBP) trực tiếp làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An về chủ trương đưa lực lượng ra ngoại biên hoạt động ở Mặt trận K5 và đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành giúp đỡ về mặt hậu cần, lực lượng dân công phục vụ chiến đấu. Đồng thời, làm việc với Tỉnh đội Nghệ An thống nhất kế hoạch phối hợp giữa lực lượng của Tỉnh đội ở ngoại biên với lực lượng của Mặt trận K5.

Để mở màn cho chiến dịch, Ban Chỉ huy Mặt trận K5 quyết định đánh diệt Đồn Phà Hom, cách biên giới Việt Nam - Lào khoảng 24km. Mờ sáng ngày 18/1/1969, các mũi tiến công của ta đồng loạt nổ súng, diệt 59 tên, thu 1 súng ĐKZ, một cối 60mm, 30 khẩu súng các loại, đốt cháy 10 lán trại của phỉ. Trận đánh diệt Đồn Phà Hom mở màn đã thu được thắng lợi giòn giã, làm rung chuyển cả hệ thống đồn bốt của địch ở dọc biên giới. Bọn địch ở những đồn còn lại hoang mang lo sợ.

Đêm ngày 9, rạng sáng ngày 10/2/1969, Trung úy Trịnh Thọ và Trung úy Nguyễn Oanh chỉ huy một trung đội tiến hành đánh Đồn Phà Cạt, diệt 5 tên, bắt 18 tên, thu 15 súng các loại. Trước thủ đoạn phân tán nhỏ lẻ, hoạt động tản mát trên diện rộng của địch, từ tháng 5 đến tháng 6/1969, Ban Chỉ huy Mặt trận K5 quyết định cho các đơn vị tổ chức thành nhiều mũi đánh địch rộng khắp ở nhiều nơi, đồng thời đẩy mạnh công tác địch vận, gọi hàng để làm chúng tan rã từng mảng. Ngày 29/10/1969, ta đánh Đồn Mường Chuồn, 27 tên địch xin ra hàng. Toàn bộ Đồn Mường Chuồn thất thủ. Xã Mường Chuồn, Phà Cạt được giải phóng, nhân dân thoát khỏi cảnh áp bức của phỉ, phấn khởi làm ăn, xây dựng cuộc sống mới.

Khắc phục khó khăn, dũng cảm chiến đấu giúp nước bạn Lào

Tháng 12/1970, lực lượng Pa-thét Lào đánh mạnh, giải phóng cả vùng rộng lớn từ Đồn Viêng, huyện Mường Mộc đến Phà Xinh, Phà Lai. Trên đà thắng lợi, Phân đội 56 quyết định mở một chiến dịch truy quét toàn bộ các khu vực 3 xã Mường Chuồn, Phà Cạt và Mường Xằng. Đầu năm 1972, phỉ Vàng Pao được đế quốc Mỹ hỗ trợ sử dụng máy bay trực thăng đổ bộ 2 tiểu đoàn đánh chiếm lại một số vị trí ở 3 xã Mường Chuồn, Phà Cạt và Mường Xằng. Chúng gom dân, lập ấp, sát hại một số cơ sở cách mạng do ta mới xây dựng. Ngày 18/10/1972, Phân đội 56 phối hợp với lực lượng của Tỉnh đội Nghệ An đánh bật địch ra khỏi xã Phà Cạt.

Đồn Biên phòng Mỹ Lý, BĐBP Nghệ An phối hợp với Đại đội Biên phòng 217, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hủa Phăn (Lào) tuần tra song phương. Ảnh: Lê Thạch

Trong trận chiến đấu này, Hạ sĩ Hà Sĩ Học bị thương nặng, lạc đường, vẫn chịu đựng đau đớn, ăn quả rừng, uống nước suối, len lỏi trong rừng suốt 15 ngày tìm đường trở về đơn vị. Anh em nghẹn ngào xúc động đón người đoàn viên ưu tú dân tộc Thái ở huyện Quế Phong trở về. Hạ sĩ Hà Sĩ Học trở thành tấm gương cho anh em trong đơn vị học tập, noi theo. Sau khi giúp lực lượng nước bạn Lào tiễu phỉ thành công, tháng 8/1975, bộ phận cuối cùng của Phân đội 56 đã rút về nước.

Chiến đấu kéo dài nhiều năm trong điều kiện khó khăn gian khổ, địa hình phức tạp nhưng CANDVT tỉnh Nghệ An và lực lượng phối hợp đã vận dụng sáng tạo, kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến vũ trang với sử dụng cơ sở nội tuyến, công tác binh vận gọi hàng, vận động các gia đình có người đi theo phỉ kêu gọi người thân ra hàng để hưởng chính sách khoan hồng của bạn. Trong 7 năm giúp nước bạn Lào, CANDVT tỉnh Nghệ An và các lực lượng phối hợp đã đánh 10 trận tập kích, 19 lần đánh thọc sâu, 39 trận phục kích. Qua đó, tiêu diệt 327 tên địch, bắn bị thương 32 tên, bắt sống 32 tên, gọi hàng tại trận 30 tên, kêu gọi 184 tên khác mang vũ khí về hàng chính quyền bạn, phá hủy 10 sân bay dã chiến, 24 kho vũ khí, quân trang, quân dụng; phá vỡ hệ thống đồn bốt của phỉ.

Thắng lợi đó đã góp phần lớn trong giải phóng 3 xã Mường Chuồn, Mường Xằng và Phà Cạt thuộc huyện Viêng Thoong, tỉnh Bô Ly Khăm Xay và 4 xã Thăm Thao, Sầm Chè, Mường Ngạt và Loong Mộ, huyện Mường Mộc, tỉnh Xiêng Khoảng, nước CHDCND Lào. Thắng lợi ở Mặt trận K5 có ý nghĩa hết sức quan trọng, phá tan âm mưu của địch về xây dựng khu căn cứ để chống phá cách mạng Việt Nam và Lào lâu dài; thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị quốc tế giữa hai nước Việt Nam - Lào; đồng thời, thực hiện tốt phương châm “đánh địch từ xa để bảo vệ biên giới”.

Thành tích chiến đấu của tập thể và cán bộ, chiến sĩ Phân đội 56 đã được Nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương Quân công, 8 Huân chương Chiến công và nhiều bằng khen, giấy khen. Tháng 12/1973, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quyết định tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Phân đội 56.

Yến Ngọc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/candvt-nghe-an-giup-nuoc-ban-lao-tieu-phi-post472146.html