Cần ý thức chủ động của cộng đồng

Thông tin từ ngành y tế, tình hình bệnh lao vẫn còn diễn biến phức tạp, tỷ lệ lao kháng thuốc được phát hiện ngày càng nhiều hơn. Chính vì thế, công tác phòng, chống lao đã và đang đối diện nhiều thách thức.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2023, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên thế giới trong số các bệnh truyền nhiễm vào năm 2022, chỉ sau Covid-19. Việt Nam hiện là nước đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Cùng chung tình hình bệnh lao trong cả nước, bệnh lao tại Cà Mau cũng đang có chiều hướng diễn biến tiêu cực trong cộng đồng. Năm 2023, tỉnh thực hiện thu dung điều trị hơn 1.600 bệnh nhân lao, tăng hơn 10% so với năm 2022. Cùng với đó, bệnh lao kháng thuốc cũng đã được ghi nhận và tồn đọng trong cộng đồng.

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh thực hiện kỹ thuật nội soi phế quản tại đơn vị.

Thời gian qua, với sự hỗ trợ tích cực từ Dự án ACT5 được triển khai đến 6 địa phương trong tỉnh, thực hiện lấy mẫu ngay tại cộng đồng người dân (khóm/ấp), đã giúp nâng cao khả năng tiếp cận và tỷ lệ tham gia, nâng cao năng lực của tuyến y tế cơ sở trong công tác phòng, chống bệnh lao. Ðồng thời, giúp phát hiện sớm, điều trị và giảm tỷ lệ mắc lao trong cộng đồng, tiến tới xóa bỏ bệnh lao vào năm 2030.

Bác sĩ Trần Quang Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, chia sẻ, qua thống kê của ngành y tế, hiện nay có hơn 70% dân số hít phải vi khuẩn lao. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai khi tiếp xúc vi khuẩn lao đều bị bệnh lao. Ðiều này còn do sức đề kháng của cơ thể. Chính vì thế, việc tầm soát nhằm phát hiện sớm bệnh lao tiềm ẩn để điều trị là hết sức cần thiết. Thực tế không thể phủ nhận vai trò của Dự án ACT5 được triển khai, song tính bao phủ của dự án còn mỏng, trong khi đó bệnh lao tiềm ẩn trong cộng đồng còn khá nhiều. Ðiều này cũng là thách thức lớn đối với công tác phòng, chống bệnh lao tại địa phương.

Một trong những rào cản đối với công tác phòng, chống bệnh lao là nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân về bệnh lao còn hạn chế. Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ lây lan và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng; nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, người mắc bệnh sẽ dẫn đến suy nhược cơ thể trầm trọng, không thể lao động sản xuất, nếu nặng hơn có thể không tự phục vụ bản thân và suy kiệt dần, dẫn đến tử vong. Thế nhưng, đứng trước hàng loạt mức độ nguy hiểm do bệnh lao gây ra, nhiều người vẫn chủ quan, xem nhẹ và bỏ qua việc tầm soát để có một phác đồ điều trị hữu hiệu.

Trong năm 2023, bệnh nhân lao được thu dung, điều trị tăng hơn 10% so với năm 2022.

Hiện nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đảm nhận nhiệm vụ phòng, chống bệnh lao tại địa phương. Thời gian qua, chất lượng điều trị luôn được cải thiện thông qua việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các đơn vị tuyến trên.

Vào ngày 19/3 vừa qua, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cà Mau nhận chuyển giao kỹ thuật và khánh thành đơn vị nội soi phế quản. Ðây là kỹ thuật mới được bệnh viện tiếp nhận thực hiện nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh nhân lao và bệnh phổi tại bệnh viện. Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Thanh Hùng, Chủ nhiệm Bộ môn Lao, Trường Ðại học Cần Thơ, Phó giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ, hỗ trợ thực hiện chuyển giao kỹ thuật.

Bác sĩ Trần Quang Dũng thông tin, nhằm nâng chất việc phát hiện và điều trị bệnh lao nói riêng và bệnh lý về đường hô hấp nói chung, từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ tiếp tục tiếp nhận chuyển giao một số kỹ thuật hiện đại mới như: nuôi cấy, định danh và kháng sinh đồ vi sinh; thở máy trong hồi sức cấp cứu các bệnh lý hô hấp; nội soi phế quản ống mềm; chăm sóc người bệnh toàn diện và thực hành kỹ năng hồi sức cấp cứu.

Theo Bác sĩ Dũng, nâng cao năng lực điều trị chỉ là một yếu tố trong công tác phòng, chống bệnh lao. Ðể giảm thiểu gánh nặng do bệnh lao gây ra, hướng đến chấm dứt bệnh trong thời gian tới, thì yếu tố quan trọng là phải phát hiện sớm bệnh lao tiềm ẩn. Ðể làm được điều này, yêu cầu quan trọng là cần thực hiện hiệu quả tầm soát với chiến lược 2X (X-quang và X-xpert).

Tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu trong năm 2024, phát hiện tối thiểu 70% nguồn lây lao mới, điều trị lành trên 90% số bệnh nhân lao được thu dung, quản lý và điều trị. Phấn đấu đến năm 2025, sẽ giảm 50% tỷ lệ mới mắc vào năm 2025 so với 2018; giảm 75% tỷ lệ tử vong do lao vào năm 2025 so với 2018; duy trì tỷ lệ mắc lao kháng thuốc dưới 3% trong tổng số ca lao mới; giảm 50% số gia đình phải chịu chi phí thảm họa do lao vào năm 2025 so với năm 2018. Ðến năm 2030 tiếp tục giảm số người chết do bệnh lao và giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người trên 100 ngàn người dân. Hướng tới mục tiêu để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.

Văn Ðum

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/can-y-thuc-chu-dong-cua-cong-dong-a31975.html