Cần ý thức cảnh báo từ xa, từ sớm để ngăn tai nạn

Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp hai vụ tai nạn giao thông (TNGT) đã xảy ra trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn. Vị trí xảy ra tai nạn là đoạn đường không có hệ thống đèn chiếu sáng và cũng không có làn dừng đỗ khẩn cấp đúng chuẩn cao tốc. Đây cũng là đoạn đường được phép vượt xe. Tuy nhiên, nguyên nhân ban đầu được xác định là do lỗi của tài xế.

Nhìn từ các vụ tai nạn, các chuyên gia khuyến cáo, khi xe gặp sự cố trên đường, đặc biệt trên cao tốc, tài xế cần cảnh báo từ xa, từ sớm để các phương tiện khác nhận biết.

Cơ quan Công an khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn tối 10/3.

Cơ quan Công an khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn tối 10/3.

Vụ tai nạn thương tâm

Sáng 11/3, công tác khám nghiệm hiện trường vụ TNGT xảy ra vào 19h40' ngày 10/3 trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua xã Phong Sơn, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) khiến 2 người tử vong, 3 người bị thương và 6 người đưa đến cơ sở y tế kiểm tra vẫn đang được lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện để tìm ra nguyên nhân.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng xác định, xe tải BKS 75C - 016.91 do Phan Đình Thành (SN 1988, trú TP Huế, Thừa Thiên Huế) cầm lái di chuyển hướng Bắc - Nam. Khi đến Km 58 cao tốc Cam Lộ - La Sơn thì xe bị nổ lốp nên dừng xe tại vị trí chỉ có 2 làn đường và không có làn đậu xe khẩn cấp. Sau đó, xe khách BKS 51B-261.49 do Lê Hoàng Quân (SN 1973, trú Đắk Nông) cầm lái di chuyển cùng chiều do không quan sát thấy xe tải dừng nên xảy ra va chạm, gây tai nạn. Theo tài xế xe khách, trên xe có hơn 40 hành khách. Thời điểm xảy ra tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn trời tối và không có đèn đường. Khi xe đang di chuyển thì bất ngờ phát hiện xe tải dừng trên cao tốc nhưng không có đèn báo khẩn cấp.

Đến 7h sáng 11/3, danh tính của các nạn nhân tử vong và bị thương đã được xác định. Trong đó, 2 hành khách tử vong gồm: Cụt Văn Sơn (SN 2004, trú xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn) và Cụt Thị Ương (SN 2007, trú xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Các hành khách bị thương gồm: Linh Văn Khăm, Lương Thị Bích, Linh Thanh Trung (cùng trú tại xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An); Cụt Văn Xuân, Cụt Văn Nam, Cụt Văn Xuân, Cụt Văn Huyên (cùng trú tại xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn); Cụt Thị Phuôn, Lương Thị Khách (cùng trú tại xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn).

Đến chiều 11/3, thi thể của 2 nạn nhân cũng là cặp vợ chồng trẻ tử vong trong vụ xe khách va chạm với xe tải trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa phận xã Phong Sơn (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) đã được đưa về đến quê nhà ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).

Trong đó, thi thể người chồng là Cụt Văn Sơn (SN 2004, trú xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn) được đưa về nhà ba mẹ tại xã Bảo Nam. Còn thi thể người vợ là Cụt Thị Phong (trú huyện Pha Đánh, huyện Kỳ Sơn) đã được đưa về nhà bố mẹ tại xã Pha Đánh.

Qua trao đổi với PV Báo CAND chiều 11/3, bà Vi Thị Thanh, Chủ tịch UBND xã Phà Đánh cho biết, gia đình em Phong có hoàn cảnh rất đặc biệt khó khăn, là hộ nghèo, người dân tộc thiểu số Khơ mú.

Năm 2023, gia đình Phong cùng với nhiều gia đình khác trên địa bàn xã đã được Bộ Công an hỗ trợ xây nhà tình nghĩa. Nhờ vậy, suốt những tháng mưa gió qua, em Phong cũng như 5 thành viên trong gia đình đã có được mái ấm, có nơi ở an toàn. Do ở quê không có việc làm nên khoảng 3 năm nay, cứ thường ra Giêng, em Phong cùng với bố mẹ em vào Bình Phước đi cạo mủ cao su thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Năm ngoái, em Phong và em Cụt Văn Sơn ở xã Bảo Nam (huyện Kỳ Sơn) đã nên duyên vợ chồng.

"Thế nhưng do nhà nghèo, không có tiền nên hai bên gia đình chưa thể tổ chức lễ cưới. Vì vậy, em Phong vẫn đang sống ở nhà ba mẹ ở xã Phà Đánh. Hiện, vợ chồng em Phong đã có 1 con nhỏ (7 tháng tuổi). Trước khi vợ chồng Phong khăn gói, rời quê vào Bình Phước đi cạo mủ cao su thuê, cháu bé đã gửi lại nhờ ông bà nội chăm sóc", bà Thanh cho biết.

"Gia đình em Phong nói, lúc nào đi làm thuê có tiền sẽ về quê tổ chức lễ cưới để mời bà con xóm giềng nhưng không ngờ, em ấy đã vĩnh viễn ra đi, để lại con thơ dại", bà Thanh giọng nghèn nghẹn.

Qua tìm hiểu của PV Báo CAND được biết, bố mẹ em Phong đã chuẩn bị đồ đạc và dự định sáng 11/3 cũng bắt xe khách vào Bình Phước để đi xin cạo mủ cao su. Không ngờ, sáng 11/3, nhận được hung tin con gái và con rể đã tử vong trên chuyến xe định mệnh tối 10/3 khi trên đường vào Nam làm thuê kiếm sống, họ rơi vào hoảng loạn. Hiện, chính quyền xã Phà Đánh, Công an xã và các ban, ngành đang tập trung giúp đỡ để lo hậu sự cho em Phong.

Đại tá Hồ Xuân Phương, Phó giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế trao đổi với lực lượng chức năng tại hiện trường vụ tai nạn.

Đại tá Hồ Xuân Phương, Phó giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế trao đổi với lực lượng chức năng tại hiện trường vụ tai nạn.

Những kinh nghiệm lái xe trên cao tốc đáng chú ý

Theo ông Phan Thanh Uy, Tổng thư ký Hiệp Hội Vận tải ôtô Việt Nam, người có hơn 30 năm dạy học trong các trường đào tạo lái xe, chia sẻ: Đội ngũ lái xe nói chung bây giờ đang thiếu kỹ năng lưu thông trên đường cả cao tốc lẫn đường thường. Cụ thể là lái xe trên một chiều đường hay đường một chiều có nhiều làn xe. Lái xe thậm chí chưa hiểu tường tận được làn xe nào là được chạy, còn tình trạng tùy ý, thích chạy làn nào thì chạy. Thực tế, đây là một kỹ năng quan trọng.

Ông Phan Thanh Uy đưa ra kinh nghiệp lái xe an toàn: Xe nào chạy tiệm cận tốc độ tối đa cho phép thì mới được chạy ở làn xe bên trái sát dải phân cách cứng. Những xe chạy dưới tốc độ tối đa cho phép thì phải chạy vào làn xe ở giữa. Xe nào càng chạy chậm thì càng phải vào làn xe sát bên phải nói chung.

Vị Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam còn cho hay, hiện nhiều lái xe thiếu kỹ năng giữ khoảng cách xe đi trước và xe đi sau. Có một nguyên tắc khi lưu thông trên đường để lái xe an toàn, trong điều kiện bình thường là nguyên tắc 4 giây và nguyên tắc 6 giây. Nguyên tắc 4 giây là cho những lái xe chạy không, xe con, xe tải nhỏ. 4 giây xe chạy được bao nhiêu thì khoảng cách xe bằng từng đấy. Ví dụ anh chạy 50km/h, thì khoảng cách giữa xe trước và xe sau là 50m; 70km/h thì khoảng cách giữa xe trước và xe sau là 70m; 100km/h thì khoảng cách giữa xe trước và xe sau là 100m; 120km/h thì khoảng cách tối thiểu giữa xe trước và xe sau là 120m trở lên.

Trong các các trường hợp bất lợi, ví dụ trời mưa đường trơn, hạn chế, sương mù… thì khoảng cách an toàn phải nhân lên gấp rưỡi, tăng dần theo sự bất lợi. Nguyên tắc 6 giây áp dụng cho những xe tải nặng, xe khách lớn (45 chỗ). Ví dụ xe chạy 50km/h thì khoảng cách an toàn giữa các xe phải gấp rưỡi, tương ứng là 70m. Đây là khoảng cách tối thiểu để đảm bảo an toàn, khi xe phía trước có vấn đề gì xảy ra, hoặc phanh gấp lại, thì xe đằng sau vẫn có đủ thời gian, đủ đoạn đường để đảm bảo an toàn.

Một giáo viên khác tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và đào tạo sát hạch lái xe Hùng Vương cũng cho hay, nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tránh các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, khi lái xe vào làn dừng khẩn cấp, lái xe cần bật đèn cảnh báo khẩn cấp, đặt cảnh báo từ xa để các phương tiện di chuyển cùng chiều và trên đường cao tốc nhận biết được phía trước có xe gặp sự cố. Đường cao tốc ban đêm không có đèn đường, nếu không có cảnh báo từ xa, xe đi với tốc độ cao khi gặp xe đỗ sẽ rất khó xử lý. Buộc phải có cảnh báo từ xa.

Kinh nghiệm từ nhiều tài xế trên các diễn đàn giao thông cũng cho hay, để di chuyển được tới làn khẩn cấp, người lái cần phải bật đèn báo hiệu nguy hiểm. Sau đó quan sát các xe phía sau, từ từ chuyển từng làn một cho đến khi vào được làn dừng khẩn cấp. Tuy nhiên, lái phải giữ nguyên đèn cảnh báo trong suốt thời gian đỗ ở làn dừng khẩn cấp để thông báo cho các xe phía sau, nhất là khi dừng xe vào ban đêm. Đặc biệt, nếu bạn không gặp tình huống khẩn cấp nào thì không được tự ý dừng ở làn đường này và tuyệt đối không vượt xe khác ở làn khẩn cấp.

Phạm Huyền - Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/can-y-thuc-canh-bao-tu-xa-tu-som-de-ngan-tai-nan-i725027/