Cần xử lý nghiêm hành vi trộm nắp cống, nắp hố ga

Chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi tự ý đánh cắp nắp cống, nắp hố ga là hành vi vi phạm pháp luật và tùy vào tính chất mức độ hành vi, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Đối tượng La Văn Tú và nắp cống lấy trộm. Ảnh: CQCA cung cấp

Đối tượng La Văn Tú và nắp cống lấy trộm. Ảnh: CQCA cung cấp

28 nắp cống bị lấy trộm như nào?

Tình trạng mất các nắp cống thoát nước đã gây mất cảnh quan đô thị, đặc biệt, mỗi khi mưa lớn rác thải trôi xuống hố gây ngập úng, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người đi đường.

Điển hình như mới đây, CA quận Hà Đông đã điều tra và làm rõ đối tượng La Văn Tú, SN 1988, trú tại phường Phú Lãm, quận Hà Đông, nguyên là nhân việc Xí nghiệp Thoát nước số 8 thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội là thủ phạm của các vụ trộm cắp các nắp cống thoát nước.

Tai CQCA, La Văn Tú khai nhận, do đã nghỉ việc ở Công ty từ tháng 8/2023, không có tiền tiêu xài nên nảy sinh ý đồ trộm cắp, thứ mà Tú “nhắm” đến chính là các nắp cống thoát đước được làm bằng gang trên các tuyến ngõ phố tại địa bàn quận Hà Đông. Trong quá trình còn làm việc tại Công ty, Tú biết Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội lắp các nắp cống thoát nước bằng gang tại toàn bộ các tuyến phố, tuyến đường, ngõ, ngách trên địa bàn quận Hà Đông nên đã tìm cách lấy trộm.

Trong khoảng thời gian từ tháng 1/2023 đến khi bị bắt, Tú đã nhiều lần trộm cắp những nắp gang này. Cụ thể, khoảng tháng 1/2023, Tú đã trộm cắp 4 nắp gang tại khu vực phố Hà Trì, sau đó đem bán được 1,2 triệu đồng. Khoảng tháng 9/2023, Tú đã trộm cắp 4 nắp gang tại khu vực phố Cầu Đơ và khu vực phố Hà Trì, sau đó đem bán được 1,3 triệu đồng.

Chỉ trong tháng 10/2023, Tú đã lấy trộm được 13 nắp gang bán lấy tiền. Tổng cộng, Tú đã trộm cắp 28 nắp cống trên các tuyến phố, tuyến đường tại địa bàn quận Hà Đông, bán được hơn 8 triệu đồng; trong khi tại thời điểm định giá số nắp cống trên trị giá gần 70 triệu đồng. Ngày 28/10, Cơ quan CSĐT CAQ Hà Đông đã tạm giữ hình sự đối với La Văn Tú để điều tra hành vi trộm cắp tài sản. Vụ án đang được CQCA tiếp tục điều tra mở rộng.

Chế tài xử lý…

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc trộm nắp chắn rác, nắp cống... có thể được xem là hành vi trộm cắp tài sản, hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác. Theo Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với các hành vi này.

Trường hợp nếu tài sản dưới 2 triệu đồng thì người trộm vẫn có thể bị xem xét xử lý hình sự nếu như đây là hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 173, BLHS năm 2015 quy định, tội “Trộm cắp tài sản” có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm... sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Như vậy, với giá trị tài sản mà đối tượng La Văn Tú trộm cắp là gần 70 triệu đồng, nếu kết thúc quá trình điều tra, Tú vẫn bị truy tố về tội “Trộm cắp tài sản”, người này sẽ có thể đối mặt với mức án 3 năm tù vì đã có tiền án, tiền sự về tội danh này.

Theo luật sư Thái, những tài sản thuộc đối tượng của tội trộm cắp tài sản phải là vật có thực, có giá trị và đang ở trong sự chiếm hữu, quản lý của người khác. Tài sản này thông thường là những vật có thể dễ dàng di chuyển, lén lút lấy cắp như tiền, vàng, giấy tờ có giá…

Quan hệ sở hữu được xác lập giữa chủ tài sản, người khác có nghĩa vụ tôn trọng quyền của chủ sở hữu tài sản. Hành vi gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu này phải kể đến là xâm hại đến quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản. Động cơ phạm tội là vì vụ lợi, với mục đích là chiếm đoạt tài sản của người khác.

Tội “Trộm cắp tài sản” là tội có cấu thành tội phạm vật chất nên dấu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Do đó, khi định tội cần phải chứng minh hậu quả gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu là kết quả của hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác.

Cũng theo luật sư Thái, việc những người thu mua phế liệu, mua lại những chiếc nắp cống thoát nước, bởi chúng được coi là những thiết bị của các công trình công cộng do Nhà nước quản lý (có khắc dấu, ghi chữ) thì hành vi này có thể được xem là hành vi vi phạm: mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có.

Theo quy định, hành vi trên có thể bị phạt tiền 3 - 5 triệu đồng. Đối với người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có thì có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//can-xu-ly-nghiem-hanh-vi-trom-nap-cong-nap-ho-ga-358270.html