CẦN XÂY DỰNG HÀNH LANG PHÁP LÝ BẢO VỆ CÁN BỘ NĂNG ĐỘNG, SÁNG TẠO VÌ LỢI ÍCH CHUNG

Tham gia đóng góp ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành theo hướng đồng bộ, thống nhất theo tinh thần Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị.

THẤM NHUẦN VÀ LAN TỎA TINH THẦN HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 6, TẬP TRUNG TÂM LỰC, TRÍ LỰC TRONG TỪNG QUYẾT SÁCH VÀ HOẠT ĐỘNG

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung

Tại các phiên thảo luận tại tổ, thảo luận tại hội trường trong Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa qua, một số đại biểu Quốc hội nhận định rằng, hạn chế về việc cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và phục vụ nhân dân.

Theo các đại biểu Quốc hội, bên cạnh những cán bộ còn hạn chế về năng lực, dẫn đến sợ sệt không dám thực hiện nhiệm vụ; cán bộ có năng lực nhưng ý thức, tinh thần trách nhiệm còn hạn chế nên thường né tránh; còn có những cán bộ không muốn làm, không dám làm vì không chắc đúng sai. Hệ quả của tâm lý e dè, lo lắng, sợ trách nhiệm đã tạo sức ì rất lớn, sự trì trệ trong cơ quan công quyền.

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, muốn giải quyết vấn đề này, phải có giải pháp quyết liệt, chấn chỉnh càng sớm càng tốt để không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ kể cả khu vực công và tư. Đó là các bộ ngành trung ương một mặt thường xuyên rà soát cơ chế, chính sách nhằm điều chỉnh cho đồng bộ phù hợp với thực tế. Mặt khác, sớm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng bằng các văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống…

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng muốn có đột phá thì cần có luật riêng về vấn đề này, trong đó có nội dung qui định về cá nhân, tổ chức quyết định những công việc chưa được pháp luật quy định, và phần khác quy định về cá nhân, tổ chức quyết định những công việc trái với pháp luật hiện hành quy định.

Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TƯ về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là một trong những chủ trương đột phá được nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân mong mỏi. Theo đó, Kết luận của Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định, nhưng không phù hợp với thực tiễn; mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Lê Minh Trí- Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, nội dung cần làm ngay đang được nhiều cán bộ, đảng viên mong mỏi là cần khẩn trương nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành theo hướng đồng bộ, thống nhất theo tinh thần Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Việc luật hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung được kỳ vọng tạo cơ sở chính trị và pháp lý vững chắc để khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm với công việc, bảo vệ người có quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung…

Đảm bảo cán bộ có “đủ quyền, đúng quyền, rõ quyền, thực quyền”

Chia sẻ về việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng cho rằng, cán bộ dám nghĩ, dám làm là luôn luôn vận động, tìm ra những cách làm mới, hướng đi mới phù hợp thực tiễn, mang lại lợi ích chung, vì tập thể. Có thể cách làm đó ban đầu sẽ gặp những trở ngại, rào cản nhưng người cán bộ vẫn quyết tâm để chứng minh tính đúng đắn.

Theo nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, cán bộ dám nghĩ, dám làm là không đùn đẩy trách nhiệm, thấy khó không né tránh, dám chịu trách nhiệm về những việc làm của mình. Trên thực tế, chúng ta vẫn thấy có những cán bộ có tâm lý sợ mắc sai lầm, khuyết điểm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám đối diện với những khó khăn, vướng mắc mà thực tế đặt ra. Trong khi đó, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung vẫn còn gặp những rào cản; những lo ngại về quy định chưa hoàn thiện, pháp luật chồng chéo, một số điểm chưa rõ ràng, chưa phù hợp thực tiễn. Trong lịch sử, ở mỗi thời kỳ đều có những cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, song cũng có giai đoạn khi cơ chế chưa tháo gỡ, họ phải chịu nhiều hệ lụy tiêu cực, thậm chí bị kiểm điểm, kỷ luật.

Nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng

Nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ, cơ chế khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo phải phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ. Trên cơ sở Kết luận số 14 của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương sẽ có những hướng dẫn chi tiết hơn về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Như trong Kết luận số 14 cũng đã nêu rõ quan điểm, cán bộ dám nghĩ, dám làm nếu không đạt, đạt một phần mục tiêu đề ra sẽ được miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Tuy nhiên, để áp dụng trên thực tế, cần xây dựng các cơ chế, chính sách thật cụ thể, giải quyết được các vấn đề rủi ro về pháp lý, sự chồng chéo trong quy định và thực sự "cởi trói" cho đổi mới, sáng tạo.

Bên cạnh việc tạo ra cơ chế bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, cần có cả yếu tố khuyến khích như khen thưởng, tuyên dương, chế độ đãi ngộ phù hợp. Trong mỗi lĩnh vực, việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo sẽ có một số nét khác biệt, nên cần xem xét để đưa ra cơ chế phù hợp, thay vì áp dụng cứng nhắc. Các cơ chế đó phải đồng bộ trong hệ thống chính sách, được áp dụng, vận dụng thường xuyên, liên tục và nhất quán.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Cao Văn Thống cho biết, các cấp ủy và tổ chức, cơ quan có liên quan cần xây dựng, ban hành bộ tiêu chí cụ thể về đổi mới, năng động, sáng tạo đối với từng chức vụ lãnh đạo, chức danh nghề nghiệp, từng vị trí cán bộ, công tác. Trong thực tiễn, sự năng động, đổi mới, sáng tạo và sự lạm quyền, lộng quyền của cán bộ là ranh giới rất mong manh, nhất là đối với những trường hợp có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách và những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, chẳng hạn như khoán hộ trong nông nghiệp và kế hoạch 3 trong công nghiệp trước đây là một bài học...

Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Cao Văn Thống

Mặt khác, cần quy định cụ thể, rõ nội dung đổi mới, sáng tạo nào phải báo cáo cấp trên trước khi triển khai thực hiện và nội dung không phải báo cáo cấp trên. Mỗi tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu được đổi mới, năng động, sáng tạo trong trách nhiệm, thẩm quyền, vị trí của mình. Do đó, việc trao quyền lực cho tổ chức, cán bộ phải bảo đảm “đủ quyền, đúng quyền, rõ quyền, thực quyền” để cán bộ chủ động năng động, đổi mới, sáng tạo trong thực hiện thẩm quyền của mình, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm.

Theo ông Cao Văn Thống, các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức cơ quan, đơn vị cần bảo đảm các điều kiện thuận lợi về nhận thức, vật chất, tinh thần khuyến khích cán bộ đổi mới, năng động, sáng tạo, biểu dương, khen thưởng kịp thời những cán bộ có đột phá trong đổi mới, sáng tạo mang lại hiệu quả cao cho đất nước, nhân dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, TS. Lê Văn Phong, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa cho rằng, người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị phải thật sự tiêu biểu về tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; công tâm khách quan sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp với năng lực, sở trường để phát huy tính năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Xây dựng môi trường làm việc tạo động lực cho cán bộ rèn luyện, phấn đấu, hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung. Trong môi trường làm việc, cấp trên tin tưởng cấp dưới, cấp dưới tin tưởng vào sự định hướng, chỉ đạo của cấp trên; đồng chí, đồng nghiệp tin tưởng lẫn nhau, xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong nhận thức và hành động; sáng tạo, đổi mới vì sự nghiệp chung.

Cùng với đó, cầ đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, gắn tuyên dương, khen thưởng với nhân rộng các điển hình cán bộ về những việc làm hay, thiết thực, hiệu quả vì lợi ích của tập thể để tạo động lực cho cán bộ năng động, sáng tạo; dám tiên phong làm những việc mới, việc khó trong thực thi nhiệm vụ.

Theo TS.Lê Văn Phong, mỗi cán bộ phải thật sự cầu thị “nhìn cho kỹ, nghĩ cho chín”; xây dựng phong cách làm việc gần dân, sát dân để học dân, hiểu dân, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân; vì sự nghiệp chung của mỗi cơ quan, đơn vị để phát huy tính năng động, sáng tạo, dám dấn thân vào những việc khó, việc mới để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, bản thân phải thật sự là điểm tựa khuyến khích, ủng hộ những cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống lại những biểu hiện lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện lợi ích cá nhân, vị kỷ, hay đố kỵ.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=71254