'Cần xác định quảng cáo ngoài trời là ngành công nghiệp văn hóa'

Ngày 11/4, Báo Người Lao Động phối hợp Hiệp hội Quảng cáo thành phố Hà Nội tổ chức tọa đàm 'Phát huy hiệu quả quảng cáo ngoài trời'.

Ngành quảng cáo được xác định là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa, mang lại doanh thu cao ở Việt Nam. Riêng tại TP. Hà Nội, đã có hơn 800 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề quảng cáo, trong đó có 200 đến 250 đơn vị hoạt động thường xuyên.

Hoạt động quảng cáo ngoài trời ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung rất sôi động, đa dạng, phát triển mạnh mẽ cùng với nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội.

Quảng cáo ngoài trời còn lộn xộn

Đánh giá tổng quan về hoạt động quảng cáo ở thành phố Hà Nội, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo thành phố Hà Nội, cho biết những năm gần đây, ngành quảng cáo tiếp tục khẳng định vị thế trong việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, góp phần tạo cảnh quan đô thị của Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, qua thực tế kinh doanh, các doanh nghiệp quảng cáo cũng nhận thấy có những vướng mắc.

Cụ thể, một số quy định trong Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn mang tính định tính gây những cách hiểu khác nhau trong quá trình quản lý và việc thực hiện của các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, tại Hà Nội hiện nay, biển quảng cáo tấm lớn độc lập ngoài trời vẫn chưa được tiếp nhận hồ sơ thông báo...

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo TP. Hà Nội.

Thừa nhận tình trạng lộn xộn trong quảng cáo ngoài trời, ông Trần Hùng, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Hiệp hội quảng cáo Việt Nam cho hay, hiện nay quảng cáo ngoài trời đưa lẫn lộn cả biển hiệu. Đáng nói là biển hiệu hiện nay lộn xộn nhiều hơn biển quảng cáo.

Phần lớn các doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm chỉnh trong vấn đề quảng cáo ngoài trời trên nhưng thực tế có những khó khăn về văn bản quản lý đang có sự điều chỉnh, sửa đổi. Trong đó, ông Trần Hùng cho rằng về phía cơ quan quản lý, tại Hà Nội quy hoạch quá chậm, quy chế mới còn chậm, thủ tục chậm...

Theo vị chuyên gia này, khi sửa đổi Luật Quảng cáo sắp tới cần xác định trách nhiệm của doanh nghiệp, của cơ quan quản lý. Chúng tôi đã đề nghị bỏ thông báo sản phẩm. Nếu sai quy chuẩn thì xử phạt chứ không phải xin phép. Cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm.

Cần chuyển mình để hướng đến ngành công nghiệp văn hóa

Sau khi lắng nghe thêm nhiều ý kiến của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết từ năm 1994, Việt Nam đã có hành lang pháp lý cho hoạt động quảng cáo và đã có hai lần sửa đổi, bổ sung cho đến nay.

Theo bà Hương, trong lần sửa đổi Luật Quảng cáo sắp tới, cơ quan soạn thảo sẽ quy định những chế tài xử phạt rất mạnh. Bà nhấn mạnh mức xử phạt cao nhất hiện là 200 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm là không thấp, nhưng thực thi ở địa phương còn nhiều vấn đề phải bàn.

Với vai trò là quản lý nhà nước và tổ biên tập sửa đổi Luật Quảng cáo, bà Hương cam kết sẽ lắng nghe để cân đối các ý kiến.

"Luật Quảng cáo ra đời không chỉ phiến diện vào một cá nhân nào, bởi hoạt động này tác động tới rất nhiều đối tượng. Do đó, những người làm chính sách sẽ cân đối tất cả đối tượng, không thể vì quyền lợi của cơ quan quản lý mà "bóp chặt" doanh nghiệp và không phải vì doanh nghiệp mà buông hết", bà Hương nói.

Dự kiến, nội dung về Luật Quảng cáo sửa đổi được xin ý kiến Quốc hội vào tháng 10 tới và thông qua vào tháng 5/2025.

Bà Ninh Thị Thu Hương khẳng định Luật Quảng cáo sẽ tác động đến nhiều đối tượng.

Tại tọa đàm, đại diện một số doanh nghiệp như, Công ty Cổ phần Đầu tư Bizman, Công ty quảng cáo thương mại TM Hà Nội, Công ty TNHH Mặt Trời Vàng Goldsun đã nêu lên những khó khăn trong quá trình thực hiện quảng cáo ngoài trời và đề xuất "cởi mở" hơn trong một số quy định liên quan đến thủ tục hành chính.

Về phía cơ quan quản lý, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội, rất trăn trở về lĩnh vực quảng cáo nói chung và quảng cáo ngoài trời nói riêng. Ông Hồng cho rằng vẫn còn sự "trầm lắng" của DN trong lĩnh vực quảng cáo, chưa thể hiện rõ sự khát vọng trong đóng góp cho Thủ đô, cho đất nước.

Ông Đỗ Đình Hồng cho rằng cần xác định quảng cáo ngoài trời là ngành công nghiệp văn hóa. Muốn làm được điều này, ông Hồng nhấn mạnh các cơ quan, đơn vị liên quan đều phải chuyển mình, hướng đến "ngành công nghiệp" như mục tiêu đã đề ra.

Dẫn chứng về di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (ở Hà Nội), ông Đỗ Đình Hồng cho biết do thay đổi cách làm, di tích này đã thu hút lớn lượng khách du lịch, đóng góp lớn cho ngân sách thành phố. Từ dẫn chứng này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội nhấn mạnh ngành quảng cáo cũng cần sự chuyển mình như vậy để hướng đến ngành công nghiệp văn hóa.

"Đừng xác định việc này của đơn vị nọ, đơn vị kia, đây là việc của chúng ta, là việc chúng sẽ phải bàn, phải làm để thay đổi bức tranh về ngành quảng cáo, trong đó có quảng cáo ngoài trời. Cần xây dựng bức tranh mới cho ngành để đạt mục tiêu là ngành công nghiệp văn hóa", ông Đỗ Đình Hồng phát biểu tại tọa đàm.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội cho biết trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi), các vấn đề về hoạt động quảng cáo, quảng cáo ngoài trời đã được đề xuất để cụ thể hóa, tạo hành lang pháp lý cho DN hoạt động.

Theo ông Hồng, vấn đề hình thành các khu dịch vụ thương mại, quảng cáo đã được từng được đề cập, tuy nhiên DN còn e ngại trong việc thực hiện. Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, ông Đỗ Đình Hồng cho rằng DN cần chuyển mình mạnh mẽ hơn bởi quảng cáo là ngành sáng tạo, cần tạo ta các sản phẩm khách hàng cần, tạo ra dịch vụ để kết nối khách hàng với các sản phẩm quảng cáo mình tạo ra.

Tiểu An

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/can-xac-dinh-quang-cao-ngoai-troi-la-nganh-cong-nghiep-van-hoa-20180504224297484.htm