Cẩn trọng với bệnh dại

Từ tháng 12-2022 đến nay, Đồng Nai đã xuất hiện 2 ổ bệnh dại. Trong 2 tháng đầu năm 2023, số lượng người bị chó cắn phải đi tiêm phòng vaccine dại cũng tăng so với những tháng trước đó. Hiện đang là mùa nắng nóng, là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát, do đó người dân phải cẩn trọng với căn bệnh chưa có thuốc chữa này.

Tiêm vaccine phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: H.YẾN

Tiêm vaccine phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: H.YẾN

Tiêm vaccine phòng dại cho chó là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh dại. Bên cạnh đó, những người thuộc nhóm nguy cơ cao cần phải chủ động tiêm dự phòng trước phơi nhiễm.

Tiềm ẩn nguy cơ bệnh dại

Ngày 15-12-2022, Đồng Nai ghi nhận 1 ca tử vong với các biểu hiện của bệnh dại như: sợ nước, sợ gió, hốt hoảng. Trước đó 4 tháng, bệnh nhân N.T.Y. (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) bị chó cắn trên vùng mặt nhưng không đi tiêm phòng dại. Con chó sau khi cắn cũng bỏ đi nên không theo dõi được tình trạng. Đây được xác định là ca tử vong do bệnh dại sau nhiều năm Đồng Nai không có bệnh dại.

Sau khi xuất hiện ca bệnh này, các biện pháp điều tra dịch tễ, khuyến cáo phòng, chống bệnh dại đã được các ngành chức năng liên quan thông báo rộng rãi, đặc biệt là khuyến cáo tiêm vaccine phòng dại trên đàn chó, mèo. Tuy nhiên, chỉ sau đó hơn 2 tháng, ngày 15-2-2023, Đồng Nai lại ghi nhận thêm 1 trường hợp nhân viên phòng khám thú y bị chó dại cắn.

Theo đó, ngày 13-2, bà T.T.N.H. (ngụ tại ấp 5, xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu) đưa 1 con chó có biểu hiện tăng động đến phòng khám Sunny Pet (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) để khám và chữa trị, sau đó về nhà. Ngày 15-2, con chó có biểu hiện mệt lả, bỏ ăn nên được đem đi tái khám. Trong quá trình chăm sóc và chữa bệnh, chị P.T.P.A. (nhân viên phòng khám) đã bị chó cắn vào ngón tay. Đến tối cùng ngày, con chó bị chết. Trước đó con chó có các biểu hiện: kích động, co giật, cứng hàm, không sủi bọt mép.

Ngày 16-2, phòng khám đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và ghi nhận kết quả dương tính với virus dại. Chị P.A. sau đó đã tiêm vaccine ngừa dại và huyết thanh kháng dại.

Sau khi xác định trường hợp chó dại nêu trên, Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai (Sở NN-PTNT) đã phối hợp cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiến hành điều tra dịch tễ và các biện pháp xử lý ổ dịch. Trên cơ sở điều tra, ngành chức năng đánh giá mầm bệnh có thể đã lưu hành âm thầm trên đàn chó, mèo ở diện rộng.

Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai nhận định, mầm bệnh có thể đã lưu hành âm thầm trên đàn chó mèo ở diện rộng, cùng với việc hiện nay đang là mùa nắng nóng nên nguy cơ tiếp tục phát sinh bệnh dại trên chó, mèo trong thời gian tới là rất cao nếu không có giải pháp phòng, chống dịch kịp thời.

Ghi nhận tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 2 tháng đầu năm nay, mỗi tháng có khoảng 1 ngàn lượt người đến tiêm phòng bệnh dại, tăng trên 200 người/tháng so với các tháng trước đó. Trong số đó, có khoảng trên 100 trường hợp phải tiêm huyết thanh kháng dại, bao gồm cả những ca bệnh từ các huyện, TP.Long Khánh chuyển lên.

Tuyệt đối không được chủ quan

BS Nguyễn Đình Trung, Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, có nhiều người do chủ quan hoặc vì những lý do khác mà sau nhiều ngày bị cho cắn mới đi tiêm phòng dại. “Trong trường hợp tiêm muộn thì khả năng phòng bệnh sẽ giảm. Do đó, khi bị chó, mèo cắn thì người dân nên chủ động đi tiêm phòng dại càng sớm càng tốt, không nên trì hoãn. Trong trường hợp chó, mèo đã được tiêm phòng mà cắn người thì người bị cắn vẫn cần phải tiêm phòng” - BS Trung khuyến cáo.

Anh B.Q.H. (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, anh bị chó nhà hàng xóm cắn vào chân. Mặc dù con chó này đã được tiêm phòng dại nhưng chủ nhà vẫn lo lắng nên ngay sáng hôm sau đã đưa anh đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tiêm vaccine. Bác sĩ căn dặn anh theo dõi con chó trong 10 ngày, nếu trong thời gian đó con chó bình thường thì anh chỉ phải tiêm 3 mũi. Nếu con chó bị bệnh, chết, mất tích hoặc có biểu hiện dại thì anh phải tiêm đủ 5 mũi vaccine.

Theo BS Trung, không phải chỉ khi bị chó, mèo cắn thì mới cần thiết phải tiêm phòng dại. Việc tiêm vaccine dự phòng trước phơi nhiễm cần được thực hiện ở các đối tượng có nguy cơ nhiễm virus dại cao như: nhân viên làm việc trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu về bệnh dại; nhân viên phòng khám thú y; người giết mổ động vật (chó, mèo...); người tiếp xúc với các loài động vật tiềm tàng bệnh dại (chó, mèo, chồn hôi, gấu mèo, dơi); người dân và người đi du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh dại. Về phác đồ tiêm phòng, sau khi hoàn thành mũi tiêm cơ bản (vào các ngày 0, 7, 21) thì 1 năm sau phải tiêm nhắc lại, sau đó thì cứ 5 năm sẽ tiêm nhắc lại 1 lần.

Cũng theo BS Trung, ngoài chó, mèo, những loài động vật có vú máu nóng như: chồn, cầy, cáo và động vật có vú khác cũng có nguy cơ mang mầm bệnh dại. Tuy nhiên, tại Việt Nam mầm bệnh dại chủ yếu có ở chó và mèo. Do đó, khi bị động vật hoang dã cắn thì người bị cắn cần xử lý và điều trị như đối với động vật bị bệnh dại. Đối với các vết thương do động vật gặm nhắm, gia súc cắn thì xem xét chỉ định tiêm vaccine dại mà không cần tiêm huyết thanh kháng dại.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202303/can-trong-voi-benh-dai-3159092/