Cẩn trọng tìm phương án đón tàu lớn

Số lượng 'siêu tàu' cập cảng biển Việt Nam ngày càng nhiều, việc bảo đảm an toàn hàng hải, tránh rủi ro, thiệt hại là vô cùng quan trọng.

Ngày càng nhiều tàu lớn vào cảng

Để đón được tàu lớn vào cảng đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ với sự phối hợp chặt chẽ của nhiều đơn vị liên quan từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp cảng, hoa tiêu, chủ tàu... Ảnh: CMIT.

Là một trong những cảng biển liên tục đón thành công những tàu siêu lớn vào cảng, lãnh đạo Gemalink (khu vực Cái Mép - Thị Vải) cho biết, gần đây nhất, cảng vừa đón thành công tàu container thuộc hàng lớn nhất thế giới OOCL Spain cập cảng.

"Chúng tôi phải nỗ lực làm việc với các cơ quan chức năng cũng như làm việc trực tiếp với hãng tàu để tính toán đường đi nước bước", vị này nói và cho biết thêm, cảng phải xây dựng phương án bảo đảm an toàn hàng hải riêng cho việc đón con tàu này.

Phương án được xây dựng trên cơ sở kế thừa phương án bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu container trọng tải đến 214.121DWT vào, rời cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) trên sông Cái Mép - Thị Vải đã được Cục Hàng hải VN phê duyệt.

Không chỉ vậy, hãng tàu cũng đưa ra nhiều yêu cầu và điều kiện, bao gồm các yếu tố kỹ thuật, an toàn khai thác, khả năng tiếp nhận và xử lý hàng hóa, cũng như các yêu cầu về hậu cần và cơ sở hạ tầng.

Cũng thuộc khu cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, lần đầu đón Margrethe Maersk có trọng tải hơn 214.000 DWT, cảng CMIT thậm chí phải chạy tàu thử nghiệm trước cả năm và nhiều lần chạy mô phỏng với các kịch bản khác nhau mới có phương án đón tàu an toàn.

Thống kê của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu trong 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có trên 1.600 lượt tàu trọng tải trên 80.000 tấn vào, rời cảng. Từ năm 2017 tới nay, số lượt tàu lớn vào cảng ngày càng tăng. Năm 2022, cảng biển Vũng Tàu đón 1.644 lượt tàu trên 80.000 tấn.

Ở phía Bắc, theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, trong 5 năm thực hiện chủ trương cho phép cầu, bến cảng tiếp nhận tàu giảm tải có trọng tải lớn hơn thiết kế, cảng biển Hải Phòng đã đón nhiều tàu có trọng tải lớn ra, vào làm hàng (trên 10% tổng số lượt tàu biển vào, rời cảng). Mỗi năm, trung bình khoảng 2.000 lượt tàu giảm tải có trọng tải lớn hơn thiết kế vào, rời các cầu, bến cảng.

Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho biết đón tàu lớn giúp tận dụng được tối đa cơ sở hạ tầng cầu, bến cảng, luồng hàng hải, báo hiệu hàng hải… hiện hữu, nâng cao khả năng khai thác của các bến cảng.

Siết chặt quy định an toàn

Theo đại diện Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, để một chuyến tàu trọng tải lớn vào cảng an toàn có rất nhiều việc phải làm, từ phối hợp lập kế hoạch dẫn tàu của các tổ chức hoa tiêu, điều chỉnh thời gian tiếp nhận tàu của các cảng, xác định các phân đoạn tàu có thể tránh nhau trên luồng.

Ngoài ra, phải tính toán ảnh hưởng của gió, dòng chảy tác động lên tàu trên luồng; Tính toán các giới hạn an toàn theo phương án bảo đảm an toàn hàng hải cho từng cỡ tàu vào, rời cảng được Cục Hàng hải VN phê duyệt. Cùng đó là việc tổ chức cưỡng chế, giải tỏa tàu cá đánh bắt trái phép trên luồng.

"Việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định liên quan của tổ chức, cá nhân, tàu thuyền và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm là đặc biệt quan trọng", vị này nói và cho biết thêm: Từ năm 2017 đến nay, Cảng vụ đã xử phạt vi phạm hành chính 33 vụ việc hoa tiêu dẫn tàu vi phạm quy định về an toàn hàng hải.

Trong khi đó, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng Nguyễn Anh Vũ cho biết trước khi tiếp nhận tàu có trọng tải lớn hơn thiết kế, chủ đầu tư phải thực hiện các trình tự, thủ tục theo hướng dẫn của Bộ GTVT.

Để hạn chế nguy cơ tàu bị mắc cạn, trôi dạt, đâm va... cảng vụ chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phối hợp chặt chẽ với hoa tiêu, doanh nghiệp cảng thực hiện nhiều giải pháp như: Chỉ cho phép các tàu có trọng tải, chiều dài, mớn nước phù hợp vào, rời cảng; Lựa chọn thời điểm nước thủy triều lớn, tốc độ dòng chảy thấp, tốc độ gió nhỏ để lập kế hoạch cho tàu vào, rời cảng...

Về phía doanh nghiệp, lãnh đạo cảng Gemalink khẳng định cảng sẽ điều chỉnh các bổ sung cần thiết, xây dựng các phương án bảo đảm an toàn hàng hải phù hợp, trình cơ quan chức năng để có thể được phê duyệt phương án tiếp nhận các tàu có kích cỡ lớn hơn. Cảng cũng thường xuyên nạo vét, đảm bảo độ sâu trước bến đủ điều kiện khai thác an toàn.

"Trước khi xây dựng cảng, chúng tôi đã tính toán kỹ lưỡng, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và công nghệ, để cảng có thể sẵn sàng tiếp nhận được những con tàu lên tới 250.000 DWT", vị này nói và đề xuất đẩy tiến độ thi công, sớm hoàn thành dự án nạo vét, nâng cấp luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số 0 đến cảng CMIT đạt độ sâu -15.5m, đảm bảo độ sâu an toàn cho các tàu có kích cỡ lớn lưu thông vào các cảng trong khu vực.

Theo Cục Hàng hải VN, để được đón tàu trọng tải lớn hơn thiết kế, các chủ đầu tư, doanh nghiệp cảng phải xin chủ trương của Bộ GTVT. Doanh nghiệp phải thực hiện theo các hướng dẫn về trình tự, thủ tục như lập hồ sơ đánh giá kết cấu hạ tầng cầu cảng và khả năng đáp ứng của luồng hàng hải, khu quay trở và neo đậu đối với trọng tải tàu đề xuất tiếp nhận; Cải tạo, nâng cấp cầu cảng và được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, chấp thuận kết quả nghiệm thu...

Hoàng Anh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/can-trong-tim-phuong-an-don-tau-lon-192230926001312366.htm