Cẩn trọng bẫy đầu tư chứng khoán ảo

Thời gian gần đây, có rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung tham gia vào các ứng dụng đầu tư chứng khoán không chính thống trên không gian mạng. Chỉ khi số tiền đầu tư 'không cánh mà bay' thì họ mới ngộ ra bản thân đã rơi vào 'bẫy' lừa đảo.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao- Công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ đối tượng có hành vi chiếm dụng trên 400 tài khoản Facebook để lừa đảo hơn 10 tỷ đồng.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao- Công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ đối tượng có hành vi chiếm dụng trên 400 tài khoản Facebook để lừa đảo hơn 10 tỷ đồng.

Chơi thử, hậu quả thật

Theo Phòng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh Đắk Lắk, dù đã được tuyên truyền rộng rãi về các thủ đoạn lừa đảo về chơi chứng khoán trên không gian mạng, song tình hình tội phạm về chứng khoán ảo, cũng như các nạn nhân sập "bẫy" ngày càng gia tăng.

Mới đây, chị N.T.N.H. (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đến trình báo cơ quan chức năng về việc bị lừa đảo tiền khi tham gia đầu tư chứng khoán trên không gian mạng. Theo đó, khi tham gia nhóm học tập, trao đổi kinh nghiệm về chứng khoán trên mạng xã hội, chị H. được hướng dẫn tải ứng dụng (App) chơi chứng khoán để đầu tư. Dù nghi ngờ app lừa đảo, song được các "tư vấn viên" trong nhóm khuyến khích và gửi các hình ảnh minh chứng, chị H. quyết định tải app chơi thử và nạp số tiền ban đầu là 10 triệu đồng.

Chỉ sau một ngày, chị H. rút được 25 triệu đồng trên ứng dụng. Thấy lợi nhuận cao, cách "đầu tư" lại quá đơn giản, chị H. đã nạp thêm hơn 30 triệu đồng để tiếp tục "đầu tư", nhưng lần này không rút tiền ra được. Theo hướng dẫn, chị H. thực hiện lại các bước thì được yêu cầu đóng phí 10% mới được rút tiền. Dù đã đóng phí nhưng lệnh rút tiền vẫn không thực hiện được. Lúc này, chị H. mới biết mình bị lừa.

Chị H. chỉ là một trong những nạn nhân của chiêu trò đầu tư chứng khoán qua ứng dụng. Đáng nói, có nhiều trường hợp bị lừa đảo với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng. Đơn cử như trường hợp của anh T.M.Q. (trú TP Buôn Ma Thuột) bị chiếm đoạt gần 400 triệu đồng thông qua sàn giao dịch ảo. Hay như trường hợp của chị D.Q.G. (TP Buôn Ma Thuột), thông qua hình thức đầu tư chứng khoán, chị bị chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng.

Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận hơn 10 đơn, thư tố cáo của người dân ở TP Buôn Ma Thuột và các huyện Ea Kar, Krông Búk, Krông Pắc… về việc bị chiếm đoạt tiền trên các app đầu tư chứng khoán.

Cảnh giác các chiêu lừa

Để lôi kéo người chơi, một số đối tượng tự xưng là "nhân viên tư vấn" ở các sàn giao dịch chứng khoán gọi điện thoại hoặc nhắn tin qua mạng xã hội tiếp cận với bị hại. Rất nhiều lời quảng cáo đánh vào lòng tham được các đối tượng sử dụng như: Giao dịch T+0, được mua bán trong ngày; cam kết lợi nhuận "khủng", đòn bẩy cao lên tới 10 lần; được đẩy lệnh trực tiếp vào sàn giao dịch không cần thông qua các công ty chứng khoán trung gian. Thậm chí là được mua cổ phiếu ưu đãi với giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường…

Trung tá Nguyễn Huy Nam- Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao- Công an tỉnh Đắk Lắk, phân tích: Tội phạm lừa đảo qua ứng dụng chứng khoán ảo này thường đánh vào tâm lý của nạn nhân là sẽ không phải mất nhiều công sức và chắc chắn sẽ được hưởng lợi nhuận một số tiền lớn. Để dụ dỗ người bị hại, ngay từ ban đầu, đối tượng sẽ cho người bị hại được hưởng lợi nhuận một cách đơn giản, với số tiền lớn để làm tin. Sau khi cho hưởng lợi nhuận, đối tượng tiếp tục dụ dỗ đầu tư thêm tiền để thu được nhiều lợi nhuận hơn nữa.

Chưa dừng lại, các đối tượng tiếp tục tung tin là bị thua lỗ nên cần đầu tư thêm để gỡ lại số tiền đã thua lỗ. Chính vì tiếc số tiền đó nên có người bị hại đã phải đi vay thêm tiền để tiếp tục "đầu tư" với hy vọng sẽ lấy lại được số tiền đã "đầu tư" trước đó. Chỉ đến khi không còn khả năng nữa, người bị hại mới nghi ngờ đây là lừa đảo thì đã mất đi toàn bộ số tiền "đầu tư".

Thượng tá Trần Văn Thịnh- Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh Đắk Lắk thông tin thêm, nhằm che giấu sự truy xuất của lực lượng chức năng, các đối tượng thường tạo lập các app giao dịch chứng khoán có tên gần giống những công ty, sàn giao dịch chứng khoán trong nước và quốc tế. Đồng thời, lợi dụng công nghệ để thực hiện việc ẩn danh, che giấu thông tin cá nhân. Trong một thời gian rất ngắn, số tiền mà các nạn nhân chuyển vào tài khoản được đối tượng chuyển ra rất nhiều tài khoản, ví điện tử khác nhau; ngay cả số điện thoại mà các đối tượng dùng đều là ảo, không chính chủ.

"Để không trở thành nạn nhân của loại tội phạm này, người dân tuyệt đối không nghe, không làm theo lời dụ dỗ về việc đầu cơ trên không gian mạng sẽ đem lại lợi nhuận cao, nhất là khi bản thân không có kiến thức về chứng khoán, càng tuyệt đối không nên đánh cược may rủi. Khi lỡ bị lừa đảo, bị hại hãy nói những người xung quanh, người thân cảnh giác, đồng thời trình báo cơ quan công an nơi gần nhất"- Trung tá Nguyễn Huy Nam, khuyến cáo.

Đ.L

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/can-trong-bay-dau-tu-chung-khoan-ao-post281501.html