Cần triển khai ứng dụng BIM ở các dự án giao thông khác nhau

Việc áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) xuyên suốt cả vòng đời, từ khâu thiết kế, thi công nhằm hướng tới số hóa toàn bộ dữ liệu, tạo môi trường chung để làm việc tăng tương tác giữa các bên tham gia dự án, nâng cao chất lượng công trình, tiết kiệm chi phí.

Ngày 13/4, Ban QLDA Đầu tư xây dựng Hạ tầng đô thị TP.HCM cùng các đơn vị đã tổ chức Hội thảo ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong quá trình triển khai dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Tham dự buổi hội thảo có đại diện các Sở ban ngành TP.HCM như Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư…. Và các Ban QLDA từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Tháp, Cà Mau, Kiên Giang. Đặc biệt là các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công để tìm hiểu về ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong quá trình triển khai dự án xây dựng hạ tầng.

Quang cảnh buổi hội thảo

Quang cảnh buổi hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM cho biết: "Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có chiều dài 31,464 Km. Đây là dự án trọng điểm thuộc Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045 kết hợp cùng các Dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương – Bến Cát. Dự án được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt tại Quyết định 897/QĐ-UBND ngày 29/03/2022 với tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng. Và nội dung áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong quá trình triển khai dự án để quản lý hết các rủi ro, xây dựng hoàn thành dự án theo mục tiêu đã đề ra".

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM

Mục tiêu lập và áp dụng mô hình BIM nhằm hạn chế các sai sót trong quá trình thiết kế, kiểm tra xung đột các hạng mục công trình, quản lý thống nhất tài liệu hồ sơ trong quá trình thi công và bàn giao mô hình BIM cho giai đoạn quản lý khai thác sau này. Ngoài ra việc áp dụng mô hình thông tin công trình xuyên suốt cả vòng đời, từ khâu thiết kế, thi công nhằm hướng tới số hóa toàn bộ dữ liệu, tạo môi trường chung để làm việc tăng tương tác giữa các bên tham gia dự án, nâng cao chất lượng công trình, tiết kiệm chi phí.

Hiện nay, Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Hưng Nghiệp là đơn vị tư vấn thực hiện hoàn thành công tác lập mô hình BIM trong giai đoạn thiết kế, đang thực hiện xây dựng các nội dung triển khai thực hiện quản lý BIM trong giai đoạn thi công. Tại hội thảo này, quý đại biểu và quý khách mời sẽ tìm hiểu thêm nhiều thông tin từ diễn giả trong quá trình triển khai ứng dụng BIM vào dự án. Qua đó, Chúng tôi hi vọng quý vị sẽ có thêm những thông tin hữu ích để giúp công việc có thể triển khai dự án tốt hơn, nhanh chóng và hiệu quả hơn, ông Dũng chia sẻ.

Mục tiêu của ứng dụng BIM cho việc quản lý dự án

Mục tiêu của ứng dụng BIM cho việc quản lý dự án

Ông Phan Trọng Anh, Phó tổng giám đốc Công ty Hưng Nghiệp cho biết: "Bộ Xây dựng đã có Quyết định 348/QĐ-BXD về việc áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM). BIM phục vụ cho việc phối hợp, kiểm soát, chia sẻ thông tin, chuyển giao thông tin trong dự án diễn ra thuận lợi, hạn chế lỗi trong quá trình thiết kế cũng như giai đoạn thi công. Từ đó, hỗ trợ trong việc đưa ra quyết định trong các giai đoạn của dự án. Ba mục tiêu chính là quản lý thông tin, phối hợp thiết kế, điều phối mô hình. Với một dự án lớn và dữ liệu thông tin rất nhiều như dự án này, việc ứng hụng BIM rất quan trọng, đặc biệt tránh xung đột giữa mô hình thiết kế mới với mô hình hiện hữu.

Khi tạo môi trường dữ liệu chung sẽ là nơi thu thập, lưu trữ, quản lý và chia sẻ tất cả các thông tin bao gồm thông tin hình học, thông tin chữ số và thông tin tài liệu được tạo ra bởi tất cả các bên tham gia quản lý, sản xuất và trao đổi thông tin xuyên suốt vòng đời của tài sản. Giải pháp và quy trình làm việc trên môi trường dữ liệu chung sẽ đảm bảo khả năng phối hợp làm việc của một số lượng lớn các bên liên quan và nhóm dự án. Trong khi đó, vẫn phải đảm bảo tính toàn vẹn của mô hình thông tin, cũng như đáp ứng các yêu cầu cần thiết về bảo mật và an ninh thông tin.

Cũng tại Hội thảo những thắc mắc về áp dụng công nghệ BIM được Ban tổ chức giải đáp cho các đại biểu cũng như những phân tích, chứng minh khoa học khi áp dụng công nghệ vào những công trình dự án giao thông.

Mỹ Lệ

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/can-trien-khai-ung-dung-bim-o-cac-du-an-giao-thong-khac-nhau-183230413174729631.htm