Cần thiết sửa Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những biến động mạnh của thị trường vàng thời gian gần đây cũng như sự chênh lệnh quá lớn giữa giá các loại vàng, tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 diễn ra vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, đây là thời điểm phù hợp để đánh giá lại mục tiêu và chính sách quản lý thị trường vàng.

Khách hàng đang giao dịch vàng tại Bảo tín Minh Châu, Trần Nhân Tông, Hà Nội. Ảnh: Phúc Nguyễn

Khách hàng đang giao dịch vàng tại Bảo tín Minh Châu, Trần Nhân Tông, Hà Nội. Ảnh: Phúc Nguyễn

Cần cơ chế phù hợp

Theo ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN), giai đoạn 2009 - 2011, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đối diện nhiều thách thức chưa từng có. Giai đoạn đó, thị trường trong nước đã chứng kiến những đợt biến động mạnh của giá vàng. Lạm phát gia tăng, giá bất động sản trầm lắng, giá chứng khoán sụt giảm liên tục, người dân đã đổ xô đi mua vàng. Đã có thời điểm, giá vàng thay đổi tới 42 lần (ngày 9/8/2011). Trong bối cảnh đó, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và chọn SJC độc quyền sản xuất vàng miếng.

Ông Đào Xuân Tuấn cho rằng, Nghị định 24 được ban hành năm 2012 giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ điều hành tỷ giá và thực thu chính sách tiền tệ. Thực tế cho thấy, trong hơn 10 năm qua cũng như thời gian gần đây, dù giá vàng tăng giảm thất thường nhưng tỷ giá vẫn ổn định, mọi hoạt động của ngành ngân hàng cũng không còn bị ảnh hưởng bởi thị trường vàng. “Đây là cơ sở chứng minh mục tiêu Nghị định 24 cơ bản hoàn thành. Đến nay, cần xem xét tình hình mới để có những điều chỉnh phù hợp", ông Tuấn nhấn mạnh.

Trước các ý kiến đề nghị xem xét việc bỏ cơ chế độc quyền vàng miếng, ông Tuấn cho biết, NHNN đã tham khảo ý kiến các chuyên gia, hiệp hội, Bộ ngành và đã được Chính phủ giao ngay trong tháng 1/2024 có báo cáo tổng kết đánh giá chính sách quản lý thị trường vàng và trình Chính phủ phê duyệt chủ trương thay đổi chính sách phù hợp tình hình mới.

Cũng theo ông Tuấn, biến động giá vàng đầu tiên là chịu ảnh hưởng từ cơ chế. Nếu sửa cơ chế thì đối với vàng miếng, NHNN sẽ xem xét sửa cơ chế quản lý, còn đối với vàng trang sức bình thường thì sẽ để thị trường tự điều tiết. Khi giải quyết các vấn đề này thì thị trường vàng sẽ diễn biến ổn định.

Phải ổn định thị trường vàng miếng

Tại buổi họp báo, Phó Thống đốc ông Đào Minh Tú cũng nêu rõ, mục tiêu của Nghị định 24 là chống vàng hóa nền kinh tế, không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, việc sửa Nghị định 24/NĐ-CP là cần thiết, vì Nghị định đã ra đời cách đây hơn 11 năm, có vai trò lịch sử nhất định song điều kiện kinh tế - xã hội đã thay đổi. Dù nhiều loại vàng hay không thì mục tiêu cuối cùng là phải ổn định thị trường vàng miếng, đảm bảo quyền lợi của 100 triệu dân. Quyền lợi của nhóm DN kinh doanh vàng là rất nhỏ, song luôn tôn trọng quyền mua bán, bảo quản, cất trữ vàng của người dân.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, không bảo hộ giá vàng miếng nhưng cũng không chấp nhận được sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng miếng khác.

"Vàng SJC cao hơn vàng thế giới hơn 20 triệu đồng/lượng vì lý do gì? Tất nhiên vàng thế giới có tăng nhưng vàng thế giới tăng 1, vàng trong nước tăng 3 là không chấp nhận được. Sau chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN tuyên bố sẵn sàng can thiệp khi cần thiết, giá vàng đã lập tức đi xuống" - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 27/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện 1426/CĐ-TTg về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua.

Đồng thời, phải tổng kết thực hiện Nghị định 24 để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, phát triển thị trường minh bạch, hiệu quả.

Ngay sau Công điện của Thủ tướng, NHNN tuyên bố sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng. NHNN cũng khuyến cáo người dân nên thận trọng trong giao dịch vàng trước diễn biến phức tạp, khó lường của thị trường vàng quốc tế và trong nước như hiện nay.

Phúc Nguyễn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/can-thiet-sua-nghi-dinh-24nd-cp-ve-quan-ly-hoat-dong-kinh-doanh-vang-365830.html