Cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Chiều 20-9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 26, cho ý kiến vào dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Trình bày Tờ trình tóm tắt của Chính phủ về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nêu bật cơ sở chính trị là các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp; cơ sở pháp lý là Hiến pháp năm 2013 và một số luật đã được Quốc hội thông qua có tác động đến công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, như Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Công an nhân dân năm 2018, Luật Đầu tư công năm 2019… đòi hỏi phải xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

 Thượng tướng Phạm Hoài Nam trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Thượng tướng Phạm Hoài Nam trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Từ các kết quả tổng kết cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đến nay, việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập về chức năng quản lý Nhà nước; tính lưỡng dụng trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; vấn đề hợp tác quốc tế trong công nghiệp quốc phòng, an ninh; hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp…

Thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới thời gian qua đặt ra yêu cầu, đòi hỏi phải xây dựng tiềm lực công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng; thực hiện động viên công nghiệp rộng khắp để chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa, đẩy lùi và sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đủ nội lực đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược, bảo vệ an ninh Tổ quốc, an ninh quốc gia.

Do vậy, việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là rất cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong tình hình mới, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ.

Trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành luật như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ.

Việc xây dựng luật có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn vững chắc nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt cũng như lâu dài nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.

Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ cơ bản đồng tình và đánh giá cao tờ trình, báo cáo thẩm tra sơ bộ; thống nhất với sự cần thiết ban hành luật như tờ trình của Chính phủ đã nêu. Đến nay vẫn chưa có văn bản luật điều chỉnh thống nhất 3 lĩnh vực là công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp, chỉ có các văn bản dưới luật điều chỉnh nên việc ban hành luật là cần thiết để hoàn thiện hành lang pháp lý.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị kế thừa tối đa Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003; Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008; thực tiễn 10 năm thực hiện chính sách xây dựng công nghiệp an ninh từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đến nay.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Quốc phòng, cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể chế hóa đầy đủ, cụ thể hơn các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 16-7-2011, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-1-2022 về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng. Trong đó có nêu chủ trương về công nghiệp quốc phòng là ngành đặc thù, phải được chăm lo, xây dựng, phát triển theo cơ chế đặc thù và được ưu tiên trong đầu tư phát triển...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, ngành công nghiệp quốc phòng có tính lan tỏa rất cao. Ở nhiều nước trên thế giới, các thành tựu, phát minh trong lĩnh vực công nghiệp nói chung đều xuất phát từ lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

 Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý cần có chính sách đặc thù về nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng; sử dụng Quỹ Khoa học công nghệ của các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh…

Phát biểu tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Thượng tướng Phạm Hoài Nam trân trọng cảm ơn ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khẳng định Bộ Quốc phòng và Bộ Công an sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, để chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án luật trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu sắp tới.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ dự án của Chính phủ, cơ quan soạn thảo, báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.

 Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết ban hành luật, nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật; cho rằng bước đầu, dự thảo luật đã thể chế hóa được các quan điểm của Đảng, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Hồ sơ dự án luật cơ bản bảo đảm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội thảo luận Kỳ họp thứ sáu sau khi được thẩm tra chính thức.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ban soạn thảo nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan để tiếp thu các ý kiến tại phiên họp này, hoàn thiện dự án luật và báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình gửi Ủy ban Quốc phòng và An ninh để thẩm tra chính thức theo quy định của pháp luật trước khi trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ sáu.

CHIẾN THẮNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/can-thiet-ban-hanh-luat-cong-nghiep-quoc-phong-an-ninh-va-dong-vien-cong-nghiep-743578