Can thiệp tim nơi địa đầu Tổ quốc

Cách Hà Nội hơn 300km, Hà Giang - địa đầu của Tổ quốc, có vị trí quan trọng trong thế trận quốc phòng, an ninh của đất nước.

Nhắc đến Hà Giang, nhớ ngay đến cột cờ Lũng Cú, sông Nho Quế thơ mộng. Và nay, cần phải nhắc đến y tế Hà Giang, nơi có những khát vọng cháy bỏng để đưa y tế của vùng cao nguyên đá này phát triển.

Tôi gặp anh Dương Minh Tuấn, 53 tuổi, lái xe taxi, người Hà Giang, ở quán cà phê bờ sông giữa trung tâm thành phố vào một sáng mùa đông lạnh giá. Anh Tuấn vừa trở về, sau chuyến xe dài từ huyện Yên Minh cách 95 km. Trò chuyện với anh Tuấn, không ai ngờ đầu năm 2023, anh vừa từ cõi chết trở về.

Anh Tuấn là người hút thuốc lào nhiều năm. Trước khi lên cơn nhồi máu cơ tim, xuất hiện những cơn đau vùng thượng vị, anh tưởng rằng đau dạ dày nên mua thuốc đau dạ dày về uống nhiều ngày liền. Ðến buổi trưa như mọi ngày, sau ăn, anh Tuấn vào phòng nằm nghỉ. Ðầu giờ chiều, người nhà gọi không được, đi vào phòng, anh Tuấn mặt đang tái mét, dấu hiệu của sốc tim, tụt huyết áp, gia đình đưa ngay vào Bệnh viện đa khoa (BVÐK) tỉnh Hà Giang. Ðến Khoa Cấp cứu, bác sĩ trực chỉ định cho dùng thuốc vận mạch, đo nhịp tim thấy nhịp rời rạc...

Đồng chí Đặng Quốc Khánh (thứ 5 từ phải sang) - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cắt băng khánh thành hệ thống DSA, BVĐK tỉnh Hà Giang. Ảnh: PV

Đồng chí Đặng Quốc Khánh (thứ 5 từ phải sang) - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cắt băng khánh thành hệ thống DSA, BVĐK tỉnh Hà Giang. Ảnh: PV

Anh Tuấn kể: Khi vào đến bệnh viện, người nhà xin bác sĩ cho tôi về Hà Nội. Bác sĩ khuyên với sức khỏe hiện tại, xe cấp cứu chưa ra khỏi thành phố, tôi chắc chắn tử vong. Nằm trên cáng, nghe bác sĩ nói, nghĩ sắp chết đến nơi, tôi vẫy tay gọi vợ, ghé tai, thều thào bảo: Gọi người nhà đến... tôi gặp. Vợ òa khóc, nói trong tiếng nấc: Ðã gọi hết rồi!

ThS.BS. Trịnh Quyết Hùng - Trưởng khoa Tim mạch, BVÐK tỉnh Hà Giang kể lại về trường hợp cứu sống anh Tuấn với giọng hồi hộp như ngày hôm qua.

Nhà tôi cách bệnh viện không xa. Khi bác sĩ trực Khoa Cấp cứu gọi điện, tôi lên xe đến ngay bệnh viện, trên đường đã chỉ đạo bác sĩ trong Khoa khẩn trương chuẩn bị phòng chụp. Hội chẩn cấp cứu chớp nhoáng, đưa bệnh nhân lên bàn can thiệp chụp DSA thấy ngay tắc cấp nhánh động mạch vành trái. Tôi còn nhớ các bác sĩ nói vọng vào phòng chụp: Hùng có làm được không? Tôi nói ngay: Ca này không làm, chuyển bệnh nhân sẽ tử vong ngay trên đường.

Bệnh nhân bị tắc mạch vành đột ngột dẫn đến thiếu máu nuôi dưỡng vùng cơ tim. Tôi thực hiện ngay can thiệp đặt stent mạch vành trong nhồi máu cơ tim cấp. Nếu không cấp cứu và tái thông kịp thời, người bệnh sẽ hoại tử cơ tim, dẫn đến suy tim nặng, tỷ lệ tử vong ở những trường hợp như này lên đến 70%.

Khi đặt stent tái thông xong, bệnh nhân hồi tỉnh ngay. "Kỳ diệu lắm nhà báo. Trường hợp nhồi máu cơ tim cấp, tái thông xong, người bệnh thoát được cửa tử ngay. Chỉ có trường hợp nặng và tổn thương nhiều, mới cần thời gian hồi phục", BS. Hùng kể với giọng tự hào, trong buổi sáng vùng núi lạnh tê tái. Hình ảnh anh Tuấn ngồi trò chuyện vui vẻ với chúng tôi, như tia nắng ấm xua đi cái lạnh vùng biên viễn.

"Tầm sư" học can thiệp

Nhắc đến y tế Hà Giang phải kể đến TTND.BSCKII. Trần Ðức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ông đã gắn bó cả thanh xuân cho mảnh đất Hà Giang yêu thương. Nói về nhiều bệnh nhân đột quỵ được cứu sống gần đây bởi các bác sĩ trẻ trong tỉnh, ông tâm tình: Hà Giang có thể nghèo về vật chất nhưng lòng đam mê và khát vọng được cống hiến luôn cháy bỏng.

Nhiều bác sĩ trẻ theo gương của thế hệ thầy thuốc đi trước tiếp tục khoác ba lô ròng rã theo những chuyến xe khách đường dài về Hà Nội "tầm sư học đạo".

TS. Phan Thảo Nguyên - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện E , Phụ trách Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Nội tim mạch người lớn kể về những người bạn, người em của mình ở Hà Giang: Chúng tôi kính phục sự chịu thương, chịu khó của các thầy thuốc trẻ Hà Giang khi về Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện E học tập.

Xa xôi như thế, tuần nào họ cũng về học, trực, làm việc như các bác sĩ của Bệnh viện E. Cuối tuần tranh thủ về Hà Giang tiếp tục làm công việc của mình tại bệnh viện. "Ròng rã như thế hàng năm trời, chỉ có thể là lòng yêu nghề, muốn tạo ra thay đổi mạnh mẽ của y tế, mới có nghị lực và quyết tâm như vậy", TS. Nguyên quả quyết.

ThS.BS. Trịnh Tiến Hùng chia sẻ thời kỳ "3 cùng" với thầy thuốc ở Trung tâm Tim mạch người lớn, Bệnh viện E. Những ngày học tại bệnh viện Trung ương dù xa gia đình, chúng tôi luôn thấy ấm lòng. Phòng làm việc của thầy Nguyên, thầy Huy tôi đều có chìa khóa.

Sau giờ học lý thuyết, tôi được trực tiếp cùng các thầy thực hiện can thiệp. Ở Trung tâm Tim mạch, Hùng được các thầy ở Bệnh viện E giao thực hiện các bước như chuẩn bị bệnh nhân, điều trị bệnh nhân trước khi can thiệp mạch vành. Khi thực hiện các ca can thiệp tim mạch được các thầy giao thực hiện tiếp cận đường vào mạch máu, chụp động mạch vành, thực hiện các thủ thuật nong và đặt stent động mạch vành các tổn thương đơn giản, theo dõi và điều trị sau can thiệp.

"Với những ca bệnh khó, khi đứng phụ làm với các thầy, tôi và đồng nghiệp được các thầy hướng dẫn, chỉ dạy các bước rất tận tình" - BS. Hùng nói.

Tiếp cận sâu với chuyên ngành can thiệp, tôi càng chìm đắm trong cảm giác được chinh phục và vượt qua từng thử thách. Say mê với những dụng cụ can thiệp mới lạ, với những kỹ thuật mới, với những ca bệnh.

Hùng thường thức cả đêm trong phòng rửa dụng cụ để thực hành những động tác can thiệp, ngồi nhiều giờ trước màn hình máy can thiệp để xem đi xem lại những hình ảnh chụp mạch máu của bệnh nhân, trăn trở để tìm và đọc tài liệu khi gặp những vấn đề mới.

Từng chút, từng chút một như thế, tình yêu và đam mê với nghề can thiệp tim và mạch máu lớn dần. Trải qua nhiều năm tháng vừa học vừa làm, trải qua nhiều khó khăn, đến nay, Hùng đã có thể thực hiện được khá nhiều những kỹ thuật chuyên sâu của chuyên ngành, được người bệnh, đồng nghiệp ghi nhận.

"Ngành Can thiệp tim mạch đã giúp tôi có được nhiều cung bậc cảm xúc, với những giây phút hạnh phúc đến tột bậc khi thành công với những ca bệnh khó, đưa được những người bệnh từ cõi chết trở về", BS. Hùng nói.

Trở về Hà Giang, có những ca cấp cứu tim mạch, BS. Hùng liên lạc với thầy ở Bệnh viện E, ngay lập tức, kíp TS. Nguyên, ThS. Huy, theo xe một mạch 6 giờ đồng hồ lên hướng dẫn trực tiếp từng thao tác, từng cách luồn ống, từng bước chọc động mạch, catherter, guidewire... Với sự hướng dẫn chỉ bảo tận tình của TS. Nguyên, ThS. Huy, BS. Hùng - Tim mạch, BS. Cảnh - Chẩn đoán hình ảnh... trưởng thành hơn theo thời gian.

Nhờ sự chỉ dạy tận tình của các thầy, đến nay những ca tổn thương nhẹ, trung bình và khó, BS. Hùng cùng ê-kíp Khoa Tim mạch BVÐK tỉnh Hà Giang đã tự thực hiện được.

Ðặc biệt, nhiều trường hợp bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp nhập viện trong tình trạng cấp cứu đã được các bác sĩ bệnh viện cứu sống một cách ngoạn mục, trong đó có nhiều ca bệnh do ê-kíp BS. Hùng thực hiện. Nếu không "lớn nhanh" và tự trưởng thành, những ca nhồi máu cơ tim cấp với 5 giờ đồng hồ xe cấp cứu chạy về Hà Nội, người bệnh sẽ không qua khỏi.

Thời gian là cơ tim.
Cơ tim là sự sống

Trong ngành Tim mạch ai cũng nằm lòng: Thời gian là cơ tim. Cơ tim là sự sống. Những bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp cần can thiệp sớm, vì để lâu cơ tim càng bị hoại tử, tiên lượng cho bệnh nhân càng xấu. Vì vậy, khi can thiệp cho những ca này, đòi hỏi bác sĩ phải đưa ra chiến lược điều trị nhanh chóng, chính xác, phán đoán tình huống tốt và xử trí kịp thời các biến chứng kèm theo.

Sau lễ cắt băng khánh thành hệ thống DSA, các đại biểu tham quan hệ thống chẩn đoán hình ảnh hiện đại của BVĐK tỉnh Hà Giang. Ảnh: A.T

Sau lễ cắt băng khánh thành hệ thống DSA, các đại biểu tham quan hệ thống chẩn đoán hình ảnh hiện đại của BVĐK tỉnh Hà Giang. Ảnh: A.T

"Thành công của một ca can thiệp tim mạch đó là nhờ sự phối hợp của cả ê-kíp, sự chuẩn bị người bệnh trước, trong và sau can thiệp tốt. Ngoài ra, thủ thuật viên phải nắm vững kiến thức chuyên môn, xử trí được những tình huống khó, biến chứng xảy ra trong quá trình can thiệp" - BS. Hùng cho hay.

Năm 2023, Khoa Tim mạch, BVÐK tỉnh Hà Giang tiếp tục thực hiện đặt máy tạo nhịp tạm thời qua da tại giường, các kỹ thuật shock điện cấp cứu chuyển nhịp, duy trì kỹ thuật ghi holter điện tâm đồ, holter huyết áp, đặc biệt trong phát triển kỹ thuật mới với việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật can thiệp đặt stent động mạch vành qua da. Kíp can thiệp động mạch vành của BVÐK tỉnh Hà Giang đã tự tiến hành chụp và can thiệp động mạch vành qua da độc lập với gần 300 ca chụp mạch vành, 105 ca can thiệp đặt stent mạch vành. "Trong thời tiết giá lạnh như tháng 12/2022 vừa qua, có thời điểm, Khoa Tim mạch cấp cứu thành công 7 ca nhồi máu cơ tim cấp", BS. Hùng nói.

Những người như anh Tuấn lái xe taxi, hay du khách nước ngoài ông Randolph Hoffman, người Canada... sẽ không được cứu sống nếu đầu năm 2021, BVÐK tỉnh Hà Giang không được đầu tư, trang bị hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA), hiện đại bậc nhất hiện nay.

Hệ thống DSA được xem là thủ thuật vàng trong các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh mạch máu, giúp cung cấp thông tin chính xác, phát hiện sớm những bất thường của mạch máu tạo điều kiện cho các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh chính xác các bệnh lý có liên quan tới tuần hoàn máu cho cơ thể, xác định chính xác các vị trí của mạch máu bị tổn thương để từ đó sớm có kế hoạch điều trị can thiệp.

Ngành Y tế Hà Giang muốn phát triển lên tầm cao mới cần phải có trang thiết bị y tế hiện đại, cần những bác sĩ trẻ đam mê, giàu nhiệt huyết, yêu quê hương Hà Giang.

Cuối năm 2020, khi ngành Y tế Hà Giang xây dựng Ðề án mua hệ thống DSA, nhiều ý kiến lo ngại, bác sĩ Hà Giang có làm được không? "Mua máy về rồi lại phủ bạt để đó, trong khi ngân sách tỉnh vẫn còn nghèo", BSCKII. Phạm Anh Văn, Giám đốc BVÐK tỉnh Hà Giang kể.

Lãnh đạo ngành Y tế Hà Giang đã thảo luận, phân tích nguồn nhân lực hiện có và đi đến đồng thuận cao đề xuất lãnh đạo tỉnh cho mua hệ thống DSA.

Có hệ thống máy DSA hiện đại, những bác sĩ trẻ ở Khoa Tim mạch, Khoa Chẩn đoán hình ảnh...BVÐK tỉnh Hà Giang như có thêm nguồn cổ vũ, thắp lên niềm đam mê nỗ lực nghiên cứu, học hỏi tiếp tục cứu sống nhiều người bệnh.

Ngày 10/9/2023, ông Randolph Hoffman (65 tuổi, người Canada), đang đi du lịch tại Hà Giang, có tiền sử bị bệnh mạch vành, nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốc tim, mạch không đều, huyết áp tụt, đau ngực dữ dội. Tuy nhiên, Bệnh viện Ða khoa tỉnh Hà Giang chưa được cấp phép cấp cứu cho người nước ngoài. Khoa Tim mạch đề xuất lên Ban Giám đốc bệnh viện và các sở, ngành liên quan; đồng thời, giải thích về tình trạng nguy cấp lúc bấy giờ cần thiết phải cấp cứu nhanh, nếu không sẽ có nguy cơ tử vong.

Ðược sự cho phép, qua thăm khám và hội chẩn, kiểm tra kết quả điện tim, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, sốc tim, rối loạn nhịp tim phức tạp. Ngay lập tức, Khoa Tim mạch đã xử trí đặt stent 1 mạch vành nhánh phải. ThS.BS. Trịnh Tiến Hùng - Khoa Tim mạch nói, trong quá trình cấp cứu, bệnh nhân nhiều lần lên cơn tim nhanh thất, rối loạn nhịp phức tạp. Nếu xử trí chậm trễ, nguy cơ tử vong ở bệnh nhân là rất lớn.

Ca bệnh được can thiệp thành công sau 1 giờ tiến hành. Sau can thiệp, bệnh nhân đã ổn định trở lại, tỉnh táo và hết đau ngực. Ðến ngày hôm sau, bệnh nhân được di chuyển về bệnh viện ở Hà Nội điều trị tiếp theo yêu cầu.

Anh Văn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-thiep-tim-noi-dia-dau-to-quoc-169240203164616883.htm