Cần thêm chính sách 'hút' doanh nghiệp FDI trong khối công nghệ cao

Việc Chính phủ, Quốc hội xây dựng, ban hành các chính sách thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao là cần thiết để từng bước nâng tầm vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Việt Nam sớm xây dựng chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ có lợi hơn trong việc gọi vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới.

Nhiệm vụ không thể trì hoãn

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy Việt Nam đã thu hút đầu tư nước ngoài từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các tập đoàn công nghệ lớn như Intel, Google, Boeing… đang nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam nhằm đảm bảo tính ổn định trong dài hạn của toàn chuỗi.

Mới đây nhất, Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng loạt chuyến viếng thăm, tìm hiểu cơ hội kinh doanh gần đây cho thấy các doanh nghiệp Mỹ đang thực sự quan tâm đến việc xây dựng các cơ sở mới hoặc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh nước ta.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc mở rộng đầu tư của các dự án hiện hữu cũng có nguy cơ giảm sút trong khi Việt Nam đặt mục tiêu vốn thực hiện 20-30 tỷ USD/năm cho giai đoạn 2021-2025; 30-40 tỷ USD/năm cho giai đoạn 2026-2030. Nguyên nhân do rất nhiều dự án quy mô lớn đang thuộc ngành công nghệ cao, ngành ưu đãi đầu tư với mức thuế suất thấp hơn 15%. Nếu áp dụng quy tắc thuế mới là 15% thì những lợi ích mang lại từ chính sách thuế hiện hành mà các công ty này được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn nữa, từ đó ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Trước những thách thức và cơ hội trong bối cảnh mới, cuối tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Qua đó, Chính phủ cho biết mục tiêu xây dựng chính sách này nhằm bảo đảm sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư; đồng thời phù hợp với định hướng của Đảng, Nhà nước là ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Giữ chân các nhà đầu tư chiến lược, thu hút thêm các nhà đầu tư mới

Trong bối cảnh như vậy, những chính sách đồng hành cùng các nhà đầu tư công nghệ cao lúc này được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam vượt qua được những thách thức từ các chính sách thuế mới của quốc tế cũng như tận dụng tốt nhất làn sóng dịch chuyển sản xuất từ các “đại bàng” công nghệ lớn trên thế giới.

Theo các chuyên gia các nhà đầu tư, đặc biệt là các công ty đa quốc gia đầu tư dự án mới cũng như mở rộng tại Việt Nam một phần chủ yếu là do sự ổn định của môi trường đầu tư cũng như cam kết về chính sách bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi luật pháp chính sách.

Chuyên gia cho rằng cần có thêm chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chuyên gia cho rằng cần có thêm chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trên thực tế, sự có mặt của các tập đoàn công nghệ cao lớn như Samsung, LG, Canon, Intel… đã tạo ra những cú hích giúp kinh tế Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc. Việc đồng hành với các doanh nghiệp này trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều sự thay đổi là cần thiết để các doanh nghiệp “đầu tàu” này tiếp tục gia tăng đầu tư tại Việt Nam.

Điều này đặt ra vấn đề nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi khung pháp lý về thuế, thu hút đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế là hết sức quan trọng và cấp bách trong khi vẫn đảm bảo được các lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư.

Theo các chuyên gia, nếu không có các giải pháp kịp thời đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư mở rộng hoặc duy trì đầu tư của các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam và kéo theo sự sụt giảm việc thu hút các công ty vệ tinh khác; giảm động lực đầu tư của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch rót vốn vào Việt Nam.

Từ đó, ảnh hưởng đến vị thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực, cũng như ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng cao.

Do đó, các chuyên gia cho rằng việc Chính phủ, Quốc hội xây dựng, ban hành các chính sách mới thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao là cần thiết, để từng bước nâng tầm vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu./.

PV (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/can-them-chinh-sach-hut-doanh-nghiep-fdi-trong-khoi-cong-nghe-cao/901109.vnp