Cận Tết, lá dong khan hiếm tại chợ, giá cao gấp 3 vẫn không đủ hàng bán

Những ngày cận Tết, dù sức mua vẫn cao nhưng tại nhiều khu chợ truyền thống tại Thanh Hóa đã không còn đủ lá dong cung cấp cho thị trường. Người dân phải đi nhiều khu chợ săn lùng mới tìm mua đủ lá dong dù giá thành đã tăng gấp 3 lần so với năm ngoái.

Năm nay nghỉ Tết muộn, mãi đến ngày 28 Tết, chị Nguyễn Tường Loan (32 tuổi) - công nhân sinh sống tại TP. Thanh Hóa mới có thời gian đi chợ để sắm Tết. Tuy nhiên, phải đi tới 3 ngôi chợ, chị Loan mới mua đủ lá dong để gói bánh chưng.

Dù vậy, chị vẫn chưa ưng ý do lá dong chất lượng kém, không đẹp như mọi năm. Do không còn nhiều sự lựa chọn, chị cũng phải chấp nhận mua các loại lá xấu, lá ngả vàng vì đã cận Tết.

Lá dong tăng giá gấp 3 nhưng vẫn không đủ hàng bán.

“22 tháng Chạp giá rẻ, lại nhiều lá đẹp nhưng tôi chưa dám mua vì sợ mua sớm lá héo. Nhưng chỉ mới vài ngày sau, giá dong đã tăng lên 2.000 đồng/lá dù chất lượng lá không còn đẹp. Ra chợ còn phải tranh nhau mới có thể mua được” - chị Loan chia sẻ.

Theo ghi nhận của phóng viên tại các khu chợ truyền thống, chợ dân sinh trên địa bàn Thanh Hóa, ngày 25 Tết (4/2), lá dong đã tăng lên 150.000 đồng/bó (100 lá). Đến ngày 28 Tết (7/2), lá dong tăng lên 200.000 đồng với loại thường, 250.000 đồng/bó với loại đẹp. Với giá nhập tại vườn cũng tăng lên 45.000 đồng - 50.000 đồng/100 lá.

Đáng chú ý, trước Tết khoảng 2 tuần, giá lá dong chỉ dao động khoảng 60.000 đồng - 70.000 đồng/100 lá đẹp. Khi nhập trực tiếp tại vườn, giá thành chỉ còn khoảng 25.000 đồng - 35.000 đồng/100 lá.

Theo nhiều tiểu thương, đây là năm hiếm hoi giá bán lá dong tăng cao, mỗi ngày một giá khác nhau. Càng về sát Tết, mặt hàng này càng khan hiếm, giá thành lại được điều chỉnh theo hướng tăng lên.

Lá dong nhanh chóng bán hết chỉ trong phiên chợ sáng sớm.

Dù giá thành gấp 3 lần so với năm ngoái nhưng do nhu cầu tăng cao, đặc biệt là những ngày sát Tết nên thời điểm này, tình trạng khan hiếm xuất hiện tại các khu chợ truyền thống tại Thanh Hóa.

Dạo một vòng chợ Vườn Hoa (P. Lam Sơn, TP Thanh Hóa) vào 28 Tết, phóng viên ghi nhận chỉ có 2 quầy hàng nhỏ bán lá dong với số lượng chỉ khoảng 3-5 bó. Thậm chí, tại một số khu chợ khác, mặt hàng này khan hiếm đến mức người tiêu dùng không thể tìm mua.

Bà Lê Ngọc, tiểu thương bán lá dong tại chợ Vườn Hoa cho biết, khách lẻ đến hỏi mua vào những ngày vừa qua rất nhiều nhưng do mỗi ngày chỉ nhập được chục bó nên bà Ngọc lại tiếc nuối từ chối khách.

“Năm nay lá dong được bán từ khá sớm, nhà vườn chủ động cắt lá bán từ 20 tháng Chạp nên các loại lá to, đẹp được cung cấp cho các cơ sở làm bánh chưng, bánh tét. Khi tới sát Tết, lá dong tại vườn không còn nhiều, trong khi đó, người dân lúc này mới được nghỉ làm sắm Tết. Nhu cầu cao nhưng số lượng khan hiếm khiến giá thành đẩy lên cao” - bà Ngọc chia sẻ.

Nhà vườn ưu tiên bán sỉ cho các cơ sở làm bánh chưng khiến lá dong bán lẻ tại chợ khan hiếm.

Lý giải nguyên nhân lá dong khan hiếm, bà Ngọc cho rằng, do năm nay các lò gói bánh chưng đã đặt mua số lượng lớn từ sớm nên lượng bán lẻ tại chợ không nhiều. Bên cạnh đó, năm ngoái, sức mua kém, nhiều tiểu thương “ôm” hàng bị lỗ vốn nên năm nay họ không dám nhập nhiều dẫn đến tình trạng khan hiếm, “khát” lá dong.

Tương tự, tình trạng khan hiếm lá dong xuất hiện tại chợ Quảng Đại (Sầm Sơn, Thanh Hóa). Bà Trần Thị Hoa, tiểu thương bán rau tại đây cho biết, dù đã liên hệ với nhiều đầu mối và nhà vườn nhưng vẫn không đủ lá dong để bán. Vì vậy, từ ngày 27 Tết, mặt hàng này vắng bóng tại quầy hàng của bà Hoa.

Theo bà Hoa, giá lá dong tăng cao đột biến còn do nguồn lá ở các tỉnh Tây Bắc đã cạn kiệt cộng với việc thời tiết khắc nghiệt, rét đậm kéo dài nên người dân không vào rừng thu hái khiến lượng lá dong rừng không dồi dào.

Trong khi đó, nguồn lá dong nhà từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An lại không còn nhiều do đã phục vụ dịp cúng ông Công, ông Táo khiến mặt hàng này vắng bóng tại nhiều khu chợ vào dịp cận kề Tết.

Bài và ảnh: Nguyễn Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-tet-la-dong-khan-hiem-tai-cho-gia-cao-gap-3-van-khong-du-hang-ban-post283980.html