Cần tạo môi trường thuận lợi để phát triển văn học, nghệ thuật số

Trong thời đại công nghệ, số hóa văn học, nghệ thuật là yêu cầu bức thiết để đưa tác phẩm đến gần hơn với công chúng, góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát triển văn hóa, nghệ thuật một cách lâu dài. Tuy nhiên, việc số hóa văn học, nghệ thuật vẫn còn nhiều gian nan do các yếu tố khách quan và chủ quan.

Con số còn rất khiêm tốn

Thời quan qua, giới âm nhạc và công chúng yêu nhạc đón nhận tin vui khi TS Lê Y Linh quyết định số hóa toàn bộ tác phẩm của người cha nổi tiếng của mình – nhạc sĩ Hoàng Vân trên web https://hoangvan.org, trong đó có những tác phẩm chưa từng được công bố. Là nhạc sĩ thuộc thế hệ 8X, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung – tác giả ca khúc “Nhật ký của mẹ” rất quan tâm đến vấn đề số hóa ca khúc của mình.

Nhạc sĩ Hoàng Vân là một trong số không nhiều nhạc sĩ được số hóa các tác phẩm âm nhạc.

Anh cũng là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên số hóa tài sản sáng tạo của mình bằng công nghệ Blockchain - điều còn khá mới mẻ ở thị trường âm nhạc Việt. Tuy nhiên, đánh giá trên bình diện chung thì có thể thấy số nhạc sĩ số hóa tác phẩm của mình là chưa nhiều. Theo Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, việc số hóa âm nhạc mới chỉ diễn ra lẻ tẻ ở một số cá nhân, đơn vị và chưa mang tính hệ thống, quy củ, bài bản.

Có một thực tế đang diễn ra nhiều năm nay là số lượng ảnh hằng năm mà các nhà nhiếp ảnh sáng tạo rất lớn, lên đến hàng chục ngàn ảnh, tuy nhiên, vấn đề số hóa tác phẩm nhiếp ảnh thực hiện chưa được nhiều trong hội viên của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (với hơn 1.000 hội viên trong tổng số hàng ngàn nhiếp ảnh gia). Về phía Hội, chỉ số hóa được một phần nhỏ tác phẩm của hội viên mà Hội tập hợp được, mà chưa có điều kiện số hóa được toàn thể hình ảnh của hội viên. Theo số liệu của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, hiện nay Hội đã số hóa được khoảng 500 nghìn file ảnh, trung bình mỗi năm số hóa được hơn 30 nghìn file ảnh.

Trong khi đó, Việt Nam chưa có bảo tàng nhiếp ảnh nào (chỉ có duy nhất 1 bảo tàng tư nhân ở làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, Hà Nội). Mặt khác, cơ sở hạ tầng vật chất phục vụ công tác hoạt động của Hội còn lạc hậu, chưa bắt kịp xu thế phát triển của thời đại, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ số hiện đại trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bởi thế, trong cuộc trò chuyện với PV Báo CAND, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam mong mỏi, chương trình “Xây dựng Không gian sáng tạo và chuyển đổi số tác phẩm nhiếp ảnh Việt Nam” sẽ sớm thực hiện để góp phần xây dựng không gian sáng tạo, triển lãm và trung tâm dữ liệu số về nhiếp ảnh Việt Nam hiện đại mang tầm cỡ khu vực.

Tương tự như vậy, việc số hóa các tác phẩm văn học, sân khấu, hội họa, điện ảnh… vẫn còn rất khiêm tốn so với kho tàng văn học, nghệ thuật đồ sộ của dân tộc. Lý giải những khó khăn trong việc số hóa trong lĩnh vực điện ảnh, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, một phần do phim và tư liệu hình ảnh động cũ còn rất nhiều, trong khi phim mới vẫn được sản xuất đều đặn. Phần nữa là các phim mới hiện nay có rất nhiều chuẩn kỹ thuật khác nhau nên việc số hóa chúng là điều không đơn giản. Bởi vậy, ông Tú cho rằng, việc số hóa phải làm từng bước và đây là công việc không có điểm dừng.

Đồng bộ các giải pháp

Với ưu thế vượt trội về quyền tự do, cởi mở, tốc độ lan truyền nhanh, phạm vi phổ biến rộng, tính tương tác cao…, việc lưu hành và phát triển văn học nghệ thuật trên nền tảng công nghệ số có những thuận lợi lớn. Tuy nhiên, bản thân tác giả cũng như các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ phải trang bị cho mình những kiến thức để chủ động đối mặt với những thách thức như bản quyền và sự phụ thuộc vào công nghệ. NSND Thúy Mùi, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhấn mạnh, cần xây dựng cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi để phát triển văn học, nghệ thuật số bằng cách khuyến khích các cơ sở giáo dục tích hợp nghệ thuật số và văn học số vào chương trình học. Đồng thời, quan tâm xử lý các thách thức về bản quyền và sở hữu trí tuệ, đặc biệt liên quan đến nghệ thuật số và văn học số. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi các tác phẩm văn học, nghệ thuật số.

Tại Hội nghị giao ban quý III/2023 vừa qua giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, nhiều đại biểu kiến nghị, Chính phủ và các ngành các cấp liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý việc lưu hành, phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật trên mạng. Ngoài ra, cũng nên có giải thưởng và các chương trình tôn vinh riêng cho văn học, nghệ thuật số, đồng thời có những chính sách hỗ trợ nghiên cứu, tài liệu hóa và lưu trữ các tác phẩm văn học, nghệ thuật số.

Một điều cũng rất quan trọng là cần nâng cao nhận thức công chúng về giá trị của văn học, nghệ thuật số. Là một trong những người tiên phong đưa chèo nói riêng và dân ca nói chung lên môi trường số thông qua trang web, page, youtube…, soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, cần tổ chức các sự kiện, không gian sáng tạo cho văn học, nghệ thuật số; tổ chức các khóa học, hội thảo trong thư viện và cơ sở giáo dục để giới thiệu văn học, nghệ thuật số cho học sinh, sinh viên; sử dụng các trang web, mạng xã hội, hình ảnh, video và các phương tiện đa dạng cùng sự tham gia của các tác giả, nghệ sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật số để chia sẻ thông tin, tạo ra trải nghiệm hấp dẫn về văn học, nghệ thuật số. Sự tương tác và thảo luận về văn học, nghệ thuật số qua việc tạo các hội nhóm hoặc diễn đàn trực tuyến, thậm chí là có chương trình giảng dạy về văn học, nghệ thuật số là xu hướng của thời đại công nghệ.

Việc kết hợp những nỗ lực tăng cường nâng cao nhận thức và xây dựng cơ chế, chính sách thông qua các hoạt động cụ thể sẽ giúp văn học, nghệ thuật số có điều kiện tốt hơn để phát triển, đưa văn học, nghệ thuật Việt Nam vừa thích nghi tốt hơn với môi trường số, đồng thời lan tỏa sức mạnh của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế mới.

Ngô Khiêm

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-hoa/can-tao-moi-truong-thuan-loi-de-phat-trien-van-hoc-nghe-thuat-so-i711226/