Cần sự phối hợp đồng bộ trong bảo vệ môi trường

Sau cơn mưa lớn chiều 28-6, hàng chục hộ dân ở khu dân cư thuộc KP.Cầu Hang, P.Hóa An (TP.Biên Hòa) tá hỏa khi bất ngờ phát hiện dòng nước từ suối Xiệp (chảy qua 2 tỉnh: Đồng Nai và Bình Dương) sủi bọt trắng xóa, dâng cao bất thường, tràn vào nhà dân với mùi hôi bốc lên nồng nặc, làm hư hỏng nhiều đồ đạc. Nhiều người dân nghi ngờ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ven suối xả thải trộm theo dòng nước mưa.

Hiện các ngành chức năng của Đồng Nai đang phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh Bình Dương tiến hành kiểm tra ở hiện trường suối Xiệp, đoạn giáp ranh giữa TP.Biên Hòa với TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương), đến khu vực xả thải của Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp (tỉnh Bình Dương) để xác định nguồn xả thải bất thường này. Trước mắt, qua kiểm tra hiện trường khu vực suối Xiệp, đoàn kiểm tra phát hiện 2 cơ sở giết mổ heo không phép, xả nước thải không qua xử lý ra suối thuộc địa bàn P.Tân Đông Hiệp (TP.Dĩ An). Đoàn đã lập biên bản xử lý vi phạm và yêu cầu chấm dứt hoạt động.

Qua vụ việc trên cho thấy, có tình trạng đối tượng lợi dụng các vùng giáp ranh giữa các tỉnh, thành để xả trái phép chất thải, nước thải trong các hoạt động sản xuất chưa qua xử lý ra môi trường. Việc này nhằm qua mặt và gây khó khăn cho công tác xác minh, xử lý của ngành chức năng.

Do đó, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường không chỉ được thực hiện trong tỉnh mà cần có sự phối hợp với các ngành chức năng của các tỉnh, thành giáp ranh để chủ động ngăn ngừa các hành vi vi phạm, nhất là tại những điểm đã từng xảy ra vi phạm về môi trường.

Ngoài ra, để ngăn ngừa tội phạm về môi trường, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của các hành vi vi phạm này với môi trường; yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân, nhất là DN, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực dễ gây ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm (như: xử lý rác thải, dệt nhuộm, hóa chất, sơn, thu mua và giết mổ động vật…) cam kết không vi phạm, không tái phạm. Đặc biệt cần tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan, trong đó chỉ rõ các hành vi vi phạm về môi trường không chỉ bị xử phạt hành chính rất nặng mà còn bị xử lý hình sự.

Khoản 1, Điều 4, Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7-7-2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền tối đa đối với 1 hành vi vi phạm là 1 tỷ đồng (cá nhân) và 2 tỷ đồng (tổ chức). Ngoài ra còn áp dụng các hình phạt bổ sung, thậm chí đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép môi trường có thời hạn.

Đáng chú ý, theo Điều 235, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 quy định mức phạt tù đối với tội gây ô nhiễm môi trường từ 3-7 năm (tùy mức độ vi phạm).

Đặng Ngọc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202307/can-su-phoi-hop-dong-bo-trong-bao-ve-moi-truong-3171123/