Cần sớm khắc phục tình trạng thiếu vắc – xin tiêm chủng mở rộng

Tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch cho trẻ em dưới 5 tuổi là chương trình quốc gia để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em. Thế nhưng nhiều tháng nay, một số loại vắc – xin trong chương trình đang thiếu hụt, khiến nhiều trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng phải trì hoãn tiêm hoặc chuyển sang tiêm dịch vụ.

Người dân đưa trẻ đi tiêm vắc xin 5 trong 1 tại Trạm Y tế phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn

Tiêm chủng mở rộng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm gây ra đối với trẻ em. Khi trẻ được tiêm chủng đủ mũi, đúng lịch sẽ sản sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh.

Hàng nghìn trẻ trễ mũi tiêm

Các loại vắc – xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai trên địa bàn tỉnh bao gồm: Viêm gan B, sởi, sởi – rubella, uốn ván, BCG (bệnh lao), OPV (bại liệt dạng uống), IPV (bại liệt dạng tiêm), viêm não Nhật Bản, DPT-VGB-Hib (hay còn gọi là vắc – xin 5 trong 1, phòng chống 5 loại bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib), DPT (tiêm nhắc lại của DPT-VGB-Hib) và Rota (tiêu chảy). Các loại vắc – xin này được Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cung cấp theo nhu cầu của các địa phương. Thế nhưng từ tháng 3/2023 đến nay, một số loại vắc – xin như: 5 trong 1, DPT chưa được cấp đủ theo nhu cầu của các huyện, thành phố đề xuất. Ngoài ra, các loại vắc – xin khác số lượng cũng còn rất ít, dự kiến trong một, hai tháng tới sẽ hết nếu không được cung cấp thêm.

“Trước tình trạng thiếu vắc – xin cục bộ, khoa đã chủ động tham mưu trung tâm rà soát, tổng hợp nhu cầu cấp vắc – xin gửi Sở Y tế để trình UBND tỉnh báo cáo Bộ Y tế xác định nhu cầu, kịp thời cung ứng đầy đủ các loại vắc – xin phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng trong các tháng còn lại của năm 2023 và gối sang 6 tháng đầu năm 2024. Đồng thời, yêu cầu các trạm y tế trên địa bàn tỉnh thông tin kịp thời cho người dân, hướng dẫn các trạm y tế cách tính toán số lượng đối tượng cần tiêm bù vắc – xin theo quy định và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tiêm ngay cho trẻ khi có vắc xin. Cùng đó, chúng tôi đã tham mưu Sở Y tế thường xuyên thanh kiểm tra, giám sát nguồn cung, điều kiện vận chuyển, bảo quản, đảm bảo chất lượng vắc xin tại các điểm tiêm dịch vụ trên địa bàn”.
Bác sĩ Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Bác sĩ Hoàng Duy Thiện, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đình Lập cho biết: Từ tháng 3/2023 đến nay, huyện Đình Lập chưa được phân bổ đủ vắc – xin để tiêm cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng, nhất là vắc – xin 5 trong 1 và DPT. Trong tháng 9/2023, qua rà soát, tổng hợp và lượng vắc – xin được phân bổ, huyện còn thiếu 752 liều, trong đó thiếu nhiều nhất là vắc – xin DPT (240 liều), 5 trong 1 (202 liều)… Do thiếu vắc – xin nên nhiều trường hợp phải hoãn tiêm hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi. Nhiều trẻ đến lịch tiêm nhưng không có vắc xin – tiêm.

Theo thống kê, đến tháng 9/2023, toàn tỉnh vẫn thiếu hơn 13.000 liều vắc – xin để tiêm cho trẻ, trong đó nhiều nhất là: DPT (4.652 liều), 5 trong 1 (3.651 liều), OPV (3.590 liều)… Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 9.676 trẻ dưới 1 tuổi đến lịch tiêm các mũi cơ bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhưng chỉ có 5.928 trẻ được tiêm, còn hơn 3.740 trẻ bị trễ mũi tiêm.

Được biết, nguyên nhân của tình trạng trên là do một số vướng mắc trong nguồn cung ứng vắc – xin từ trung ương.

Để phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch; không tiêm chủng, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm, dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ. Do đó, khi các trạm y tế xã, phường, thị trấn thường xuyên trong tình trạng thiếu vắc – xin, không biết phải “chờ đến bao giờ” thì các gia đình đã cố gắng thu xếp kinh phí, thời gian để đưa trẻ đi tiêm dịch vụ.

Nhân viên Phòng khám Đa khoa Minh Tuyết, thành phố Lạng Sơn hướng dẫn người dân kiểm tra thông tin về vắc xin trước khi tiêm

Không thể chờ, đưa con đi tiêm dịch vụ

Nửa tháng 1 lần, chị Đàm Thị Phụng ở thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng lại đưa cậu con trai chưa đầy 4 tháng tuổi đến Phòng khám Đa khoa Minh Tuyết (đường Trần Đăng Ninh, thành phố Lạng Sơn) để tiêm vắc – xin. Mỗi chuyến đưa con đi tiêm, chị Phụng phải tốn 400.000 đồng tiền taxi. Từ tháng 6/2023 đến nay, chị đã cho con tiêm được 6 mũi tương đương với 6 lần đi lại với tổng chi phí lên đến gần 10 triệu đồng. Chị Phụng cho biết: Những tháng gần đây, trạm y tế luôn trong tình trạng thiếu vắc xin. Đầu tháng 9 mới thấy có thông báo 3 mũi vắc – xin ưu tiên tiêm cho trẻ nhiều tháng hơn. Tôi không biết chờ bao giờ mới đến lượt nên đã chủ động đưa con đi tiêm dịch vụ.

Cùng xếp hàng với chị Phụng chờ đến lượt tiêm là vợ chồng anh Hoàng Văn Luân (xã Hữu Lễ, huyện Văn Quan). Ôm đứa con nhỏ vẫn đang say ngủ trên tay, anh Luân kể: Nhà tôi cách thành phố hơn 60 km, mỗi lần đến lịch đi tiêm, vợ chồng tôi phải dậy sớm, đi xe máy gần 2 tiếng đồng hồ mới đến phòng tiêm. Trời nắng còn đỡ chứ trời mưa đi lại rất vất vả. Trạm y tế thông báo thiếu vắc – xin nên dù vất vả, tốn kém, gia đình tôi vẫn cố gắng lo liệu để con được tiêm đủ liều, đảm bảo sức khỏe, hệ miễn dịch cho con.

Chị Phụng, anh Luân là 2 trong số hàng trăm phụ huynh đưa con đến tiêm dịch vụ tại Phòng khám Đa khoa Minh Tuyết hằng tháng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài Phòng khám Đa khoa Minh Tuyết, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn còn có nhiều điểm tiêm dịch vụ thu hút số lượng lớn phụ huynh đưa trẻ đến tiêm như: Phòng khám Đa khoa Quốc tế Ngọc Lan, Phòng khám Đa khoa Trường Sinh Hà Nội – Lạng Sơn (Khu đô thị Phú Lộc 4, phường Vĩnh Trại)…

Các loại vắc – xin phổ biến được các cơ sở tiêm dịch vụ này sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi là: 6 trong 1, Phế cầu, Rota… Giá tiêm vắc xin tại các cơ sở tiêm dịch vụ không hề rẻ, ví dụ: vắc – xin 5 trong 1 từ 950.000 đến 1.100.000 đồng/liều, phế cầu từ 950.000 đến1.180.000 đồng/liều, Rota 475.000 đến 800.000 đồng/liều…

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào xảy ra các biến cố sau tiêm vắc – xin tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Chị Nông Thị Kim Sâm, thôn Hoàng Tân, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Con tôi được 8 tháng tuổi đã tiêm đủ các mũi tại các cơ sở tiêm dịch vụ với chi phí lên đến hơn 10 triệu đồng. Sau mỗi lần tiêm về thì bé chỉ sốt nhẹ, ăn uống bình thường, sức khỏe ổn định nên tôi cũng khá yên tâm.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện để đưa trẻ đi tiêm dịch vụ, nhất là người dân sinh sống ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa điều kiện khó khăn thì việc đưa con trẻ đi tiêm vắc xin dịch vụ là xa vời. Bác sĩ Vi Minh Đức, Trưởng Trạm Y tế xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc cho biết: Với những trường hợp đến lịch tiêm nhưng chưa được tiêm, chúng tôi phải giải thích cho bố mẹ của trẻ nguyên nhân thiếu vắc – xin là do vướng mắc trong công tác nhập khẩu vắc – xin và đây là tình trạng chung của cả nước chứ không phải của riêng Lạng Sơn. Để việc tiêm chủng không bị gián đoạn, nhiều gia đình đã chủ động đưa con đi tiêm dịch vụ. Xã hiện có 31 trẻ đến lịch tiêm, đến nay chỉ có 10 trẻ được tiêm tại trạm, 8 trẻ tiêm dịch vụ và 13 trẻ trễ mũi, chờ vắc – xin tiêm chủng mở rộng.

Việc thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Vì thế, để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em, đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu y tế quốc gia về tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch cho trẻ em dưới 5 tuổi, mong rằng Bộ Y tế sớm có các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu vắc – xin, để trẻ được tiêm chủng đủ mũi, đúng lịch.

Lạng Sơn cần gần 280.000 liều vắc xin tiêm chủng mở rộng

Ngày 11/7/2023, Sở Y tế đã có tờ trình gửi UBND tỉnh về nhu cầu vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn. Theo đó số liều vắc – xin cần trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để sử dụng trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 là 279.415 liều. Danh sách các loại vắc – xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng có 11 loại, cần nhiều nhất là: OPV với 44.820 liều, 5 trong 1 với 36.050 liều, uốn ván 35.970 liều…

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/uncategorized/611941-can-som-khac-phuc-tinh-trang-thieu-vac-xin-tiem-chung-mo-rong.html