Cần sớm di dời các cơ sở chế biến thủy, hải sản ở Cửa Việt ra khỏi khu dân cư

Các cơ sở chế biến hải sản nằm xen trong khu dân cư vừa gây ô nhiễm môi trường vừa mất an toàn giao thông là một trong những thực trạng của nhiều địa phương ven biển, trong đó có thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Do đó, việc di dời các cơ sở chế biến hải sản trong các khu dân cư, ngoài vùng quy hoạch tại địa phương này vào các khu vực tập trung là giải pháp căn cơ nhằm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, thủ công và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Hiện nay, chính quyền địa phương đang nỗ lực tuyên truyền, vận động các cơ sở vào khu sản xuất tập trung để đảm bảo vệ sinh môi trường và phát triển bền vững.

Một cơ sở sơ chế cá ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh -Ảnh: Đ.V

Cơ sở hấp sấy cá của gia đình ông Nguyễn Văn Hai ở Khu phố 2, thị trấn Cửa Việt bắt đầu hoạt động từ năm 2008. Mỗi năm, cơ sở của ông hấp sấy khoảng 250 tấn cá cơm và cá nục.

Qua quá trình vận động di dời vào khu sản xuất tập trung để thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy hải sản Cửa Việt, nhiều chủ cơ sở chế biến hải sản như ông Hai đã đồng tình nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng.

Ông Hai chia sẻ: “Ra đến địa điểm làng nghề thì cũng còn nhiều bất cập như xa nhà, nguồn vốn của người dân chưa có để đầu tư xây lại lò, làm mới các giàn phơi, chi phí di chuyển rất tốn kém. Đó là những vấn đề hết sức nan giải đối với người dân chúng tôi. Nên trước khi chuyển ra làng nghề, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các cơ sở hấp sấy vay được nguồn vốn ưu đãi để làm ăn, phát triển kinh tế lâu dài”.

Băn khoăn của ông Hai cũng là điều trăn trở chung của hàng chục cơ sở chế biến thủy, hải sản tại thị trấn Cửa Việt. Bên cạnh đó, người dân cũng mong muốn khi di dời vào khu làng nghề tập trung sẽ nhận được ưu đãi về thuê đất, phí xử lý nước thải... để yên tâm sản xuất và ổn định lâu dài.

Thị trấn Cửa Việt hiện có hơn 40 cơ sở chế biến thủy, hải sản. Điểm chung của nhiều cơ sở chế biến này thường có quy mô nhỏ, vừa là nhà ở vừa là cơ sở sản xuất chính, nằm ngoài vùng quy hoạch. Hầu hết các cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải nên thường gây ô nhiễm môi trường.

Việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư là việc cần làm ngay để tách bạch khu dân cư với khu sản xuất nhằm đảm bảo môi trường sống, môi trường sản xuất. Khi thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy, hải sản Cửa Việt, chính quyền địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân di dời các cơ sở chế biến vào khu tập trung.

Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt Nguyễn Xuân Phương cho biết, hiện nay các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thủy, hải sản trên địa bàn đã cơ bản có phương án xử lý môi trường. Tuy nhiên quá trình xử lý môi trường vẫn còn gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. “Nhu cầu của người dân là sớm được di dời.

Về phía chính quyền địa phương kiến nghị lãnh đạo huyện chỉ đạo Ban Quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thi công, để sớm di dời các cơ sở chế biến vào khu sản xuất tập trung”, ông Phương cho biết thêm.

Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy, hải sản Cửa Việt được xây dựng trên diện tích hơn 20 ha do UBND huyện Gio Linh làm chủ đầu tư, gồm các hạng mục: san nền, đường giao thông, hệ thống thoát nước, hệ thống hạ tầng kỹ thuật... với tổng mức đầu tư 300 tỉ đồng.

Dự kiến Quý IV năm 2024, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng. Mục tiêu của dự án là tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân trong việc khai thác thủy, hải sản, phát triển nuôi trồng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy, hải sản theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao và phát triển bền vững; góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường và an sinh xã hội ở địa phương.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/can-som-di-doi-cac-co-so-che-bien-thuy-hai-san-o-cua-viet-ra-khoi-khu-dan-cu-185043.htm