Cân nhắc bổ sung quy định những người không được đăng ký tham gia đấu giá

Việc bổ sung thêm đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá trong dự thảo Luật Đấu giá tài sản nhận được nhiều quan tâm của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận chiều 21/5.

Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang. Ảnh: quochoi.vn

Chiều 21/5, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đánh giá cao Ban Soạn thảo đã thể hiện tinh thần cầu thị, nghiên cứu, tiếp thu khá đầy đủ các ý kiến ĐBQH để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Góp ý cụ thể về việc tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều 38 quy định về đăng ký tham gia đấu giá, đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng, việc bổ sung thêm các đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá là phù hợp với quy định. Qua đó sẽ giúp tránh được tình trạng thông đồng dìm giá, "quân xanh, quân đỏ", tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, không nên bổ sung nhóm đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá là "cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột", vì quy định này không phù hợp cả về mặt pháp lý và thực tế.

"Nếu quy định không cho cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản là hạn chế quyền sở hữu tài sản của công dân, không phù hợp với Hiến pháp và các quy định pháp luật liên quan, không phù hợp đối với trường hợp Nhà nước đấu giá quyền sử dụng đất ở để giao đất cho cá nhân, tổ chức có thu tiền sử dụng đất," Đại biểu Bắc Giang nêu.

Đại biểu lý giải, thực tế, nếu cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột đều có quyền đăng ký tham gia đấu giá nhiều lô đất khác nhau cùng với nhiều khách hàng khác không có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân cũng không ảnh hưởng đến tính khách quan của cuộc đấu giá và không phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thông đồng, dìm giá.

Mặt khác, quy định không cho cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột cùng đăng ký tham gia một cuộc đấu giá, trả giá cùng một lô đất còn phát sinh thủ tục hành chính hết sức phức tạp cho tổ chức đấu giá trong quá trình thực hiện thủ tục cho khách hàng đăng ký tham gia đấu giá.

Do đó, nếu quy định cấm như dự thảo luật nêu trên nhưng không kiểm soát được, sẽ dẫn đến sai sót, mà sau khi đấu giá xong mới phát hiện người tham gia đấu giá có quan hệ hôn nhân, huyết thống... phải hủy kết quả trúng đấu giá để đấu giá lại.

Điều này cũng sẽ tạo ra một hệ lụy rất lớn, gây tốn kém, lãng phí do việc phải tổ chức đấu giá lại, đó là chưa kể đến việc Tổ chức đấu giá tài sản phải đối diện với việc có tranh chấp khiếu kiện phức tạp.

Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng. Ảnh: quochoi.vn

Cũng góp ý vào dự thảo luật về vấn đề này, đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng cho rằng, dự thảo luật bổ sung quy định những người không được đăng ký tham gia đấu giá, tuy nhiên trên thực tế rất khó thực hiện bởi khi tổ chức cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá chuyên nghiệp không thể biết hết quan hệ trong gia đình trong số những người tham gia đấu giá là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột… và không có điều kiện để xác minh các thông tin nói trên.

Chưa kể, việc sở hữu tài sản chung của vợ chồng đã được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình, cha mẹ với con, anh chị em ruột đều có năng lực hành vi dân sự riêng, độc lập với nhau về tài sản.

"Nếu đưa nội dung này vào dự thảo Luật Đấu giá tài sản cần có cơ chế để thực hiện, đảm bảo tính khả thi trong thực tế, cũng như đảm bảo quyền của cá nhân khi tham gia đấu giá," Đại biểu Tân đề nghị cân nhắc việc đưa nội dung này vào dự thảo luật.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/can-nhac-bo-sung-quy-dinh-nhung-nguoi-khong-duoc-dang-ky-tham-gia-dau-gia-post34832.html