Căn nhà ở phố Pescadore

Hồi ức của Tô Hoài về Nguyễn Huy Tưởng cho biết, ngôi nhà ông Tưởng thuê là một căn gác ở phố Pescadore gần chợ Hôm. Ở cửa có để khóa số, mã là 1789 - năm cách mạng Pháp - ai biết số cứ việc mở vào.

Nơi làm việc và hội họp các bạn nhà văn”

Cuối tháng 3 năm đói Ất Dậu, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã có một việc làm khá bất thường: thuê một căn gác ở phố Pescadore, nay là phố Phù Đổng Thiên Vương, Hà Nội. Chuyện này được chính Nguyễn Huy Tưởng ghi trong nhật ký ngày 29.3.1945: “Đã thuê được một ngôi nhà rất lịch sự. Có máy nước trong nhà”.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (giữa) tại một ngôi nhà xưa ở Hà Nội hồi trước Cách mạng

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (giữa) tại một ngôi nhà xưa ở Hà Nội hồi trước Cách mạng

Tại sao một nhà văn có tiếng giản dị như ông lại làm cái việc có thể nói là phù phiếm ấy? Kể từ khi đi làm, do đồng lương eo hẹp, Nguyễn Huy Tưởng thường vẫn ở nhờ nhà chị gái hay bạn bè, có ở trọ thì cũng rủ thêm ai ở chung cho đỡ tiền nhà. Ngay cả khi đã có vợ con, ông cũng chỉ thuê những căn nhà xoàng xĩnh.

Vậy thì hà cớ gì, giờ đây, khi vợ con đã về ở với ông bà ngoại dưới tỉnh, một thân một mình ở Hà Nội nơi vừa trải qua cuộc Nhật đảo chính Pháp chưa biết rồi có được yên không, Nguyễn Huy Tưởng lại đi thuê một ngôi nhà “rất lịch sự”? Điều này không chỉ tốn kém mà còn không hợp thời nữa, vì bấy giờ nạn đói đã lan khắp miền Bắc! Nhưng xem ra, lý do đã được tác giả nói rõ ngay ở đoạn nhật ký tiếp sau: “Dùng để làm nơi làm việc và hội họp các bạn nhà văn”.

Chúng ta biết rằng, từ nhiều tháng trước đấy, phát xít Nhật bắt dân ta ở nhiều nơi phải nhổ lúa trồng đay để làm nguồn nguyên liệu phục vụ chiến tranh. Kết cục đã gây nên nạn đói trầm trọng ở miền Bắc. Đồng thời cũng khiến cho phong trào Việt Minh phát triển mạnh, với mục đích sát sườn là đánh Pháp, đuổi Nhật, đem lại cơm áo cho người dân, độc lập, tự do cho đất nước. Các tổ chức, đoàn thể đều tăng cường hoạt động, trong đó có Văn hóa cứu quốc mà Nguyễn Huy Tưởng là nòng cốt.

Trong điều kiện hoạt động bí mật, ông chỉ có thể nói đến thế trong nhật ký về mục đích thuê căn nhà. Quả là ban đầu, đó chỉ là chỗ đi lại, hội họp của một số thành viên Văn hóa cứu quốc. Nhưng dần dần, căn gác đã biến thành “trụ sở” của Văn hóa cứu quốc, khi có cấp trên đến triệu tập, phổ biến tình hình và truyền đạt ý kiến đến anh em. Một trong những người thường xuyên đến với các ông là Trần Quốc Hương (hay Ban, Trang trong nhật ký Nguyễn Huy Tưởng), người được Đoàn thể giao phụ trách nhóm Văn hóa cứu quốc1…

Hồi ức của Tô Hoài về Nguyễn Huy Tưởng cho biết, ngôi nhà ông Tưởng thuê là một căn gác ở phố Pescadore gần chợ Hôm. Ở cửa có để khóa số, mã là 1789 - năm cách mạng Pháp - ai biết số cứ việc mở vào.2 Không chỉ đến làm việc, hội họp, nhiều thành viên của Văn hóa cứu quốc còn ở lại qua đêm hay ít bữa khi cần. Nhà văn Nguyên Hồng thậm chí “đăng ký” ở lâu dài để khỏi mất công tha bản thảo đi lại. Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng ghi: “Nguyên Hồng ra. Cùng ở. Xin thổi cơm cho mình. Không muốn để bạn vất vả” (nhật ký 31.3.1945). Còn Nguyên Hồng về sau sẽ viết hồi ức “Gác Nguyễn Huy Tưởng” trong cuốn Bước đường viết văn3, kể về những ngày hai ông cùng ở cùng ăn những bữa cơm do chính tay ông nấu cho bạn và cho mình. Rồi mẹ tác giả Những ngày thơ ấu và vợ tác giả Vợ nhặt cũng đến ở căn gác đó. Nhật ký ngày 30.4.1945, ông cho biết: “Mẹ Nguyên Hồng và vợ Kim Lân ra ăn ở nhà mình”. Và hai ngày sau, lại tiếp: “Nguyên Hồng về quê. Mẹ ở Hanoi thổi cơm nước cho mình. Thân mật”.

Một đoạn hồi ký của Nguyên Hồng về Nguyễn Huy Tưởng thời gian hai ông ở cùng nhau tại căn nhà ở phố Pescadore

Một đoạn hồi ký của Nguyên Hồng về Nguyễn Huy Tưởng thời gian hai ông ở cùng nhau tại căn nhà ở phố Pescadore

Đành rằng dùng vào nhiều việc, dành cho nhiều người tá túc, nhưng có nhất thiết phải cần đến một ngôi nhà “rất lịch sự”, có “máy nước trong nhà”, lại ở ngay một dãy phố Tây sang trọng? Thực tế, như Nguyên Hồng cho biết trong hồi ức kể trên, căn gác đó thuộc về một dãy phố có “mấy nhà giầu và công chức cao cấp có tiếng ở khu này”. Trông sang nhà bên cũng thấy ngay một cảnh sống phong lưu với những giường lò so, tủ gương, bàn phấn, tủ sách cùng “không biết bao nhiêu thứ đồ lịch sự quý giá khác”... Hóa ra, Nguyễn Huy Tưởng chọn thuê một nơi như thế là có lý do. Với nó, nhà chức trách dù là Pháp hay Nhật, dù mẫn cán hay đa nghi đến mấy cũng khó mà nghĩ Việt Minh lại “khinh xuất” đến độ chọn đó làm cơ sở hoạt động!...

T.H.L. đến ngủ đêm”

… Nhờ đó, căn gác ở phố Pescadore đã giữ được an toàn trong suốt thời kỳ Tiền khởi nghĩa, cho phép các ông triển khai nhiều hoạt động. Để rồi một ngày cuối tháng 5.1945, tại đây đã diễn ra một sự việc vượt ra khỏi phạm vi hoạt động của Văn hóa cứu quốc. Nhật ký ngày 25 tháng ấy, Nguyễn Huy Tưởng ghi: “T.H.L. đến ngủ đêm. Kính phục người có danh vọng trong xã hội ấy. Tự thấy mình vinh dự thêm lên. L. người xấu, bé nhỏ, người xiêu vẹo vì tra khảo, mắt mờ ướt, ăn nói nhỏ nhẻ”.

Không khó để đoán ra, T.H.L. là viết tắt của Trần Huy Liệu. Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng lần đầu tiên nhắc đến nhà cách mạng này là gần hai tháng trước đấy, khi ông hay tin “Nhiều tay cách mạng có danh như Bùi Lâm, Phi Vân, Trần Huy Liệu đã trốn được…” (nhật ký ngày 29.3.1945). Sẽ là võ đoán khi nói ông thuê căn gác với một vỏ bọc kín đáo như thế để làm những công việc này - che giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng. Nhưng ta có thể tin rằng Nguyễn Huy Tưởng hoàn toàn ý thức được việc sẽ sử dụng căn gác vào những việc như thế nào. Cùng với đó là mức độ nguy hiểm mà mình gặp phải, nếu như bị lộ. Một người cách mạng như Trần Huy Liệu vượt ngục ra là đối tượng truy nã gắt gao của chính quyền thực dân - phát xít. Bởi người đó chỉ đến tháng 8 năm ấy sẽ trở thành Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng, và là người soạn Quân lệnh số 1 phát lệnh Tổng khởi nghĩa toàn quốc dẫn đến Cách mạng tháng Tám thắng lợi! Rất may cho cả khách và chủ nhà đã qua được nguy hiểm và căn gác vẫn được giữ trong màn bí mật.

Sung sướng trước giờ long trọng”

Càng gần đến Tổng khởi nghĩa, công việc càng dồn dập, khẩn trương. Căn gác Pescadore sẽ còn đón thêm một nhà cách mạng khác vượt ngục ra về ở tạm - ông Khuất Duy Tiến, cựu tù căng Bắc Mê, Hà Giang. Được viết với bí danh Sinh trong nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, ông cũng là người được Đoàn thể giao phụ trách Văn hóa cứu quốc, cùng với ông Trần Quốc Hương như trên đã nói. Trung tuần tháng 7, Nguyễn Huy Tưởng bí mật đưa cả hai ông, cùng một số người nữa, về quê mình ở Dục Tú làm số báo Tiên Phong đầu tiên của Văn hóa cứu quốc. (Bấy giờ căn gác ở phố Pescadore vẫn an toàn, nhưng xét ra không thích hợp cho công việc này nên đã không được tính đến). Cũng trong tháng 7, tại một phiên họp toàn thể của Văn hóa cứu quốc ở Hà Đông, Nguyễn Huy Tưởng được cử làm đại biểu văn giới đi dự Quốc dân đại hội Tân Trào. Ý thức về tầm quan trọng của sự kiện mà mình được tham dự - góp một tiếng nói bày tỏ ý chí quốc dân khi thời cơ giải phóng đến, ông đặt bút viết: “Sung sướng trước giờ long trọng” (nhật ký ngày 7.7.1945).

Một ngày cuối tháng 7.1945, Nguyễn Huy Tưởng từ biệt căn nhà ở phố Pescadore, chỉ mang theo những vật dụng thiết yếu. Ra đến ngoại thành, ông vào một nhà cơ sở, thay trang phục thành phố bằng một bộ đồ nâu, cải trang thành người dân quê đi công chuyện. Từ đây, ông bắt đầu cuộc hành trình, theo các ZT (giao thông) ngược lên mạn bắc, hướng tới Sơn Dương, Tuyên Quang, nơi sẽ diễn ra hội nghị lịch sử tại đình Tân Trào.4 Song thật đáng tiếc cho ông, trước sự chuyển biến mau chóng của tình hình, Đại hội đã họp khi ông sắp đến nơi. Nguyễn Huy Tưởng cũng như các đại biểu còn đang trên đường được lệnh quay trở về ngay để tham gia vào công tác giành chính quyền tại địa phương mình…

Quả là đáng tiếc cho Nguyễn Huy Tưởng và cả cho văn liệu Việt khi ông không kịp dự Đại hội. Bởi với bút lực như ông, chắc chắc đó sẽ là cơ hội để ông ghi lại những hình ảnh vô giá về Quốc dân đại hội Tân Trào, sự kiện được xem như tiền thân của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông ngưỡng mộ và đã sẵn nhiều cảm xúc. Và, như tiền định, về nhà cách mạng Trần Huy Liệu mà ông từng tiếp đón bí mật tại căn nhà ở phố Pescadore mới trước đó chưa đầy ba tháng, đã đường đường là một chính khách đảm đương những trọng trách được quốc dân giao phó…

_____

1 Dẫn theo Như Phong trong bài Vài kỷ niệm về Nguyễn Huy Tưởng, Tạp chí Văn học, 4.1990 (ông Trần Quốc Hương về sau làm Trưởng ban Nội chính Trung ương).

2 Dẫn theo Tô Hoài trong Lời giới thiệu Nguyễn Huy Tưởng tuyển tập, Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1978

3 Nhà xuất bản Văn học, 1970.

4 Chuyến đi được tác giả kể lại rất chi tiết trong bút ký Ở chiến khu, đăng nhiều kỳ trên tờ Tiên Phong ra công khai sau Cách mạng.

NGUYỄN HUY THẮNG

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/can-nha-o-pho-pescadore-i341720/