Cần nghiên cứu tổ chức giải thể thao phối hợp: bơi vượt sông Thạch Hãn – chạy bộ đến Thành Cổ - đạp xe vòng quanh Thành Cổ

UBND thị xã Quảng Trị vừa tổ chức hội nghị chuyên đề phát triển du lịch trên địa bàn thị xã Quảng Trị giai đoạn 2017 – 2022; phương hướng, nhiệm vụ 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Nhằm đánh giá thực trạng du lịch của địa phương, từ đó định hướng phát triển nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với thị trường trong tỉnh và cả nước, các tham luận trình bày tại hội nghị đã tập trung đánh giá thực trạng phát triển du lịch trên địa bàn thị xã Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2022, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để đưa du lịch thị xã Quảng Trị phát triển lên tầm cao mới.

Theo đó, cần tập trung nguồn lực sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch như hệ thống đường giao thông, bãi đỗ xe du lịch ở phía bờ Bắc sông Thạch Hãn để kéo dài thời gian du khách tham quan và sử dụng các dịch vụ bổ trợ ở thị xã, góp phần kích cầu mua bán, tạo công ăn việc làm cho người dân và phát triển triển KT – XH.

Xây dựng nhà vệ sinh công cộng ở khu vực quảng trường và bến thả hoa; đưa tuyến xe điện vào phục vụ khách du lịch. Chỉnh trang, tôn tạo, nâng cấp không gian thiêng khu vực sông Thạch Hãn đoạn từ cầu Thành Cổ đến cầu tàu. Nghiên cứu bố trí hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật; hệ thống tượng; trồng cây xanh ở bờ Bắc để tạo cho không gian thiêng thêm sinh động.

Riêng về sản phẩm du lịch, cần tổ chức khai thác có hiệu quả và phát huy giá trị văn hóa Cụm di tích Thành Cổ Quảng Trị - Quảng trường Giải phóng - Tháp chuông - Nhà hành lễ - Bến thả hoa; tượng đài Mai Quốc Ca, Trường Bồ Đề, Nghĩa Trủng Đàn,… để hình thành một trải nghiệm liên hoàn, thống nhất, có kịch bản và ý tưởng rõ ràng nhằm cung cấp cho du khách một bức tranh tổng thể về lịch sử chiến tranh cách mạng của thị xã Quảng Trị. Tour du lịch phải bắt đầu từ bờ Bắc, điểm kết thúc – cao trào cảm xúc ở Thành Cổ. Xây dựng bài thuyết minh điểm đến hấp dẫn, mỗi điểm đến là một câu chuyện kích thích sự khám phá, tìm hiểu của du khách.

Chú trọng kết nối các điểm đến của hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng như Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Trung tâm Hành hương Đức mẹ La Vang, Chùa Long An, Chùa An Đôn… để làm phong phú, đa dạng và tăng tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch. Đổi mới, sáng tạo cách thức tổ chức, huy động xã hội hóa mạnh mẽ Tuyến phố đi bộ và Lễ hội “Đêm hoa đăng” trên sông Thạch Hãn trở thành điểm đến trọng điểm trong chương trình du lịch đêm của tỉnh.

Đặc biệt, hàng năm, bên cạnh việc phối hợp tổ chức các hoạt động lễ hội cách mạng vào dịp tri ân Tháng 7, thị xã cần nghiên cứu tổ chức một hoạt động lễ hội văn hóa – du lịch mang đặc trưng của thị xã như tổ chức giải thể thao phối hợp như: bơi vượt sông Thạch Hãn – chạy bộ đến Thành Cổ - đạp xe vòng quanh Thành Cổ.

Nguyễn Duy Hùng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su/can-nghien-cuu-to-chuc-giai-the-thao-phoi-hop-boi-vuot-song-thach-han--chay-bo-den-thanh-co-dap-xe-vong-quanh-thanh-co/179270.htm