Cần làm rõ quyền được tiếp cận, hưởng thụ di sản văn hóa của người dân

Ngày 12-3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Tại hội nghị, các ý kiến tập trung phản biện về các quy định liên quan đến quyền con người trong dự thảo luật, trong đó tập trung phản biện về quyền hưởng thụ, tiếp cận và sử dụng các di sản văn hóa; các quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa của tổ chức, cá nhân trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Cùng với đó là quy định về các loại hình di văn hóa vật thể; việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa do nhà nước quản lý; di sản văn hóa do tư nhân quản lý trong dự thảo luật.

Dự thảo định nghĩa: “di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở Việt Nam”. Nhưng theo PGS-TS Bùi Xuân Đức, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, hiểu và quy định đối tượng và phạm vi điều chỉnh của luật như vậy là chưa đầy đủ và chuẩn xác. Việc coi di sản văn hóa là một loại tài sản, sản phẩm là đúng nhưng việc chia thành 3 loại, nhất là việc tách di sản tư liệu thành một loại di sản riêng là chưa đúng, vì di sản tư liệu thực chất cũng là di sản vật thể.

Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội và các tổ chức thành viên trong bảo vệ, phát huy di sản văn hóa

“Nói di sản văn hóa hay các vấn đề tương tự thì chỉ có hai loại là di sản vật thể và di sản phi vật thể. Mặt khác, di sản văn hóa thì không chỉ nằm ở trong nước mà còn có thể ở ngoài nước hay đang bị thất lạc đâu đó, do đó không nên quy định lưu truyền chỉ ở Việt Nam như dự thảo”, PGS-TS Bùi Xuân Đức nêu.

Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; GS-TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và một số đại biểu cho rằng, dự thảo luật không có một quy phạm nào quy định về vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên. Do đó, cần bổ sung vai trò, nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban MTTQ các cấp, Ban công tác mặt trận ở khu dân cư vào tham gia các Ban quản lý di tích, quản lý danh lam thắng cảnh; quản lý, phát huy di vật, cổ vật, bảo vật của quốc gia, tổ chức lễ hội truyền thống ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc…

GS-TS Trần Ngọc Đường cũng cho rằng, nội dung của dự thảo luật nặng quy định về các hoạt động quản lý, bảo vệ di sản văn hóa của các chủ thể sở hữu di sản văn hóa, nhất là của chủ sở hữu di sản văn hóa là Nhà nước. Còn nội dung phát huy giá trị di sản văn hóa không được quy định rõ. Trong khi đó, thực tế ở nhiều quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển đã làm rất tốt việc khai thác, chuyển hóa giá trị di sản thành sản phẩm thương mại mang đậm bản sắc dân tộc, không chỉ phục vụ quyền được hưởng thụ của người dân trong nước mà còn đưa thương hiệu quốc gia ra thế giới.

Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang hướng tới phát triển nền công nghiệp văn hóa thì việc khuyến khích làm sống lại và phát huy các giá trị văn hóa của cha ông ta cần được quy định đầy đủ, rõ ràng, minh bạch trong dự thảo luật này.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, cần nâng cao chất lượng dự thảo luật, lắng nghe thêm ý kiến của những người hoạt động trong thực tiễn, đặc biệt cần làm rõ quyền được tiếp cận, hưởng thụ di sản văn hóa của người dân... Cùng với đó là các chế tài để ngăn chặn hành vi xâm phạm, làm tổn hại di sản văn hóa.

Một vấn đề mà GS Trần Ngọc Đường đặt ra, đó là hiện nay, việc “bắt tay” giữa di sản văn hóa và công nghệ đang thúc đẩy sự hình thành các khái niệm mới về di sản số, di sản phái sinh… nhưng cũng chưa được luật hóa để hình thành chính sách pháp lý phù hợp, khuyến khích phát triển các sản phẩm số dựa trên di sản.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/can-lam-ro-quyen-duoc-tiep-can-huong-thu-di-san-van-hoa-cua-nguoi-dan-post730354.html