Cần làm rõ một số nội dung về chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) cần có những quy định mang tính bắt buộc về việc mở lớp đào tạo nghề, đồng thời có những hướng dẫn chặt chẽ và chi tiết hơn trong Nghị định hướng dẫn thi hành để đảm bảo lớp học nghề được tổ chức nghiêm túc, hiệu quả.

Tiền bồi thường đất chưa được nông dân sử dụng đúng cách

Ngày 3/11, thảo luận trước Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) bày tỏ quan tâm đối với các chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Đại biểu cho biết, trong dự thảo Luật lần này cũng đã có quy định hỗ trợ. Tuy nhiên, Đại biểu bày tỏ băn khoăn với quy định về 6 nội dung hỗ trợ chính sách và quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đối với các hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất.

“Có thể thấy dự thảo Luật cũng có những quy định mới, rõ ràng, chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và đảm bảo hơn nữa quyền lợi của người có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, số liệu khảo sát cũng cho thấy trong số những nông dân có thay đổi việc làm, số người chuyển sang làm thuê là nhiều nhất và số người chuyển sang học nghề mới là ít nhất”, Đại biểu Thạch Phước Bình nêu rõ.

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) góp ý cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Cùng với đó, tiền bồi thường, bảo trợ từ đất cũng chưa được nông dân sử dụng đúng cách. Vì vậy, sau một thời gian họ sử dụng hết tiền, mất tư liệu sản xuất, mất việc làm, không có thu nhập. Từ thực tế này, Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Ban soạn thảo xem xét làm rõ phạm vi, đối tượng hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi bị thu hồi đất để tránh tình trạng bỏ sót.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần có những quy định mang tính bắt buộc về việc mở lớp đào tạo nghề, đồng thời có những hướng dẫn chặt chẽ và chi tiết hơn Nghị định hướng dẫn thi hành để đảm bảo lớp học nghề được tổ chức nghiêm túc, có hiệu quả. Đặc biệt, cần được quy định rõ trong Luật về vấn đề quy hoạch và phát triển các làng nghề truyền thống. Đây có thể xem là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân bị thu hồi đất.

Đề nghị sửa quy định liên quan đến thẩm quyền của chính quyền địa phương trong thu hồi đất

Cũng tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) cho biết, điểm c khoản 1 Điều 28 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được thuê đất của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư và Nhà nước phải thu hồi đất để cho thuê, nhưng một số dự án có mục tiêu hoạt động không thuộc diện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội như quy định tại Điều 62 Luật Đất đai hiện hành và Điều 79 dự thảo Luật. Do vậy, chính quyền địa phương không có cơ sở thu hồi đất để giao cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuê; đồng thời, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng không được trực tiếp thỏa thuận bồi thường với người dân để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, dẫn đến dự án bị bế tắc, cũng như tạo sự không thống nhất trong chính sách và thực thi pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) phát biểu ý kiến.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị chọn phương án 2. Theo đó: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền chuyển nhượng, quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao hoặc trong phạm vi dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Ngoài ra, theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung, cần sửa đổi phạm vi dự án không chỉ của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, mà cả của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư. Tại khoản 2 Điều 24 của dự thảo Luật, Đại biểu không chọn phương án nào, mà đề xuất phương án loại trừ quyền “bán quyền thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê” và quyền “thuê trong hợp đồng thuê”, nhưng được quyền “góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất trên đất thuê là tài sản do đơn vị sự nghiệp công lập tạo lập và được quyền cho thuê, quyền thuê trong trường hợp dự án có sử dụng đất”, góp phần và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công lập đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trước những nội dung mà các Đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận, Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6.

Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) đề nghị cân nhắc thật kỹ lưỡng việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6.

Theo đó, Đại biểu Mai Văn Hải bày tỏ thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo đã rất đầy đủ và chi tiết. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn 21 vấn đề lớn mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang trình các phương án để báo cáo Quốc hội cho ý kiến.

Nhấn mạnh đây là những vấn đề rất lớn, quan trọng, Đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, cần phải có thời gian để đánh giá tác động, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa. Do đó, Đại biểu đề xuất cân nhắc kỹ lưỡng hơn việc thông qua dự án Luật tại kỳ họp lần này...

Đóng góp ý kiến về quy định tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án và trình Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận, Đại biểu cho rằng, cần quy định về quy mô, diện tích cần phải lập phương án. Nếu một diện tích rất nhỏ cũng yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thành lập phương án thì sẽ gây mất thời gian của doanh nghiệp, người dân.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-lam-ro-mot-so-noi-dung-ve-chinh-sach-ho-tro-khi-nha-nuoc-thu-hoi-dat-post271048.html