Cần làm rõ các nội dung công dân phản ánh di tích lịch sử cấp quốc gia tại Hà Nội bị xâm lấn

Ban Tuyên giáo Trung ương vừa có văn bản gửi tới UBND huyện Hoài Đức, Hà Nội đề nghị làm rõ đơn công dân phản ánh di tích lịch sử cấp quốc gia- chùa La Phù, xã La Phù bị xâm hại.

Ngày 12/12/2023, Ban Tuyên giáo Trung ương có Công văn số: 7333-CV/BTGTW gửi UBND huyện Hoài Đức, Hà Nội. Công văn có nội dung: “Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận được đơn của… Ban Tuyên giáo Trung ương chuyển kèm đơn nêu trên để các đồng chí xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền và đề nghị thông báo cho Ban Tuyên giáo Trung ương biết kết quả giải quyết”.

Đơn của công dân được Ban tuyên giáo Trung ương chuyển tới UBND huyện Hoài Đức có nội dung tố cáo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và UBND huyện Hoài Đức đã: “Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho trường mầm non, nhà văn hóa xã cùng 6 hộ dân trên đất đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia- chùa La Phù, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội; Đề nghị tạm dừng Dự án tu bổ, tôn tạo và khôi phục khuôn viên chùa La Phù vì chưa giải quyết dứt điểm được trường mầm non, nhà văn hóa xã cùng 6 hộ dân đang có công trình vi phạm trên đất đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia- chùa La Phù; Chưa có phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân nói trên tới vị trí mới; Dự án tu bổ, tôn tạo và khôi phục khuôn viên chùa La Phù có dấu hiệu không đúng như UBND huyện báo cáo tới UBND TP Hà Nội và UBND TP Hà Nội báo cáo tới Bộ Văn hóa”.

Công văn của Ban Tuyên giáo Trung ương gửi UBND huyện Hoài Đức. Ảnh: K.H.

Trước đó, ngày 1/6/2022 Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội ban hành Văn bản số 1688/SVHTT-DTDT khẳng định: Thời điểm ngày 22/3/1988, Bộ Văn hóa đã có Quyết định số 191-VH/QĐ xếp hạng Đình- Chùa La Phù, xã La Phù là di tích lịch sử cấp Quốc Gia; ngày 4/12/1986, Cục Di sản, UBND TP Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức và UBND xã La Phù đã kiểm tra hiện trạng, đối chiếu các tài liệu pháp lý thống nhất lập ra bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích đình- chùa La Phù. Theo Sở Văn hóa, về phân cấp quản lý, trách nhiệm quản lý di tích lịch sử chùa La Phù (hay còn gọi là chùa Trung Hưng) thuộc UBND huyện Hoài Đức và UBND xã La Phù.

Năm 2003, tức 15 năm sau ngày chùa La Phù được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, phía UBND huyện Hoài Đức cấp giấy chứng nhận QSD đất cho một số cá nhân và tập thể.

Văn bản số 1688/SVHTT-DTDT, ngày 1/6/2022 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội do Giám đốc Sở Đỗ Đình Hồng ký nói rõ một số hộ dân và Trường mầm non La Phù đều đã được UBND huyện Hoài Đức cấp giấy chứng nhận QSD đất ngay trên đất di tích lịch sử chùa La Phù, sau thời điểm chùa được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Cuối năm 2018 và đầu năm 2019, Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hoài Đức, Văn phòng đăng ký đất đai TP Hà Nội và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã làm các thủ tục sang tên và cấp giấy chứng nhận thửa đất cho cá nhân.

Ngày 15/1/2019, ông Trịnh Đắc Chí được Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội cấp giấy chứng nhận QSD đất số hiệu CQ152550 cho thửa đất số 687, tờ bản đồ số 04, diện tích 219,2m2, địa chỉ xóm Thống Nhất, xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội. Giấy chứng nhận QSD đất này do ông Lê Thanh Nam, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ký.

Sở Văn hóa và Thể thao cùng UBND huyện Hoài Đức đều khẳng định công trình của ông Trịnh Đắc Chí xây trên khuôn viên di tích chùa La Phù. Ảnh: K.H.

Sau khi có được giấy chứng nhận QSD đất, ông Chí đã cho xây dựng công trình nhà ở kiên cố 4 tầng.

Tại Văn bản số 1688/SVHTT-DTDT, ngày 1/6/2022, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định: “Căn cứ biên bản và bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích đình- chùa La Phù (lập ngày 4/12/1986) hiện lưu tại Cục Di sản Văn hóa- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”, các công trình này đều: “nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ I của di tích. Việc những công trình trong khu vực này đã được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân là không tuân thủ quy định tại Điều 32 Luật Di sản văn hóa và các quy định của Thành phố về di sản

Văn bản của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội gửi tới Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị làm rõ việc di tích lịch sử biến thành đất cá nhân. Ảnh: K.H.

Đối với di tích chùa La Phù, ngoài Công văn số:7333-CV/BTGTW, ngày 12/12/2023 được Ban Tuyên giáo Trung ương gửi tới UBND huyện Hoài Đức. Mới đây, ngày 13/11/2023, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã có Phiếu chuyển đơn số 172/PCĐ-HĐND gửi tới Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với nội dung: “Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhận được đơn của công dân… Đơn có nội dung: Tố cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hoài Đức cấp giấy chứng nhận QSD đất cho cá nhân và tổ chức không đúng quy định của pháp luật trên phần diện tích đất thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ I thuộc cụm di tích Đình- chùa La Phù, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội chuyển đơn trên đến Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, trả lời người có đơn và báo cáo kết quả giải quyết đến Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội”.

Khắc Hạnh

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dan-nguyen/can-lam-ro-cac-noi-dung-cong-dan-phan-anh-di-tich-lich-su-cap-quoc-gia-tai-ha-noi-bi-xam-lan-55898.html