Cần làm gì để đẩy mạnh thu hút nguồn lao động trở lại TP. HCM làm việc sau Tết?

Các chuyên gia đưa ra nhiều đề xuất dùng khuyến khích kinh tế và công cụ kinh tế hành vi, tác động vào tâm lý của người lao động nhằm thu hút họ quay trở lại TP. HCM làm việc.

Tại tọa đàm trực tuyến "Chính sách lao động - việc làm trong điều kiện bình thường mới", ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM đánh giá, thị trường lao động đã sôi động trở lại sau khi TP. HCM nới lỏng giãn cách từ tháng 10. Song, việc rời thành phố trở về quê của một bộ phận lao động ngoại tỉnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nhân lực cung ứng cho các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế sau khi phục hồi hoạt động.

Bài liên quan

Cán bộ, công chức và người lao động ở TPHCM nghỉ Tết Dương lịch 3 ngày

Thiếu hụt lao động nghiêm trọng, doanh nghiệp dệt may dè dặt mở cửa hoạt động lại

Giải đáp những vấn đề thanh niên, người lao động quan tâm về Bảo hiểm thất nghiệp

Đông Nam Á đang đối mặt với khủng hoảng lực lượng lao động

Nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế TP. HCM cho biết, trong giai đoạn từ quý IV/2020 đến quý III/2021, có khoảng 1,3 triệu lao động đã rời thành phố.

Các ngành đứng đầu về khả năng hồi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh sau đợt dịch vừa qua tại TP. HCM gồm công nghiệp chế biến - chế tạo, xây dựng… sử dụng khá nhiều lao động ngoại tỉnh (trên 30%). Vì thế, những ngành này đang xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động. Trong khi đó, tại một số địa phương, chính quyền cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tạo công ăn việc làm cho lượng lao động lớn đột ngột đổ về.

Thời điểm sau Tết, nhóm nghiên cứu dự báo sẽ có khoảng 520.000 người quay lại TP. HCM, 230.000 người chưa có kế hoạch và 140.000 người không quay lại.

Những người lao động muốn trở lại TP. HCM bởi các lý do như điều kiện làm việc và thu nhập; điều kiện y tế; điều kiện sống và sinh hoạt; điều kiện học tập của con cái và thói quen cộng đồng. Dù vậy, họ vẫn tỏ ra lo lắng xung quanh quy định về giãn cách không ổn định; việc đi lại và đáp ứng quy định phòng dịch; nhà ở và sinh hoạt; vấn đề xin việc làm và việc đi học của con cái.

Đối với những người chưa có ý định trở lại TP. HCM, số lượng lớn đã nghỉ hoặc chuyển sang làm việc không liên tục.

Các chuyên gia nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế dự báo, lực lượng lao động tại TP. HCM thời gian tới vẫn bị thu hẹp, kể cả lao động nhập cư và lao động tại địa phương. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của dân số trẻ từ 15-24 tuổi sẽ giảm xuống do tình trạng thất nghiệp gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động trẻ cũng sẽ có nguy cơ tăng.

Cùng với đó, lao động làm công ăn lương được dự báo sẽ sụt giảm, lao động tự do tăng. Điều này làm tăng nhóm lao động dễ bị tổn thương, gây áp lực cho phúc lợi xã hội về sau.

Để thu hút lao động quay lại làm việc, nhóm nghiên cứu đề xuất dùng khuyến khích kinh tế và công cụ kinh tế hành vi, tác động vào tâm lý của người lao động.

Cụ thể, về khuyến khích kinh tế, cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng các gói phúc lợi thu hút người lao động quay lại làm việc gồm 3 thành phần chính: giới thiệu việc làm + hỗ trợ nhà trọ + vaccine.

Về việc triển khai các giải pháp về tâm lý, cần tăng cường thông tin, xây dựng và củng cố niềm tin cho người lao động bằng cách đưa ra các chính sách và thông tin liên quan một cách nhất quán và rõ ràng.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, là số lượng doanh nghiệp chiếm đa số và sử dụng nhiều lao động. Đồng thời, phát triển và hỗ trợ cho các nền tảng công nghệ kết nối việc làm chuyên dành cho lao động phổ thông, trình độ thấp.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM cũng đề ra các nhóm giải pháp mang tính tổng thể, gồm: theo dõi, quản lý nguồn nhân lực - tạo lập cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường lao động; đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp; hỗ trợ lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc để đáp ứng nguồn cầu lao động tại các doanh nghiệp; kết nối liên kết vùng trong điều tiết cung - cầu lao động.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-lam-gi-de-day-manh-thu-hut-nguon-lao-dong-tro-lai-tp-hcm-lam-viec-sau-tet-post173180.html