Cần khôi phục nghề vẽ truyền thống trên vải của phụ nữ Nùng Khen Lài ở Hạ Lang

Ở Cao Bằng, người Nùng có các nhóm như: Nùng Inh, Nùng An, Nùng Giang, Nùng Sluồng, Nùng Khen Lài… phân bố hầu khắp các huyện trong tỉnh. Tại huyện Hạ Lang, người Nùng Khen Lài cư trú ở 2 xã Thị Hoa, Thống Nhất.

Trang phục của người Nùng sử dụng chất liệu vải chàm, các nhóm khác nhau thì chi tiết trên trang phục thể hiện khác nhau. Phụ nữ Nùng Inh, Nùng An mặc áo màu chàm, người Nùng Giang thêm chi tiết ở tay áo với ba khoang màu khác nhau. Riêng phụ nữ Nùng Khen Lài ở tay áo in hoa văn màu trắng, có lẽ bởi phần in hoa văn nên nhóm này được gọi là khen lài (tay áo in hoa văn màu trắng).

Nếu như người Dao Tiền, người Mông hoa in hoa văn trên vải bằng sáp ong đun nóng chảy thì người Nùng Khen Lài in hoa văn bằng bột nếp - nguyên liệu sẵn có trong gia đình. Theo chị Đàm Thị Thanh, xóm Thôm Quỷnh, xã Thị Hoa, từ nhỏ thấy mẹ in hoa văn trên vải để làm tay áo, nguyên liệu chỉ là bột gạo nếp quấy chín trộn với một chút bột chàm tạo thành hỗn hợp màu trắng ngà. Sử dụng bút tre vót nhọn rồi chấm vào hỗn hợp bột, sau đó vẽ lên vải tạo các hình hoa văn như hình tháp, hoa bốn cánh...

Hoa văn trang trí trên tay áo của phụ nữ Nùng Khen Lài tạo thành các mảng hình vuông với 2 kiểu trang trí, một kiểu là 8 hình tháp được bố trí thành 5 đôi (1 đôi ở giữa, 4 đôi chia đều xung quanh). Một kiểu là các đường thẳng ngắn được bố trí gấp khúc điểm nối tâm là hình hoa 4 cánh uốn lượn mềm mại...

Áo của phụ nữ Nùng Khen Lài.

Sau khi hoàn thiện vẽ trang trí, tấm vải được đem nhuộm chàm. Khi nhuộm bột nếp sẽ dính chặt trên vải làm cho màu chàm không thấm phần vải phía dưới các đường vẽ. Vải chàm nhuộm xong đem hong cho khô. Sau khi tấm vải nhuộm được màu như ý muốn, người Nùng gỡ các mảng hoa văn trang trí bằng bột nếp, phần hoa văn này sẽ lộ ra và có màu trắng nổi bật trên nền chàm sẫm. Phần vải in hoa văn này được cắt làm khoang tay nối tiếp tay áo phụ nữ Nùng Khen Lài.

Cũng theo chị Thanh, mặc dù hồi nhỏ đã xem mẹ vẽ trang trí nhưng chưa bao giờ được thực hành nên bây giờ không biết vẽ. Hiện nay kỹ thuật vẽ trang trí trên trang phục truyền thống của phụ nữ Nùng Khen Lài ở Hạ Lang không còn được thực hành trong thực tế, bởi vẽ trang trí đòi hỏi sự khéo léo của đôi bàn tay và niềm say mê mới có thể tạo nên những sản phẩm đẹp vừa mắt người dùng. Không những vậy, việc vẽ trang trí đòi hỏi sự đầu tư về thời gian, công sức. Hiện nay, với những lo toan, mưu sinh trong cuộc sống hằng ngày đã làm kỹ thuật vẽ trang trí trên vải của người Nùng Khen Lài ít nhiều bị mai một.

Trên địa bàn huyện Hạ Lang, hiện số phụ nữ Nùng Khen Lài sở hữu chiếc áo truyền thống không còn nhiều, hầu hết những người có áo in hoa văn từ 50 tuổi trở lên. Sở dĩ một số người còn giữ được bởi đó là trang phục được chuẩn bị khi chưa lập gia đình, là chiếc áo được mẹ làm ra và tặng cho con gái nên được các chị lưu giữ làm kỷ niệm.

Kỹ thuật vẽ hoa văn trên vải của phụ nữ Nùng Khen Lài mang bản sắc văn hóa độc đáo là sản phẩm kết tinh trình độ tư duy, thẩm mỹ của người Nùng, sưu tầm kỹ thuật in hoa văn của người Nùng góp phần phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam. Thiết nghĩ, nghề vẽ truyền thống trên vải của phụ nữ Nùng Khen Lài ở Thị Hoa cần được khôi phục để gìn giữ và bảo tồn.

Ngân Hà

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/can-khoi-phuc-nghe-ve-truyen-thong-tren-vai-cua-phu-nu-nung-khen-lai-o-ha-lang-3168721.html