Cần giải pháp ứng phó lâu dài với hạn, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long

Những tháng đầu năm 2024, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã trải qua đợt hạn, mặn nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và ảnh hưởng đời sống người dân. Nhiều khu vực phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, sạt lở và sụt lún đất diễn ra phức tạp. Tình hình trên đòi hỏi các giải pháp chủ động, quyết liệt từ chính quyền và người dân…

Đầu tháng 4/2024, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, gồm: Tiền Giang, Long An, Cà Mau và Kiên Giang. Tại huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), sau thời gian dài nắng nóng gay gắt, các kênh rạch nội đồng trong vùng ngọt hóa đã cạn trơ đáy và kéo theo hiện tượng sạt lở, sụt lún đất. Theo báo cáo của UBND huyện Trần Văn Thời, tại 9 xã, thị trấn xảy ra 550 vị trí sạt lở, sụt lún, với tổng chiều dài hơn 14km, ước thiệt hại trên 19 tỷ đồng.

Đại tá Nguyễn Hồng Khắc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cùng CBCS cấp phát nước suối miễn phí và tặng quà cho dân vùng hạn mặn.

Còn tại TP Cần Thơ, những ngày vừa qua, các quận Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt và huyện Cờ Đỏ liên tục xảy ra tình trạng sạt lở, sụt lún đã kéo theo nhiều nhà dân trôi xuống sông. Nhiều tuyến đường giao thông bị uy hiếp. Điển hình là chiều 18/4 vừa qua, nhà kho Bến Thủy của Công ty cổ phần Lương thực Hưng Phước (xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ) nằm trên tuyến đường tỉnh 921 sụt lún nghiêm trọng. Đoạn sụt lún dài hơn 135m, rộng hơn 11m, có tổng diện tích hơn 1.500m2, làm nứt bề mặt đường tỉnh 921 với chiều dài ảnh hưởng khoảng 48m, rộng 3,5m, gây thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng.

Thời tiết cực đoan đã làm nhiều tuyến đường giao thông nông thôn hư hỏng và hàng ngàn hộ gia đình ở Cà Mau bị thiếu hoặc không chủ động được nguồn nước ngọt sinh hoạt. Anh Võ Văn Vũ (ngụ xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đang phải đối mặt với một thực trạng khó khăn. Gần 2 tháng qua, gia đình anh hoàn toàn không chủ động được nguồn nước ngọt để sử dụng cho sinh hoạt.

"Trước đây, gia đình vẫn có thể lấy nước từ giếng khoan hay sông ngòi gần nhà. Tuy nguồn nước không quá trong nhưng vẫn có thể sử dụng tạm thời cho các công việc sinh hoạt hằng ngày. Thế nhưng nay, mực nước ngầm cạn kiệt và nước sông bị nhiễm mặn hoàn toàn. Gia đình chỉ có cách duy nhất là phải mua nước ngọt để sử dụng, khoản chi phí này gây ra gánh nặng không nhỏ", anh Vũ giãi bày.

Theo thống kê của UBND xã Biển Bạch, hiện có khoảng 450 hộ dân trên địa bàn thiếu nước sinh hoạt. Trước đây ngành chức năng đầu tư trạm cấp nước tại xã Tân Bằng (giáp ranh xã Biển Bạch) để cung cấp nước cho người dân địa phương, tuy nhiên trạm cấp nước xuống cấp, những tháng này nhu cầu dùng nước ngọt tăng cao nên không đáp ứng đủ.

Ngoài thiếu nước ngọt, Cà Mau còn đối mặt tình trạng sụt lún xảy ra tại tại 131 tuyến kênh và có 569 điểm. Theo ông Đỗ Minh Điền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau), tỉnh đưa ra giải pháp trước mắt là tăng cường, khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, thường xuyên theo dõi mực nước trong kênh để có giải pháp xử lý. Đồng thời, thực hiện giảm trọng tải xe từ 8 tấn còn 5 tấn trên một số đường trên bờ kênh, để tránh sạt lở. "Chúng tôi cũng đề xuất các giải pháp cấp nước sinh hoạt, đầu tư các công trình hỗ trợ trữ nước. UBND tỉnh Cà Mau đã quyết định chi 10 tỷ đồng cho 3 huyện thiếu nước nghiêm trọng", ông Điền thông tin.

Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cũng đề xuất hoàn thiện hệ thống thủy lợi, trong đó đề xuất trung ương hỗ trợ khoảng 197 tỷ đồng thực hiện 5 ô thủy lợi để trữ nước trong mùa khô; hỗ trợ kinh phí từ dự án nước sạch nông thôn khoảng 241 tỷ đồng.

Theo Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), tính đến giữa tháng 4, có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, chủ yếu tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Thực hiện Công điện số 14 của Bộ Công an về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và giúp đỡ nhân dân vùng khó khăn, từ ngày 10/4 đến nay, Công an các tỉnh ĐBSCL đã tổ chức tổ chức hàng loạt chương trình ý nghĩa, vận chuyển và cấp phát nước ngọt miễn phí nhằm chia sẻ khó khăn với người dân vùng bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Chương trình đã tạo sức lan tỏa, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay hỗ trợ người dân trong vùng hạn, mặn.

"Để chủ động phòng, chống và thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn, TP Cần Thơ đã làm tốt công tác dự báo, truyền thông để thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ đến chính quyền các cấp và người dân về nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, thành phố cũng tổ chức vận hành các công trình thủy lợi hợp lý. Xây dựng các kịch bản về ứng phó và thích ứng với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với tình hình thực tế của từng quận, huyện…", ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nói.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), các giải pháp hiện nay trước hạn, mặn chủ yếu căn cứ tình hình mùa mưa lũ trước đó để khuyến cáo xuống giống sớm vụ đông xuân nhằm né rủi ro hạn, mặn và tìm cách trữ nước cuối mùa mưa để sử dụng tiết kiệm dần cho sinh hoạt và chăn nuôi.

Tuy nhiên, các giải pháp này cần làm đồng bộ hơn và cần có những phối hợp hợp lý hơn. "Để có những biện pháp công trình và phi công trình lâu dài hơn trong nhiều năm tới, các tiểu vùng cần có những chiến lược giảm dần diện tích trồng lúa trong mùa khô, kể cả những vùng thừa nước ngọt của vùng ngập lũ phía trên. Chuyển các canh tác sang những loại ít cần nước hơn hoặc áp dụng các giải pháp tưới nước tiết kiệm như tưới ướt - khô xen kẽ, tưới thấm, tưới nhỏ giọt cho các vùng trồng hoa màu, cây ăn trái…", PGS-TS Lê Anh Tuấn đề xuất.

Văn Vĩnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/can-giai-phap-ung-pho-lau-dai-voi-han-man-o-dong-bang-song-cuu-long-i729480/