Cần giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sởTin khácMời bạn đọc, cộng tác viên gửi bài, ảnh cho Báo Lạng Sơn số Tết Dương lịch và Xuân Nhâm Dần 2022Doanh nghiệp nhỏ và vừa vững vàng vượt qua đại dịch

Thương lái thu mua hạt sở tại xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc

– Hiện nay, bà con trên địa bàn các huyện đã bắt hành thu hoạch quả sở. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, giá quả sở và hạt sở năm nay chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng đó, rất nhiều hộ gặp khó trong việc tiêu thụ.

Tại một số xã trên địa bàn huyện Lộc Bình, giá quả sở năm nay chỉ đạt từ 1.500 đến 2.000 đồng/kg và giá hạt sở chỉ ở mức từ 7.000 đến 9.000 đồng/kg. Ông Hoàng Văn Đằng, người trồng sở lâu năm tại xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình cho biết: Gia đình tôi hiện có 2 ha sở, cho sản lượng khoảng 2 tấn hạt/năm. Vụ sở năm nay, thời tiết thuận lợi và gia đình chú trọng chăm sóc nên năng suất cao hơn so với năm ngoái. Mặc dù vậy, giá sở chỉ bằng một nửa so với năm 2020, thu nhập giảm rất nhiều.

Tương tự, tại xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, người dân cũng đang rất khó khăn trong việc tiêu thụ hạt sở do giá sở quá thấp và mức độ tiêu thụ quá chậm. Ông Hoàng Quốc Kỳ, trú tại thôn Nà Háo, xã Yên Trạch cho biết: Gia đình tôi trồng hơn 2 ha sở, hằng năm cho thu trên 2 tấn hạt. Năm nay, năng suất cao hơn 20% so với năm 2020. Mọi năm, ngay từ đầu tháng 10, thương lái đến tận rừng thu mua quả sở tươi với giá 5.000 đồng/kg, thế nhưng năm nay, chỉ có 1 thương lái vào thu mua với số lượng không nhiều. Đến nay, gia đình vẫn còn hơn 1 tấn hạt sở đã thu hoạch nhưng chưa thể tiêu thụ.

Ông Hoàng Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trạch cho biết: Xã Yên Trạch có diện tích sở lớn với 623 ha, trong đó, trên 400 ha cho thu hoạch. Từ năm 2018, xã đã đưa cây sở vào danh sách cây trồng chủ lực của xã, trên cơ sở đó, chúng tôi thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện đẩy mạnh tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng, bón phân, tỉa thưa đối với cây sở. Năm nay, sản lượng sở ước đạt 800 tấn, cao hơn từ 20 đến 25% so với những năm trước. Tuy nhiên, do không có thương lái đến thu mua, rất nhiều hộ gặp khó trong khâu tiêu thụ sở, giá bán lại thấp. Với khoảng 90% số hộ tại xã trồng sở (diện tích bình quân từ 0,5 đến 4 ha/hộ), giá sở thấp ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập của bà con.

Theo số liệu rà soát từ đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật phục tráng và tuyển chọn giống sở phù hợp với điều kiện tỉnh Lạng Sơn” vào đầu năm 2021 do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai, diện tích cây sở trên địa bàn tỉnh hiện nay là trên 1.000 ha, sản lượng quả sở ước đạt trên 15.000 tấn. Trong đó, phần lớn diện tích sở được trồng tại các huyện như: Lộc Bình; Văn Quan; Chi Lăng; Cao Lộc. Hằng năm, mặt hàng này được các thương lái thu mua để vận chuyển đi các nơi khác để làm nguyên liệu chế biến hoặc xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.

Tình trạng sở mất giá và khó tiêu thụ xảy ra ở các huyện, thành phố có cây sở. Tìm hiểu từ một số thương lái và phòng NN&PTNT các huyện như: Chi Lăng; Lộc Bình; Cao Lộc…, chúng tôi được biết: nguyên nhân chính dẫn đến việc tiêu thụ sở gặp khó là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến mặt hàng này khó xuất sang các thị trường như: Trung Quốc, Đài Loan. Bên cạnh đó, phần lớn thương lái thu mua sở đều từ các tỉnh khác đến, năm nay, do dịch bệnh, rất ít thương lái có thể trực tiếp đến thu mua sở.

Ông Nguyễn Hữu Thuân, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lộc Bình cho biết: Cây sở trên địa bàn huyện từ lâu đã là một trong những cây giúp nhiều hộ tăng thêm thu nhập để phát triển kinh tế. Do vậy, hằng năm, đơn vị đều có các hoạt động hướng dẫn, tập huấn đến bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sở. Hiện nay, trên địa bàn huyện đang có kế hoạch triển khai dự án xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây sở. Đây là giải pháp để giải quyết tình trạng giá sở bấp bênh, khó tiêu thụ cho bà con trong tương lai. Đồng thời, là một trong những cơ sở để đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bà con mở rộng diện tích trồng sở, hướng đến hình thành vùng trồng tập trung.

Mặc dù vậy, đến nay, vẫn chưa có giải pháp cụ thể nào để giải quyết việc nhiều hộ trồng sở gặp khó khăn do giá cả thấp, khó tiêu thụ đến từ các cấp, ngành.

Trước thực tế trên, thiết nghĩ, các cấp, ngành cần sớm có giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm từ cây sở. Trong đó, việc kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến, chế xuất đối với sản phẩm từ cây sở là rất cần thiết. Điều này không chỉ góp phần ổn định đầu ra cho người trồng sở, khắc phục tình trạng giá sở bấp bênh, phụ thuộc vào thị trường nước ngoài mà còn nâng cao giá trị cho các sản phẩm từ cây sở, tạo nguồn thu nhập cao để bà con phát triển kinh tế

GIA KHÁNH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/461038-can-giai-phap-ho-tro-tieu-thu-so.html