Cần gì để hợp tác với ngôi sao quốc tế?

Chuyện danh thủ Messi xuất hiện trong MV của Jack, một ca sĩ Việt Nam gần đây đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi 'Nghệ sĩ Việt cần những gì để có thể kết hợp với các ngôi sao quốc tế, đặc biệt là những ngôi sao hàng đầu?'.

Trước Jack, thực tế Sơn Tùng M-TP đã có màn kết hợp rất đình đám với ngôi sao nhạc rap của Mỹ là Snoop Dogg trong MV “Hãy trao cho anh”. Trong màn kết hợp đó, Snoop không chỉ xuất hiện cho có hình ảnh (trong nghệ thuật gọi là vai cameo) mà thực tế, Snoop đã biểu diễn rap. Thậm chí, trước khi MV ra mắt, Snoop còn khen ngợi Sơn Tùng M-TP trên tài khoản mạng xã hội của mình. Điều đó cho thấy đây là một hợp đồng kết hợp bài bản, có chiến lược và có chuẩn bị sẵn.

Mới đây, một thông tin nữa cũng khiến giới mộ điệu Việt Nam giật mình. Đó là việc bản “Big City Boi” của rapper Binz sẽ xuất hiện trong bộ phim “Biệt đội đánh thuê 4” dự kiến ra rạp ở Việt Nam vào ngày 22/9 tới. Rõ ràng, xu hướng hợp tác với các nghệ sĩ quốc tế, hoặc xuất hiện trong các sản phẩm quốc tế của nghệ sĩ Việt đang ngày một mở rộng hơn. Nếu nhìn lại những sự hợp tác như của Đức Phúc với nhóm 911 (Em đồng ý - I do); Vũ với Lukas Graham (Happy for you), Hà Anh Tuấn với Kitaro (live concert Chân trời rực rỡ)…, chúng ta sẽ nhận thấy giới nghệ sĩ Việt ngày càng muốn cộng tác với các đồng nghiệp nước ngoài nhiều hơn với mong muốn sản phẩm của mình có thể phát triển ở nhiều vùng thị trường hơn.

Nhưng để kết hợp được với các ngôi sao quốc tế thực chất không phải dễ dàng chút nào. Việc tình cờ gặp mặt và ghi hình bằng điện thoại (hoặc máy chụp ảnh) rồi tự ý đưa vào sản phẩm (dù là không bật chế độ kiếm tiền) là mạo hiểm vô cùng bởi nó có thể dẫn tới các tranh chấp pháp lý và chắc chắn không được xem là một hợp tác đúng nghĩa. Để đủ được xem là hợp tác, điều cơ bản nhất là nghệ sĩ quốc tế phải trình diễn ở trong sản phẩm đúng theo sở trường của họ.

Đầu tiên, nhiều người sẽ nhắc tới chi phí. Đúng là phải có bột mới gột nên hồ. Không có thù lao, khó có thể mời nổi nghệ sĩ quốc tế tham gia trình diễn chung. Mức thù lao như thế nào là tùy theo thỏa thuận và còn phụ thuộc vào đơn vị kết nối. Và ai trả thù lao cũng là câu chuyện đáng nói. Nghệ sĩ Việt tự trả thù lao hay nhà tài trợ trả thù lao sẽ tùy vào các thỏa thuận sản xuất ban đầu và mục đích hướng tới của sản phẩm. Nếu có nhà tài trợ, chắc chắn chi phí sẽ lớn hơn rất nhiều và đa số các hợp tác kiểu này được thiết kế bởi chính nhà tài trợ theo một chiến dịch truyền thông quảng cáo của họ.

Thứ hai, trong trường hợp sự hợp tác đơn thuần là nghệ thuật, không có sự tham gia của nhà tài trợ, phía nghệ sĩ quốc tế thường được kết nối bởi nhà sản xuất, hầu hết là hãng đĩa. Với sự xuất hiện của hai hãng đĩa uy tín là Sony Music và Warner Music ở Việt Nam mấy năm qua, không ít nghệ sĩ Việt đã có cơ hội tiếp cận đồng nghiệp quốc tế nhờ vào chính sức mạnh của hai tên tuổi này.

Cuối cùng, và quan trọng nhất, chính là uy tín và tài năng của nghệ sĩ Việt. Các nghệ sĩ quốc tế trước khi quyết định hợp tác với ai đều tìm hiểu kỹ tài năng của người đó tới đâu, sức lan tỏa ra sao, tính tương đồng trong nghệ thuật là như thế nào. Đây là điều kiện tiên quyết. Dù gì đi nữa, sản phẩm tung ra được kỳ vọng là một tác phẩm và nghệ sĩ quốc tế không bao giờ mạo hiểm tên tuổi mình cho một sản phẩm tồi với một đối tác kém cỏi.

Nói tóm lại, đừng nghĩ chỉ có tiền là có thể quyết định được sự hợp tác. Trong nghệ thuật, đòi hỏi luôn nhiều hơn yếu tố tài chính rất nhiều.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/can-gi-de-hop-tac-voi-ngoi-sao-quoc-te--i708002/