Cần đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp?

Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), hiện cả nước có 1.803 doanh nghiệp cơ khí nhưng mới đáp ứng được khoảng 32% nhu cầu máy nông nghiệp tại Việt Nam.

Ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Xuân Thảo.

Cơ khí nông nghiệp tụt hậu

Nhằm thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp, Chính phủ đã có nhiều chính sách liên quan đến phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Cụ thể, Quyết định số 319 ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó các loại máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, các loại máy canh tác, bảo quản, chế biến sản phẩm nông - lâm, ngư nghiệp thuộc danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu tiên đầu tư phát triển.

Đặc biệt, đến ngày 22/3/2018, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 23 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định công nghiệp cơ khí là một trong những ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, trong đó tập trung vào một số ngành như: ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế,… Không thể phủ nhận những kết quả tích cực từ đóng góp của ngành cơ khí trong những năm qua, tuy nhiên, sự phát triển ngành này vẫn còn không ít hạn chế.

Theo thống kê của Bộ Công thương, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Tính đến hết năm 2017, mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong ngành cơ khí trên tổng số DN các ngành chế biến chế tạo khá cao (gần 30%), tuy nhiên, tỷ lệ giá trị doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của các DN ngành cơ khí so với toàn ngành chế biến, chế tạo khá thấp và có xu hướng giảm qua các năm (hơn 18%).

Các phân ngành cơ khí quan trọng như: thiết bị toàn bộ, máy động lực, cơ khí phục vụ nông – lâm – ngư nghiệp và công nghiệp chế biến, máy công cụ, cơ khí xây dựng, cơ khí đóng tàu thủy, thiết bị kỹ thuật điện – điện tử và cơ khí ô tô – cơ khí giao thông vận tải đạt kết quả thấp so với Chiến lược phát triển ngành cơ khí đã đề ra.

Ông Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NNPTNT) đánh giá, ngành cơ khí nông nghiệp ở Việt Nam còn tụt hậu so với mức thiết bị trung bình ở các nước ASEAN. Các nhà sản xuất trong nước có thị phần tương đối thấp, trong khi thị phần đáng kể trong nhu cầu thị trường máy nông nghiệp hiện được cung ứng bởi các sản phẩm nhập khẩu, chiếm khoảng 60 - 70%.

Chính sách thúc đẩy cơ giới hóa

Thực tế cho thấy, thị trường máy móc nông nghiệp ở Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức. Các loại máy sản xuất nông nghiệp trong nước chủng loại nghèo nàn, đặc biệt là máy gặt đập liên hợp hiện nay trên thị trường, chiếm đến 90% là máy nước ngoài, chỉ có 10% máy trong nước. Bên cạnh đó, máy sấy nông sản cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu và ở mức độ đơn giản.

Ngành nông nghiệp Việt Nam đặt ra mục tiêu cơ giới hóa đồng bộ đến năm 2030: lĩnh vực lâm nghiệp đạt 50%, trồng trọt đạt 70%, chăn nuôi đạt 60%, sản xuất thủy sản đạt 90%, đánh bắt bảo quản là 95% và diêm nghiệp đạt 90%.

Nhìn nhận về cơ giới hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, tỷ lệ cơ giới hóa thấp, mức độ đồng bộ cơ giới hóa cũng thấp, mới tập trung ở một số khâu, một số loại sản phẩm dẫn đến sức cạnh tranh nông nghiệp chưa cao. Nguyên nhân của tình trạng trên được ông Tiến chỉ rõ, là do trình độ khoa học và công nghệ còn tương đối thấp. Khả năng ứng dụng khoa học công nghệ và các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng quốc gia, quốc tế còn hạn chế. Ngành cơ khí trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Vẫn theo ông Tiến, Bộ NNPTNT sẽ nghiên cứu, xem xét để đưa ra các cơ chế, chính sách thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất máy móc thiết bị nông nghiệp. Đây là yếu tố cốt lõi trước khi đẩy nhanh, đẩy mạnh cơ giới hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nông nghiệp.

Giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam là phải cơ giới hóa đồng bộ. Chính vì vậy, bên cạnh cơ chế thúc đẩy cơ giới hóa trong nước cần có chính sách thu hút, khuyến khích DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/can-day-manh-co-gioi-hoa-nong-nghiep-10272707.html