Căn cứ địa cách mạng: Vươn mình trong diện mạo mới

PTĐT - Xã Đại Phạm, huyện Hạ Hòa, nơi ghi dấu lịch sử của chính quyền cách mạng Liên khu 10 đã góp phần làm nên những chiến công vô cùng oanh liệt như Chiến dịch Biên giới Việt Bắc thu đông năm 1947...

Nhằm tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, xã Đại Phạm tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, giúp người dân giao thương, đi lại thuận lợi.

Nhằm tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, xã Đại Phạm tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, giúp người dân giao thương, đi lại thuận lợi.

PTĐT - Xã Đại Phạm, huyện Hạ Hòa, nơi ghi dấu lịch sử của chính quyền cách mạng Liên khu 10 đã góp phần làm nên những chiến công vô cùng oanh liệt như Chiến dịch Biên giới Việt Bắc thu đông năm 1947, mà điểm nhấn là chiến thắng Sông Lô - tạo đà cho giai đoạn phản công, tiến đến chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Kiên trung, bất khuất trong kháng chiến cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, kinh doanh, căn cứ địa cách mạng năm xưa giờ đã vươn mình trong diện mạo mới với cuộc sống thanh bình, sung túc của người dân.

“Thành đồng” vệ quốc
Trước dã tâm quay lại xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, ngày 19/12/1946, Hồ Chủ tịch đã ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Xác định mặt trận Tây Bắc có vai trò hết sức quan trọng trong việc đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược lần 2 của thực dân Pháp đối với nước ta, vì vậy, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đã quyết định thành lập một số chiến khu, trong đó Phú Thọ thuộc Chiến khu 10. Lúc mới thành lập, cơ quan Khu bộ đóng tại xã Minh Nông (thành phố Việt Trì). Do yêu cầu của cách mạng, Khu ủy Khu 10 phải di chuyển thêm vài lần rồi về vùng rừng núi xã Đại Phạm. Khi Trung ương quyết định sáp nhập chiến khu 10 và chiến khu 14 thành Liên khu 10, số lượng các cơ quan, cán bộ, nhân viên cũng như các loại phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động ngày một nhiều, nhu cầu tăng cao. Vì vậy, Liên khu mở rộng căn cứ Đại Phạm ra các xã xung quanh. Với tinh thần hết sức khẩn trương, chỉ trong một thời gian ngắn, Liên khu đã có cơ sở làm việc tương đối rộng rãi; lực lượng đông gồm 4 trung đoàn tập trung (D87, D112, D114, D171), một tiểu đoàn độc lập (D221) của Phú Thọ, một tiểu đoàn pháo cao xạ mang tên “voi gầm” của đồng chí Doãn Tuế làm Tiểu đoàn trưởng. Để có vũ khí phục vụ chiến đấu, huấn luyện quân sự, Liên khu đã xây dựng 5 xưởng quân giới. Ngoài việc vận động Nhân dân quyên góp sắt, thép, gỗ và một số vật liệu khác, đơn vị đã sử dụng phân dơi ở Hang Dơi để chế tạo thuốc nổ, mìn, lựu đạn và súng. Mỗi năm, các xưởng quân giới trên sản xuất được hàng vạn sản phẩm cung cấp cho chiến trường; trong đó Z2 là xưởng chế tạo vũ khí lớn của Liên khu 10 được đặt nhờ tại nhà ông Dương Văn Thế với 40 công nhân thường xuyên làm việc. Nhiều gia đình còn tự nguyện cho đơn vị mượn nhà làm kho chứa lương thực. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của Đảng bộ và Nhân dân địa phương, chỉ trong một thời gian ngắn, các cơ quan của Liên khu 10 sớm ổn định và đi vào hoạt động, làm tốt nhiệm vụ được giao...Thời gian đặt trụ sở tại khu vực xã Đại Phạm và một số xã lân cận Liên khu 10 đã làm nên những chiến công vô cùng oanh liệt như Chiến dịch Biên giới Việt Bắc thu đông năm 1947. Thời điểm cuối tháng 10, Liên khu 10 cũng rạng danh với chiến thắng Sông Lô. Với hai chiến thắng lẫy lừng này, quân và dân Liên khu 10 đã góp phần đập tan ý đồ chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của quân Pháp trên toàn tuyến Tây Bắc và Đông Bắc.

Phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp nhiều gia đình ở Đại Phạm đã đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.- Mô hình chăn nuôi trâu, bò của gia đình ông Phạm Văn Thế - khu 4 bước đầu mang lại kết quả cao.

Phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp nhiều gia đình ở Đại Phạm đã đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.- Mô hình chăn nuôi trâu, bò của gia đình ông Phạm Văn Thế - khu 4 bước đầu mang lại kết quả cao.

Ngày mới trên đất chiến khu xưa Về Đại Phạm hôm nay, trên những con đường bê tông dẫn vào các khu xóm và các điểm di tích, khiến chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay, sức sống mới ở vùng quê cách mạng.Ông Phạm Văn Thế- khu 4 xã Đại Phạm cho biết: Chúng tôi luôn tự hào vì năm xưa đây là căn cứ cách mạng, đóng góp rất lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tiếp nối truyền thống cha anh, người dân nơi đây luôn gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng, thi đua phát triển kinh tế, vươn lên giảm nghèo bền vững. Nhiều năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, đời sống người dân trong khu không ngừng được đổi thay, chất lượng cuộc sống được nâng lên, hầu hết các hộ trong khu đã có nhà xây kiên cố... Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương anh hùng, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Phạm đã nỗ lực phấn đấu giành được nhiều thành tích quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng chí Phạm Anh Tuấn- Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Cuộc sống của người dân trong xã đã được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 8%. Xã hoàn thành xây dựng xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2019.Xác định cơ cấu kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển các chương trình nông nghiệp trọng điểm gắn với thế mạnh của địa phương. Trong đó chú trọng trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả gắn với chăn nuôi. Bên cạnh đó, xã khuyến khích phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, ưu tiên phát triển chế biến nông lâm sản và đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhân cấy nghề mới… thu hút và tạo việc làm cho nhiều lao động tại chỗ. Đến nay, trên địa bàn xã có 32 cơ sở sản xuất chế biến nguyên vật liệu, thu hút và giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 200 lao động với mức thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng. Đi đôi với sản xuất, xã tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và nhân dân đóng góp, xã đã xây dựng kết cấu hạ tầng theo tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới. Một số công trình quan trọng đã được đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa như: Trạm y tế xã; nhà bia tưởng niệm, đường giao thông nông thôn, các hạng mục phụ trợ trường mầm non, tiểu học; trạm biến áp tạo khu 3,5,6,7... đã góp phần quan trọng để Đại Phạm đón nhận xã Nông thôn mới... Các hoạt động thông tin, văn hóa, thể thao trong xã luôn được duy trì và phát triển. Việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ được tổ chức trang trọng, tiết kiệm. An ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Để xứng đáng với truyền thống cách mạng, an toàn khu năm xưa, thời gian tới, Đại Phạm tiếp tục phát huy nguồn lực, khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ, ngành nghề, xuất khẩu lao động để nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho nhân dân. Cùng với đó, xã tập trung phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa-xã hội; củng cố an ninh, quốc phòng vững chắc; phát huy dân chủ, huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; tranh thủ sự giúp đỡ của cấp trên, thu hút đầu tư từ bên ngoài, xây dựng Đại Phạm phát triển nhanh và bền vững.

Ánh Dương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/202009/can-cu-dia-cach-mangvuon-minh-trong-dien-mao-moi-172742