Cần có kỷ luật nghiêm khắc để bóng đá Việt Nam phát triển

Nóng trên sân vẫn thường xảy ra, nhưng nóng ngoài sân mới là điều đáng báo động cho V-League 2023-2024 dù mới chỉ lượt đấu thứ 5.

Thật ngẫu nhiên khi cả 3 trận của lượt đấu thứ 5 giải vô địch bóng đá quốc gia Việt Nam diễn ra hôm qua 9.12 đều có những phản ứng quyết liệt, không đồng tình trước các quyết định của trọng tài. Tệ hơn rất nhiều là các cổ động viên đội chủ nhà MerryLand Quy Nhơn Bình Định (MQNBĐ) đã tấn công, ném đồ dùng xuống sân nhắm vào đội khách Đông Á Thanh Hóa (ĐATH) không chỉ trong sân mà sau đó còn bao vây xe chở đội ĐATH ở ngoài sân vận động, thậm chí còn kéo đến khách sạn nơi ĐATH sinh hoạt nghỉ ngơi để phản ứng.

Không thể sống chung với bạo lực

Những va chạm dẫn đến tranh cãi, xung đột giữa một số cầu thủ trong trận ĐATH thắng MQNBĐ 3-2 đã bùng nổ sau trận đấu. Khi đó không còn là những bất đồng giữa cầu thủ hai đội mà còn lan rộng ra HLV, trợ lý HLV… và tất cả diễn ra trong bối cảnh mặt sân hứng những vật thể được ném từ khán đài.

Dù chưa có kết luận chính thức, nhưng những gì diễn ra là không thể chấp nhận và chắc chắn Ban Tổ chức trận đấu, Ban Tổ chức sân sẽ nhận những án kỷ luật thích đáng từ Ban Tổ chức V-League cũng như Ban Kỷ luật VFF.

Cũng hôm qua, trong trận chủ nhà Thép Xanh Nam Định (TXNĐ) hòa CAHN 2-2, có 2 tình huống đáng bàn và cần lắm những án phạt nguội từ Ban Tổ chức giải.

Thứ nhất, vào thời điểm CAHN đang dẫn TXNĐ 1-0, có tình huống cần đến sự trợ giúp của VAR. Trước khi bóng vào lưới TXNĐ lần thứ 2, tiền vệ Quang Hải của CAHN đã va chạm với hậu vệ Hồng Duy của TXNĐ. Nếu chân Quang Hải đá vào chân khiến Hồng Duy ngã thì bàn thắng sẽ không được công nhận. Ở cả hai góc quay, 1 gần như trực tiếp và 1 là góc quay nghiêng, đều không khó nhận ra chân Quang Hải chưa chạm vào chân Hồng Duy, thậm chí ở góc quay thứ 2, góc quay nghiêng, chân của Quang Hải và Hồng Duy còn cách xa nhau. Thế nhưng trọng tài Nguyễn Đình Thái không công nhận bàn thắng cho CAHN và kết thúc hiệp 1, CAHN chỉ dẫn trước 1-0. Điều gì sẽ xảy ra khi CAHN dẫn trước TXNĐ 2-0 sau hiệp 1? Có lẽ kết quả trận đấu đã khác thay vì là 2-2.

Cũng trong trận này, một tình huống khác khiến trận đấu cũng nóng bỏng. Đó là HLV Gong Oh-kyun tức giận phản ứng cầu thủ Văn Kiên của TXNĐ. Thậm chí HLV Gong còn cởi áo khoác khi không kìm được tức giận. HLV Gong cho rằng ông đã bị Văn Kiên dùng tay đánh vào người. Qua máy quay khi được chiếu chậm, rõ ràng Văn Kiên đã có tác động mạnh vào HLV Gong từ phía sau nên mới dẫn đến phản ứng của HLV Gong.

Phản ứng của HLV Gong và hành động sai trái của Văn Kiên đã khiến cả hai bị nhận thẻ vàng. Tuy nhiên, Ban Tổ chức giải cần thiết có thêm án phạt nguội dành cho Văn Kiên, bởi khi bóng lăn ra biên, HLV Gong đã dùng chân chặn bóng lại, vậy mà vì muốn lấy lại bóng nhanh nhất có thể, Kiên đã có động tác dùng tay đánh về phía sau vào người ông Gong. Ông Gong tức giận đã muốn tấn công Văn Kiên và tạo ra bầu không khí hỗn loạn trên sân.

Trận đấu muộn nhất giữa TP.HCM hòa 1-1 trước Hải Phòng lại xảy ra tranh cãi dữ dội vào cuối trận giữa HLV Chu Đình Nghiêm với trọng tài Hoàng Ngọc Hà. Trong cuộc họp báo, HLV Chu Đình Nghiêm cho biết ông không có ý kiến về trọng tài vì trên sân mọi người đã thấy. Đó là tình huống HLV Nghiêm không hài lòng và phản ứng khá gay gắt với trọng tài Ngọc Hà về một quyết định từ một pha ném biên của đội Hải Phòng.

Theo HLV Nghiêm, trong suốt trận đấu, nhiều tình huống ném biên lố 1 đến 2 mét, trọng tài Hà đều bỏ qua, nhưng trong tình huống này, trọng tài lại bắt lỗi Hải Phòng mà Hải Phòng thì muốn đưa bóng vào cuộc sớm để ghi thêm bàn thắng sau khi gỡ hòa 1-1.

Từ tình huống này, HLV Nghiêm đã phản ứng quyết liệt với trọng tài khiến Ban Huấn luyện đội Hải Phòng phải can ngăn để không xảy ra tình huống xấu nhất. Sau đó HLV Nghiêm phải nhận thẻ vàng.

Bóng đá Đông Nam Á bị kìm hãm bởi bạo lực

Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã nhận định: Bóng đá Đông Nam Á có tiềm năng phát triển nhưng đã bị kìm hãm bởi bạo lực và những vấn đề xã hội khác. Ông Infantino nhận xét như thế sau thảm họa Kanjuruhan khiến 135 người chết vào tháng 10.2022 tại Indonesia từ trận đấu giữa đội Arema FC và đội Persebaya Surabaya; đến tháng 3.2023, Indonesia lại bị tước quyền đăng cai U.20 World Cup vì cổ động viên biểu tình; rồi đến tháng 5.2023 là hình ảnh xấu xí trong và sau trận chung kết giữa hai đội U.22 Thái Lan và Indonesia tại SEA Games 32 diễn ra ở Campuchia.

Góc nhìn của Chủ tịch FIFA Infantino cho thấy những tiêu cực của bóng đá Đông Nam Á, bạo loạn xảy ra không chỉ giữa các cầu thủ mà còn có sự tham gia của các quan chức, lãnh đạo đội bóng - những đối tượng mà lý ra phải là những người ngăn cản làm giảm những cái đầu nóng của cầu thủ.

Ông Infantino kết luận những hình ảnh xấu xí từ trận chung kết SEA Games 32 đã được lan truyền khắp thế giới và ông hy vọng những nhà quản lý LĐBĐ châu Á (AFC), LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) cùng các liên đoàn thành viên của AFF cùng nhau nhìn lại để tìm ra những giải pháp ngăn chặn tiêu cực, đồng thời phải có những án phạt nghiêm khắc dành cho những hành vi như thế.

Thế mà ngày 3.12 vừa qua, giải vô địch bóng đá Indoneisa lại tiếp tục xảy ra bạo loạn. Khi CLB PSIS Semarang dẫn 1-0 trước PSS Sleman, cổ động viên hai đội đã hỗn chiến trên khán đài. Đỉnh điểm, cổ động viên chủ nhà PSIS Semarang còn tràn xuống sân tấn công đội khách và Giám đốc điều hành CLB PSIS Semarang, ông Yoyok Sukawi đã bị thương ở vùng đầu, phải khâu đến... 8 mũi.

LĐBĐ Indonesia (PSSI) vừa có thông báo chính thức về án phạt cho vụ bạo loạn giữa 2 CLB là PSIS Semarang và PSS Sleman ở giải VĐQG nước này. Theo đó, từ đây đến hết mùa giải, các trận đấu của CLB PSIS Semarang trên sân nhà sẽ diễn ra không có khán giả. Đây được coi là án phạt nặng dành cho CLB PSIS Semarang khi CLB không nhận được sự cổ vũ từ khán giả mà còn bị ảnh hưởng khá nhiều đến vấn đề tài chính. Vụ việc này thậm chí còn có khả năng nhận thêm những án phạt từ AFC hay cả FIFA.

Từ thế giới đến Việt Nam

Bạo loạn trong bóng đá diễn ra trên toàn cầu, nhưng châu Á diễn ra có mức độ nhiều hơn, dữ dội hơn so với châu Âu, và Đông Nam Á là khu vực xảy ra nhiều nhất. Bạo lực tỷ lệ nghịch với trình độ, đẳng cấp về chuyên môn cũng như năng lực quản lý của bộ máy điều hành.

Đó cũng là lý do vì sao Đông Nam Á luôn bị đánh giá là vùng trũng của bóng đá thế giới.

Trước thực tế này, những nhà điều hành bóng đá Việt Nam, cụ thể là VPF và VFF cần mạnh tay xử lý tệ nạn tiêu cực, bạo lực trong bóng đá, đặc biệt là phải xử lý đến nơi đến chốn nguyên nhân gây ra những tiêu cực.

Do đó người hâm mộ đang chờ những quyết định của Ban Tổ chức giải và Ban Kỷ luật VFF, bởi những hình ảnh xấu xí trong 3 trận đấu hôm qua giữa TXNĐ - CAHN, MQNBD - ĐATH, TP.HCM - Hải Phòng đã được lan truyền khắp nước, ảnh hưởng xấu đến thương hiệu và uy tín của V-League!

Đặng Hoàng

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/can-co-ky-luat-nghiem-khac-de-bong-da-viet-nam-phat-trien-210768.html