Cần có cơ chế thực thi hiệu quả cấp quốc gia cho chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa

Hà Nội, TPHCM là 2 'đầu tàu' kinh tế lớn của cả nước. Một trong những mục tiêu mũi nhọn mà hai thành phố này xác định đó là phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế mà quảng bá mạnh mẽ về văn hóa, phát triển du lịch.

Hình minh họa

Xác định công nghiệp văn hóa là ngành mới, rất tiềm năng

Phát biểu tại Hội nghị toàn về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa do Thủ tướng Chính phủ chủ trì mới đây,Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đang hướng đến tầm khu vực Đông Nam Á và châu Á. TPHCM xác định công nghiệp văn hóa là ngành mới, rất tiềm năng và sẽ có đóng góp tỉ trọng rất lớn vào sự phát triển của Thành phố.

Chính vì vậy tháng 10 vừa qua, TPHCM đã phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp văn hóa của Thành phố đến năm 2030. Với Đề án này, TP đã tập trung các ngành như nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo thời trang, triển lãm, điện ảnh và du lịch văn hóa.

"Chúng tôi cũng đặt ra mục tiêu cho năm 2025, 2030 theo như mục tiêu Chiến lược văn hóa quốc gia. Tuy nhiên đến năm 2022, đóng góp của công nghiệp văn hóa trong GDP thành phố đạt 6,2%, chúng tôi sẽ điều chỉnh mục tiêu này. Đến năm 2025 đạt 7-8%, đến năm 2023 thì trên 10%" - ông Phan Văn Mãi cho biết.

Theo ông Phan Văn Mãi, để triển khai phát triển văn hóa, vấn đề đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa, hỗ trợ phát triển thị trường sản phẩm văn hóa, nghiên cứu các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa, quảng bá, hợp tác quốc tế… là những trọng tâm.

Để làm được những điều này, TPHCM kiến nghị Chính phủ có những định hướng cho các ngành chủ lực của công nghiệp văn hóa trong các địa bàn trọng điểm, nên có trọng tâm để có sự phân công, phối hợp và có sự đầu tư.

Vấn đề thứ hai là khung pháp lý, chính sách để phát triển công nghiệp văn hóa, theo ông Phan Văn Mãi, nên lấy doanh nghiệp, những người lao động trong lĩnh vực sáng tạo ngành công nghiệp văn hóa này là trọng tâm để chúng ta thiết kế. Cần có những quy định của pháp luật, quy chuẩn. Khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này.

Bên cạnh chính sách về tiếp cận đất đai, tín dụng, thuế…nên chú ý vào các cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá, tiếp cận với ngành công nghiệp sáng tạo chứ không như các ngành công nghiệp truyền thống. Nên có Nghị quyết của Chính phủ, dành nguồn lực từ ngân sách để đầu tư, kiến tạo những động lực cho phát triển ngành công nghiệp này.

"TPHCM mong các doanh nghiệp trong quá trình triển khai Đề án, xem xét, lựa chọn TPHCM để phát triển công nghiệp văn hóa" - ông Phan Văn Mãi bày tỏ.

Cần có cơ chế thực thi hiệu quả cấp quốc gia cho chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa

Cùng trao đổi tại Hội nghị này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho hay, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 với các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.

Bên cạnh đó, xác định các lợi thế của Thủ đô để triển khai, trước mắt đó là du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, quảng cáo, ẩm thực, phần mềm và các trò chơi giải trí… Bên cạnh xác định mục tiêu cụ thể từng giai đoạn và các giải pháp tổng thể phát triển văn hóa, thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị triển khai một số sản phẩm văn hóa cụ thể trong từng năm để đánh giá kết quả.

Theo bà Vũ Thu Hà, thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thí điểm một số sản phẩm văn hóa đã thu hút sự chú ý, quan tâm của du khách. Điển hình như chương trình tham quan di tích lịch sử Hỏa Lò, tour du lịch Giải mã Hoàng thành Thăng Long, chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu-Quốc Tử Giám…Nhiều triển lãm trưng bày quy mô đã diễn ra, thu hút lượng lớn khán giả tham quan thụ hưởng, số khách tăng 200% so với trước khi thực hiện.

Năm 2019, thành phố Hà Nội đã tham gia là thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, mục tiêu của Thành phố lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho phát triển đô thị bền vững.

"Hiện nay thành phố đã có sự phát triển đa dạng về các sản phẩm văn hóa, trong đó kết nối mạng lưới hơn 100 không gian sáng tạo trên địa bàn Thủ đô kết nối với hơn 400 thành phố trên thế giới, triển khai các nội dung công việc có bản sắc của thành phố Hà Nội nhưng vẫn lưu giữ truyền thống định hình hiện tại và hướng tới tương lai, nhiều không gian sáng tạo đã trở thành thương hiệu, điểm nhấn của Hà Nội như không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, hơn 3 năm triển khai đã có hơn 500 sự kiện trong nước và quốc tế đã được tổ chức.

Một trong những điểm nhấn khi tham gia thành phố sáng tạo, thành phố Hà Nội đã phối hợp với UNESCO tại Việt Nam và UNHABITAS tổ chức Lễ hội thiết kế sáng tạo thường niên hằng năm, trong đó mỗi năm chọn những chủ đề khác nhau" - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chia sẻ.

Cùng với đó, thành phố cũng quan tâm đến nguồn lực văn hóa, công nghiệp văn hóa, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để tu bổ, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử văn hóa, một nguồn lực vô cùng quan trọng trong phát triển du lịch văn hóa và xây dựng thành phố sáng tạo. Ngoài ra còn nhiều Nghị quyết chuyên đề khác như quy định về đãi ngộ hỗ trợ đối với nghệ sĩ, nghệ nhân được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú ở các lĩnh vực, các câu lạc bộ, các lĩnh vực phi vật thể của Thành phố. Đến nay thành phố Hà Nội nỗ lực điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô sửa đổi Luật Thủ đô để đưa ngành công nghiệp văn hóa thành ngành mũi nhọn đóng góp cho phát triển Thủ đô một cách bền vững.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ có cơ chế thực thi hiệu quả cấp quốc gia cho chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời hướng dẫn các địa phương trong cả nước triển khai quy hoạch đồng bộ nhằm tạo sự thống nhất mục tiêu phát triển định vị bản sắc văn hóa từng vùng, từng địa phương, hình thành liên kết vùng, chuỗi liên kết các ngành, lĩnh vực thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam có vị thế cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Ban hành và triển khai hướng dẫn thực hiện khung tiêu chí, chỉ số đánh giá các ngành công nghiệp văn hóa nhằm thống nhất trong công tác thống kê đánh giá chất lượng, hiệu quả cũng như kịp thời bổ sung các cơ chế, chính sách để khơi thông nguồn lực cho phát triển văn hóa đảm bảo đúng định hướng phát huy được tinh thần đổi mới sáng tạo.

Bà Vũ Thu Hà cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những chính sách đặc thù phù hợp với thực tiễn như vấn đề hợp tác đầu tư công-tư bảo tồn phát huy những giá trị di sản, định mức đơn giá trong xây dựng các sản phẩm công nghiệp văn hóa, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, bền vững của các cơ chế, cơ quan Nhà nước quản lý di sản văn hóa, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cần hoạt động văn hóa và các cá nhân nghiên cứu khoa học ở trên các lĩnh vực./.

Bảo Trân

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/can-co-co-che-thuc-thi-hieu-qua-cap-quoc-gia-cho-chien-luoc-phat-trien-nganh-cong-nghiep-van-hoa-20231225111030275.htm