Cần có cơ chế đặc thù cho phát triển KHCN

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế đặc thù cho KHCN và đội ngũ nhân lực làm KHCN trên cơ sở tham khảo cách tiếp cận và kinh nghiệm mang lại hiệu quả của quốc tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ – Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ – Ảnh: VGP/Hải Minh

Chiều 11/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) về tình hình phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo hiện nay.

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Xuân Định cho biết, đến thời điểm này, hành lang pháp lý về KHCN và đổi mới sáng tạo tương đối hoàn thiện với 8 luật chuyên ngành, gồm: Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Công nghệ cao; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Đo lường; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Năng lượng nguyên tử và các văn bản dưới luật.

Bộ KHCN đã tham mưu, trình Bộ Chính trị Nghị quyết về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới; xây dựng dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Bộ cũng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng 5 luật sửa đổi, bổ sung trong giai đoạn 2021-2026, cụ thể: (1) đã trình Quốc hội thông qua Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (tháng 6/2022); (2) đang xây dựng, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV 3 luật gồm: (i) Luật sửa đổi, bổ sung Luật KHCN; (ii) Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; (iii) Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; (3) xây dựng, dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI Luật sửa đổi, bổ sung Luật Năng lượng nguyên tử.

Bên cạnh đó, Bộ đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 với mục tiêu đưa KHCN và đổi mới sáng tạo phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng.

Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại cuộc làm việc – Ảnh: VGP/Hải Minh

Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại cuộc làm việc – Ảnh: VGP/Hải Minh

Đóng góp của KHCN qua những con số

Theo Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Xuân Định, thời gian qua, KHCN và đổi mới sáng tạo đã từng bước khẳng định vai trò, động lực trong phát triển kinh tế – xã hội, trong đó nghiên cứu cơ bản đạt được nhiều thành tựu thể hiện qua các chỉ số xếp hạng, công bố nghiên cứu quốc tế.

Số lượng bài báo công bố quốc tế ISI của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 tăng trung bình 25,68%, gấp 3,18 lần so với giai đoạn 2011-2015. Riêng trong năm 2022, công bố quốc tế của Việt Nam là 18.577 bài, tăng 38% so với năm 2021; tăng 7% so với năm 2020 (là năm có số lượng bài báo quốc tế lớn nhất của Việt Nam trong các năm trước đó).

Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên như: Toán học, Vật lý, Hóa học tiếp tục giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN.

Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020 (vượt mục tiêu 35%).

Năm 2021, TFP đóng góp khoảng 37,5%; năm 2022, đóng góp khoảng 43,8% vào tăng trưởng kinh tế. KHCN ngày càng đóng góp nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa (trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi).

KHCN ngày càng tham gia sâu và đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của các ngành, lĩnh vực như giáo dục, y tế, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, xây dựng, an ninh, quốc phòng…

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015), vượt mục tiêu “Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm cao hơn 5,5%”.

Tốc độ tăng năng suất lao động năm 2021 là 4,71%; năm 2022 là 4,81%, chưa đạt mục tiêu “Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm” do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế toàn cầu.

Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 38,42 % năm 2016 đến 47,45% năm 2022.

Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam (GII) trong giai đoạn liên tục tăng vượt bậc. Năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, năm 2019 tăng 3 bậc, năm 2020 xếp thứ 42/131 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia. Năm 2021, xếp thứ 44/132 quốc gia; năm 2022 xếp thứ 48/132 quốc gia, đứng thứ 4 trong khu vực (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan).

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ KHCN phải thực hiện tốt 3 yêu cầu của Thủ tướng – Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ KHCN phải thực hiện tốt 3 yêu cầu của Thủ tướng – Ảnh: VGP/Hải Minh

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển nhanh

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển nhanh chóng. Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo liên tiếp tăng trưởng cao, đạt xấp xỉ 1 tỷ USD liên tiếp trong năm 2019, 2020, tăng gấp 3 lần so với năm 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo.

Hệ thống các tổ chức KHCN phát triển mạnh, đội ngũ nhân lực KHCN phát triển cả về số lượng và chất lượng với khoảng 72.990 cán bộ nghiên cứu tương đương toàn thời gian (đạt 7,6 người/vạn dân), trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận.

Hệ thống dịch vụ sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, ứng dụng năng lượng nguyên tử ngày càng hoàn thiện góp phần khuyến khích hoạt động nghiên cứu sáng tạo trong nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, chính sách, pháp luật về KHCN và đổi mới sáng tạo hiện hành còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ với các chính sách trong lĩnh vực khác (ngân sách nhà nước; đầu tư; đấu thầu; quản lý, sử dụng tài sản công, thuế…), chưa phù hợp với đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, cụ thể:

Việc thực hiện cơ chế tự chủ của các tổ chức KHCN công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động KHCN, chưa tạo điều kiện cho các tổ chức KHCN công lập được tự chủ toàn diện.

Việc đầu tư và thực hiện cơ chế tài chính đối với hoạt động KHCN còn nhiều vướng mắc trong xây dựng kế hoạch; lập, giao dự toán; thanh quyết toán; khuyến khích doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KHCN dẫn đến chưa khơi thông được nguồn lực tài chính cho hoạt động KHCN.

Việc xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước, thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng đang gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Kinh phí sự nghiệp KHCN, vốn đầu tư phát triển cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ.

Thị trường KHCN còn chậm phát triển; thiếu cơ chế mở, linh hoạt tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác, gắn kết giữa các tổ chức KHCN công lập với doanh nghiệp, tạo ra các sản phẩm thương mại hóa dựa trên kết quả nghiên cứu.

Trình độ công nghệ nước ta còn thấp, hoạt động đổi mới, ứng dụng và làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp chưa tích cực và hiệu quả. Chưa đề xuất được nhiều chương trình, nhiệm vụ KHCN có tầm vóc và phạm vi tác động sâu rộng, liên ngành, do đó còn thiếu các kết quả, sản phẩm KHCN thực sự mang tính đột phá.

Đội ngũ cán bộ KHCN tuy có tăng về số lượng, nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành; chưa có cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để thu hút các nhà khoa học, chuyên gia giỏi trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo.

Trong thời gian tới, Bộ KHCN sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ các rào cản trong chính sách, pháp luật về kinh tế, tài chính, đầu tư, đấu thầu… phù hợp với cơ chế thị trường, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Bộ KHCN kiến nghị Chính phủ giao Bộ KHCN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp xây dựng, trình Chính phủ Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức KHCN công lập phù hợp với đặc thù của hoạt động KHCN.

Bộ KHCN đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định số 70/2018/NĐ-CP để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước, trình Chính phủ trong quýIV/2023; xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KHCN.

Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT trong triển khai thực hiện Nghị định số 109/2022/NĐ-CP để các cơ sở giáo dục đại học thực sự trở thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và là trung tâm đào tạo đội ngũ nhân lực KHCN, đổi mới sáng tạo chất lượng cao.

Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ KHCN phát biểu làm rõ một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp nhận thiết bị tài trợ phát triển mạng lưới quan trắc phóng xạ quốc gia, xây dựng Trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân; đưa tiêu chuẩn Việt Nam trở thành tiêu chuẩn quốc tế; công nhận lẫn nhau đối với các hệ thống quản lý chất lượng; thương mại hóa kết quả nghiên cứu…

Bộ KHCN phải thực hiện tốt 3 yêu cầu của Thủ tướng

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, tâm huyết, cũng như thành tựu đạt được của ngành KHCN thời gian qua dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn.

Bày tỏ đồng tình những nhiệm vụ, phương hướng, giải pháp của ngành đặt ra, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế đặc thù cho KHCN và đội ngũ nhân lực làm KHCN trên cơ sở tham khảo cách tiếp cận và kinh nghiệm mang lại hiệu quả của quốc tế.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KHCN thực hiện tốt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 17/5/2023, gồm: Xây dựng cơ chế đặc thù và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; xây dựng khuôn khổ pháp lý để thử nghiệm một mô hình kinh tế dựa trên KHCN; xây dựng chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ những người làm KHCN.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KHCN tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ban hành năm 2012 để đề xuất một nghị quyết mới về phát triển KHCN và xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực KHCN, trong đó có lĩnh vực đo lường.

Phó Thủ tướng khẳng định sẽ cùng đồng hành với ngành KHCN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để ngành hoàn thành tốt trọng trách được giao, đồng thời mong muốn Bộ KHCN luôn phát huy tinh thần chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, kể cả trong việc phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan; chú trọng phân cấp cho cơ sở gắn với việc kiểm tra, giám sát.

Phó Thủ tướng lưu ý Bộ KHCN quán triệt tinh thần làm phải thực chất để làm sao KHCN ngày càng có nhiều đóng góp thiết thực hơn nữa cho cuộc sống./.

Nguồn:https://baochinhphu.vn/can-co-co-che-dac-thu-cho-phat-trien-khcn-102230711194801247.htm

Theo baochinhphu.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/596138-can-co-co-che-dac-thu-cho-phat-trien-khcn.html