Cần có chế tài mạnh xử lý dứt điểm xe tự chế 'tung hoành' ở Hà Nội

Dù đã có không ít chỉ đạo từ lãnh đạo TP Hà Nội, Sở GTVT đến các quận huyện song tình trạng xe ba bánh tự chế vẫn 'tung hoành' khiến người dân bất an mỗi khi tham gia giao thông.

Sau vụ việc xe ba bánh chở bó thép dài cả chục mét đi ngược chiều và đâm thủng buồng lái xe buýt trên đường Nguyễn Trãi và xe tự chế gây tai nạn rồi bốc cháy trên đường vành đai 2 (Hà Nội), dư luận tiếp tục đặt ra câu hỏi: Hà Nội đã xây dựng lộ trình cấm sử dụng xe ba bánh từ nhiều năm với những kế hoạch đầy quyết tâm nhưng sao loại xe này vẫn hoạt động nhan nhản?.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại đường Nguyễn Trãi - khu vực từng xảy ra vụ việc trên, xe ba bánh vẫn hoạt động nhộn nhịp. Tại khu vực như chợ Ngã Tư Sở, chợ Phùng Khoang, bến xe Hà Đông cũ… xe ba bánh dừng đỗ thành tốp 2 - 3 xe để giao nhận hàng hoặc dừng chờ khách.

Còn trên đường vành đai 2 hay các tuyến đường đường Láng Xuân Thủy - Cầu Giấy - Trường Chinh - Giải Phóng - Lê Duẩn, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân… xe ba bánh giờ nào cũng hoạt động.

Đa phần các xe này đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao bởi theo quan sát, hầu hết các xe đều không đảm bảo về kỹ thuật, không biển kiểm soát, không gương chiếu hậu, thậm chí còn không có còi xe…

Không khó để bắt gặp những xe ba gác chở vật liệu cồng kềnh trên đường phố Hà Nội.

Không khó để bắt gặp những xe ba gác chở vật liệu cồng kềnh trên đường phố Hà Nội.

Trên trục đường Tố Hữu đoạn gần đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông) lúc hơn 8h sáng, người tham gia giao thông không khỏi giật mình khi nhìn thấy 3 xe tự chế dàn hàng ngang, kéo theo "núi hàng" phế liệu giăng kín đường.

Những người đi phía sau bị khuất tầm nhìn bóp còi inh ỏi. Sau đó, 3 xe này mới nối đuôi nhau di chuyển. Quá trình bám theo các xe, phóng viên chứng kiến qua 2 nút đèn tín hiệu, các xe "hung thần" vô tư vượt đèn đỏ đoạn ngõ 32 Lê Trọng Tấn, ngã tư Văn Phú - Quang Trung.

Trên đường Tố Hữu đoạn gần nhà chờ Mỗ Lao, khi thấy dòng phương tiện đông đúc giờ cao điểm, một xe ba bánh thản nhiên di chuyển vào làn buýt nhanh BRT rồi vun vút lao đi.

Theo quan sát, người lái chiếc xe ba bánh này khá trẻ. Để chở được thêm nhiều hàng hóa, chủ xe cơi nới thêm thành thùng xe bằng tấm ván gỗ đóng đằng sau. Suốt dọc đường, cứ gặp đèn đỏ là lái xe thản nhiên vượt.

Dù chở hàng cồng kềnh nhưng đầu trước và sau phương tiện đều không có cảnh báo.

Dù chở hàng cồng kềnh nhưng đầu trước và sau phương tiện đều không có cảnh báo.

Theo TS. Nguyễn Hữu Đức (Viện Công nghệ thông tin và truyền thông, trường Đại học Bách khoa Hà Nội), thời gian qua, Hà Nội chưa kiểm soát được hoạt động của xe ba bánh tự chế. Ngoài một số ít xe của thương binh, đa phần xe tự chế là "núp bóng", trá hình.

Theo dữ liệu, rất đông thương binh, bệnh binh đăng ký sử dụng xe ba bánh tự chế tham gia kinh doanh vận tải nhưng số người trực tiếp điều khiển xe không nhiều.

Phần lớn lái xe loại này là các đối tượng giả danh thương binh, chở hàng cồng kềnh, chở hàng quá khổ, gây mất ATGT.

"Công tác quản lý, cấp phép sử dụng xe thương binh cần được chú trọng hơn. Mỗi xe phải được gắn một số hiệu, số đăng ký để phục vụ công tác kiểm soát", TS. Nguyễn Hữu Đức nói.

Xe tự chế hoạt động cả ngày lẫn đêm trên các tuyến đường của TP Hà Nội.

Xe tự chế hoạt động cả ngày lẫn đêm trên các tuyến đường của TP Hà Nội.

Ông Nguyễn Tuyển - Trưởng phòng Quản lý Vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cũng cho biết, Hà Nội đã nghiên cứu rất nhiều giải pháp hỗ trợ thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đảm bảo cuộc sống để tự nguyện từ bỏ sử dụng xe ba bánh tự chế.

"Chính quyền đã nỗ lực hết sức, nhưng thống kê cho thấy có tới hơn 70% thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đang sử dụng xe ba bánh muốn giữ lại xe thay vì được hỗ trợ theo các ưu đãi thành phố đưa ra", ông Tuyển thông tin.

Trong khi đó, theo chuyên gia giao thông Vũ Hoàng Chung, mặc dù đã có chế tài xử phạt nhưng giá trị những chiếc xe này không cao, chủ xe sẵn sàng bỏ lại xe khi bị bắt giữ. Để hạn chế xe ba gác tự chế lưu thông ngoài đường, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm cả chủ xe lẫn người điều khiển.

"Vì vậy, cần có biện pháp mạnh tay, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây tai nạn hoặc tái phạm nhiều lần. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, phổ biến để nâng cao ý thức cũng như trách nhiệm của người dân. Kiên quyết tịch thu, tiêu hủy công khai để tạo hiệu ứng răn đe đối với những người cố tình sử dụng xe ba gác tự chế tham gia giao thông", ông Vũ Hoàng Chung nhấn mạnh.

Theo quy định, hành vi chở hàng cồng kềnh, vượt quá giới hạn quy định sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước bằng lái 2-4 tháng.

Theo quy định, hành vi chở hàng cồng kềnh, vượt quá giới hạn quy định sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước bằng lái 2-4 tháng.

Lý giải vì sao xe ba bánh tự chế vẫn hoạt động trên các tuyến đường, Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết, thời gian qua đội đã kiểm tra, xử lý thường xuyên rất nhiều trường hợp xe ba bánh. Nhiều xe chở hàng cồng kềnh đã bị CSGT Đội 7 xử lý.

Vụ xe ba bánh chở sắt đâm thủng kính xe buýt xảy ra ngày 8/5 là do khi đi từ phố Vũ Trọng Phụng ra, khi phát hiện CSGT đang làm nhiệm vụ tại khu vực nút Thanh Xuân lái xe ba bánh đã cho xe quay lại đi ngược chiều để tránh CSGT, dẫn đến tai nạn xảy ra.

Cho ý kiến về việc xe ba bánh hoạt động trên đường vẫn còn nhiều, thậm chí "lập bến" tại một số vị trí, ông Thắng cho rằng, cái khó trong xử lý xe ba bánh chở hàng là khi CSGT gặp chủ xe là thương binh thì gần như không xử lý được.

Kết quả thống kê, khảo sát của Sở GTVT Hà Nội và Liên ngành cho thấy, hơn 1.300 người có hộ khẩu thường trú ở Hà Nội sử dụng xe ba bánh tự chế, trong đó có 964 thương binh; 103 bệnh binh; 249 người khuyết tật.

Nhật Tân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//can-co-che-tai-manh-xu-ly-dut-diem-xe-tu-che-tung-hoanh-o-ha-noi-169220520152130822.htm