Cần có chế tài đủ mạnh để dẹp nạn phòng khám, cơ sở thẩm mỹ 'chui'

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2023, thanh tra của đơn vị đã kiểm tra và ra 77 quyết định xử phạt đối với các sai phạm khám chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn ghi trong giấy phép.

Ngoài ra còn có rất nhiều sai phạm như sử dụng thuốc, các chất, thiết bị can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể, xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại các cơ sở không phải là bệnh viện, phòng khám hoặc cơ sở khám chữa bệnh có chuyên khoa thẩm mỹ.

Sở Y tế đã tước giấy phép hoạt động đối với 2 cơ sở, đình chỉ hoạt động 33 cơ sở, buộc 17 cơ sở tháo dỡ và xóa quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định, quảng cáo khám chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động được ghi trong giấy phép và cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh trong thời gian bị đình chỉ hoạt động.

Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng cơ quan Công an kiểm tra cơ sở thẩm mỹ “chui” của vợ chồng ông Trương Thanh Tịnh và phòng khám “chui” của ông Hà Duy Thọ.

Mặc dù công tác kiểm tra, xử lý của Thanh tra Sở Y tế rất quyết liệt, nhưng trong thời gian qua, vẫn còn nhiều cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở thẩm mỹ vẫn lén lút hoạt động khi chưa có giấy phép. Điển hình vào ngày 14/11/2023, Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp Phòng y tế, UBND phường 9 và Công an phường 9, quận Phú Nhuận kiểm tra đột xuất căn nhà số 671/15 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận. Tại thời điểm kiểm tra, căn nhà này đang được sử dụng làm nơi khám chữa bệnh không phép của ông Hà Duy Thọ và bà Đặng Thị Tuyết Thu (vợ ông Thọ).

Tại thời điểm kiểm tra, ông Thọ đang khám, tư vấn thuốc cho một nam bệnh nhân tên K. Tại bàn dùng khám, tư vấn, đoàn kiểm tra phát hiện có "phiếu khấn nguyện trước khi ăn", phiếu phương pháp OHSAWA (phương pháp thực dưỡng) có ghi thông tin “BS Hà Duy Thọ”, nhưng ông Thọ không trình được bằng cấp và chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Ông Thọ đã lập tài khoản Facebook và Tiktok tên “Bác sỹ Hà Duy Thọ” tự mạo danh mình là bác sỹ tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1996, từng công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Đa khoa Hà Nam.

Trên các trang mạng cá nhân này, ông Thọ còn thường xuyên đăng tải những clip khẳng định mình là chuyên gia dinh dưỡng và thực dưỡng với hơn 28 năm kinh nghiệm trong ngành y, 15 năm nghiên cứu và ứng dụng thực tế trong điều trị các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư…

Trong hoạt động thẩm mỹ, nổi lên tình trạng không tuân thủ pháp luật của vợ chồng ông Trương Thanh Tịnh (Mr, Lee) và bà Nguyễn Thị Thương. Vào ngày 3/10/2023, cơ sở của hai vợ chồng này đã bị Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi khám và chữa bệnh khi chưa có chứng chỉ hành nghề, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động, nhưng đến ngày 15/11/2023, cơ sở này tiếp tục nhận nâng mũi cho khách với giá 19 triệu đồng/ca.

Được biết từ đầu năm 2023 đến nay, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý đối với hàng trăm trường hợp vi phạm, nhưng có lẽ do chế tài còn chưa đủ mạnh nên nhiều trường hợp sau khi bị xử lý vẫn tiếp tục hoạt động khám chữa bệnh lén lút. Thẩm mỹ viện bị xử phạt vi phạm hành chính thì thay tên cơ sở rồi lại thuê những nhân viên chưa có bằng cấp vào làm việc. Nguy hiểm nhất là những “lang băm” lên mạng xã hội tư vấn chữa các loại bệnh nan y để lừa bán thuốc không theo chỉ định của ngành y tế. Chính vì vậy, ngành Y tế cần phải có biện pháp mạnh hơn nữa nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này.

Đức Cương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/can-co-che-tai-du-manh-de-dep-nan-phong-kham-co-so-tham-my-chui-i714455/