Cần cơ chế đặc thù vượt trội cho Đà Nẵng tạo bước đột phá mới

Từ một đô thị không gian chật hẹp, hạ tầng cũ kỹ, đời sống người dân còn khó khăn, đến nay thành phố Đà Nẵng đã tạo nên một kỳ tích trong phát triển kinh tế- xã hội. Đà Nẵng trở thành một thành phố có tốc độ hiện đại hóa, đô thị hóa thuộc nhóm các địa phương cao nhất cả nước.

Thành phố Đà Nẵng đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Ngày 16/10/2003, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Ngày 24/01/2019, Bộ Chính trị tiếp tục có Nghị quyết 43 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp đến, ngày 03/11/2022 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26 về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
- Ngày 19/6/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
- Mới đây nhất, ngày 25/11/2023, thành phố Đà Nẵng công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thành phố Đà Nẵng tiếp tục nỗ lực vươn lên trở thành một trung tâm lớn có vai trò hạt nhân ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. Điều này đòi hỏi phải có một Nghị quyết mới với những cơ chế đặc thù vượt trội, đủ mạnh, tạo động lực cho Đà Nẵng bứt phá, phát triển nhanh và bền vững hơn.

Cuối tháng 8 vừa qua, thành phố Đà Nẵng sơ kết 3 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết 119 của Quốc hội (gọi tắt là Nghị quyết 119). Nghị quyết 119 chỉ tập trung phần lớn cho các cơ chế thí điểm mô hình chính quyền đô thị mà thiếu các cơ chế, chính sách đột phá làm nền tảng, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố. Việc tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị phát sinh một số khó khăn. Vai trò hạt nhân trong liên kết, hợp tác phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên chưa được thể hiện rõ.

Đà Nẵng được xác định là hạt nhân của vùng

Xuất phát từ thực tiễn và nghiên cứu cơ chế, chính sách đang áp dụng tại các địa phương khác như thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Thanh Hóa; Đà Nẵng đề nghị Trung ương cho phép thành phố chính thức vận hành mô hình chính quyền đô thị; đồng thời xây dựng một Nghị quyết mới thay thế hoặc điểu chỉnh, bổ sung Nghị quyết 119 cho phù hợp với tình hình mới.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm xem xét, cho phép thành phố Đà Nẵng áp dụng chính thức mô hình chính quyền đô thị. Cùng với đó là sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp với mô hình chính quyền đô thị. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng đề nghị Trung ương có cơ chế đặc thù, chính sách vượt trội, giúp Đà Nẵng tạo bước đột phá mới.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nêu kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác Trung ương

“Vừa qua, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương; Trong đó có một số cơ chế, chính sách vượt trội trên nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện để các địa phương đẩy nhanh quá trình quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, kính đề nghị Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, xem xét thống nhất chủ trương để sau khi sơ kết Nghị quyết số 119/2020/QH14 cho phép thành phố Đà Nẵng được áp dụng các cơ chế chính sách tương tự như một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Khánh Hòa”.

Đề xuất này của Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu ý kiến: “Chúng tôi khẳng định cơ chế đặc thù là cần thiết. Đối với Đà Nẵng có Nghị quyết 119, bây giờ sau thời gian thực hiện có thể còn chưa đủ, bây giờ nghiên cứu, một là sửa đổi, hai là ban hành Nghị quyết mới”.

Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đồng tình với kiến nghị của thành phố Đà Nẵng: “Các đề xuất của thành phố thì Bộ Nội vụ cũng đã đồng tình và đã báo cáo Chính phủ”.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thành phố Đà Nẵng tập trung nghiên cứu các chính sách đặc thù mới: “Cần báo cáo Bộ Chính trị để xin cơ sở chính trị xây dựng một Nghị quyết mới, có thể bổ sung cho Nghị quyết 119 hoặc có thể thay thế. Bởi Nghị quyết 119 chủ yếu là về chính quyền đô thị thôi, chưa có các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá để tạo điều kiện để phát triển được”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng

Trên cơ sở các định hướng từ Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tập trung đề xuất 5 cơ chế, chính sách mới có tính vượt trội. Đó là: Cơ chế, chính sách đột phá phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn; Chính sách về quản lý đầu tư; Chính sách về tài chính, ngân sách, thuế; Chính sách về quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường và Chính sách về hình thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thống nhất với thành phố Đà Nẵng về những cơ chế, chính sách đột phá để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn trong thời gian tới: “Nếu muốn xác định Đà Nẵng là một trong những địa phương thu hút được những ngành công nghiệp mới và công nghệ mới nổi hay công nghiệp chip bán dẫn, chúng ta phải mạnh dạn, có những chính sách rất là đặc thù, đủ mạnh, khả thi thì mới hấp dẫn được. Chúng tôi thống nhất rất cao về nguyên tắc cần sớm có chính sách đặc thù cho thành phố này”.

Thành phố Đà Nẵng có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước (Ảnh: Nguyễn Trình)

Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương thì Đà Nẵng có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất với 87,45 %, cao hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân của cả nước là 42,6 %. Nghị quyết 119 cũng có một số cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Nẵng liên quan đến xây dựng như “điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị”. Hiện nay, chính sách này đang phát huy tốt, tạo thuận lợi và phát huy tính chủ động của thành phố trong công tác quy hoạch, kịp thời đáp ứng cho sự phát triển thành phố.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, Bộ Xây dựng ủng hộ kiến nghị của thành phố Đà Nẵng về cơ chế phân cấp cho cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND thành phố thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế triển khai đến cơ sở.

“Tôi rất ủng hộ việc phân cấp cho thành phố để triển khai trong công tác thẩm định cũng như là nghiệm thu đưa công trình vào hoạt động. Về nội dung kiến nghị Quốc hội quy định về điều kiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đối với những công trình công cộng thì Bộ Xây dựng thấy việc này liên quan đến nhiều quy định của pháp luật, do đó thành phố Đà Nẵng đề nghị Quốc hội quy định chung là phù hợp. Về cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng sắp tới thì Bộ Xây dựng rất là ủng hộ, rất là thống nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị bày tỏ.

Thành phố Đà Nẵng được xác định là Trung tâm KT-XH lớn của cả nước (Ảnh: Nguyễn Trình)

Giữa tháng 11 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn công tác Trung ương vào làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng. Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần “may chiếc áo mới” về cơ chế, chính sách đặc thù đủ rộng cho Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững hơn, tương xứng với vai trò của một trung tâm kinh tế- xã hội lớn của cả nước. Tại buổi làm việc này, các đề xuất, kiến nghị của Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng nhận được sự thống nhất khá cao của Lãnh đạo các cơ quan Quốc hội và các cơ quan Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cùng các cơ quan của Quốc hội phối hợp với thành phố Đà Nẵng khẩn trương nghiên cứu, đề xuất Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, có tính động lực, lan tỏa, hỗ trợ thành phố này tạo ra bước đột phá mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng

“Bây giờ tiếp thêm sinh lực cho Đà Nẵng là phải có thể chế chính sách phù hợp. Đề nghị các đồng chí lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng sớm nghiên cứu, tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 20230, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, báo cáo và đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ xây dựng Nghị quyết mới thay thế, bổ sung Nghị quyết 119 của Quốc hội. Các cơ chế, chính sách mới này còn phải bàn bạc nhưng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các tỉnh khác, đặc biệt là 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh nhưng mà phải phù hợp với yêu cầu cũng như đặc thù của địa phương”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đà Nẵng là thành phố đầu tiên trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tư duy, tầm nhìn rất xa và mạnh dạn đột phá. Đà Nẵng cũng đã có chương trình triển khai quy hoạch này để làm mới động lực tăng trưởng cũ, tạo ra những động lực tăng trưởng mới. Hơn lúc nào hết, một Nghị quyết mới cho Đà Nẵng với những chính sách đặc thù mới, tạo sức bật mới cũng chính là đòi hỏi từ thực tiễn.

Loạt bài: Thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng: Cần cơ chế đột phá mới

Thanh Hà/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/can-co-che-dac-thu-vuot-troi-cho-da-nang-tao-buoc-dot-pha-moi-post1061918.vov