Cần cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

Ngày 30/10, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ mười một, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV theo hình thức trực tuyến từ Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Phú Thọ.

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về Dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Kế hoạch cơ cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 vì đã đủ cơ sở; tạo động lực tăng trưởng, áp dụng mô hình kinh tế phù hợp, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh để tạo động lực tăng trưởng.

Theo các đại biểu phân tích, quá trình triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội đã được thực hiện một cách đúng hướng, bài bản, đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, hoàn thành 17/22 mục tiêu, đạt 77,3% tổng số mục tiêu đề ra tại Kế hoạch.

Việc không hoàn thành 5/22 mục tiêu, chiếm 22,7% tổng số mục tiêu đề ra cần phải được đánh giá làm rõ nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan, bởi đây đều là những mục tiêu quan trọng liên quan đến khu vực công.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ tác động của việc không hoàn thành các mục tiêu này ảnh hưởng đến kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 và việc xác định các mục tiêu trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng phân tích, cho ý kiến về quan điểm và mục tiêu tổng quát; mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025; nguồn lực và phương thức huy động, tổ chức thực hiện…

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kể hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Tại phiên thảo luận, đa số các ý kiến nhất trí với sự cần thiết phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp quốc gia. Có ý kiến cho rằng, quy hoạch về đất đai vô cùng quan trọng, là tiền đề để sắp tới sửa đổi Luật Đất đai, vì vậy cần có sự tổng kết, đánh giá các quy hoạch quốc gia rồi mới làm. Các đại biểu nhấn mạnh, vấn đề đất đai không chỉ là nguồn tài nguyên đặc biệt, đó là không gian sinh tồn, là lãnh thổ quốc gia, là nguồn lực phát triển. Vì vậy, quy hoạch phải gắn với phát triển kinh tế thị trường vì giá trị quyền sử dụng đất là quyền tài sản đặc biệt, do đó phải quy hoạch sao cho hợp lý.

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.

Huy Thắng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/quoc-hoi-khoa-xv/202110/can-co-cau-lai-nen-kinh-te-giai-doan-2021-2025-180645