Cần chính sách hỗ trợ đối với chủ nhà trọ

Nhu cầu về nhà ở giá rẻ, nhất là các loại nhà ở xã hội (NOXH) như ký túc xá sinh viên, NOXH cho công nhân, người lao động thuê hoặc thuê mua tại đô thị lớn có mức độ gia tăng dân số cao như TP Hồ Chí Minh những năm qua luôn rất nóng.

Do việc phát triển NOXH trên địa bàn chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu này nên tại thành phố đã có đến 60.470 cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng các khu nhà trọ với nhiều phòng trọ cho thuê hoặc ngăn phòng tại chính căn nhà đang ở ra để cho thuê với tổng số 560.219 phòng trọ. Trong đó có 38.800 khu nhà trọ tập trung với 357.246 phòng trọ và 25.670 nhà ở được ngăn phòng cho thuê với 202.973 phòng trọ. Người dân có nhà ở, nhà trọ tại TP Hồ Chí Minh đã góp phần giải quyết nhu cầu thuê phòng trọ cho hơn 1,4 triệu công nhân, người lao động. Thậm chí còn có cả trí thức, chuyên viên thuê nhà trọ sinh sống để làm việc tại thành phố.

Nhu cầu về chỗ ở so với khả năng chi trả của người dân đến TP Hồ Chí Minh sinh sống, làm việc, học tập còn căng thẳng đến mức nhiều người dân đã phải thuê “hộp ngủ”. Sau đợt tổng rà soát vào tháng 11 năm ngoái, Sở Xây dựng đã phải có báo cáo khẩn với UBND TP Hồ Chí Minh về kết quả kiểm tra công tác đảm bảo an toàn PCCC và CHCN đối với cơ sở kinh doanh nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, chung cư mini trên địa bàn.

Ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã thông tin: có 67 công trình nhà ở riêng lẻ có phòng, giường cho thuê dạng “hộp ngủ”. Tại những căn nhà này, số lượng người tập trung đông trong không gian chật hẹp, không đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC, tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro về tính mạng khi xảy ra sự cố về cháy, thoát hiểm…

Một khu nhà trọ cho công nhân, người lao động ở nơi khác đến làm việc thuê.

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng cũng đã cho biết, qua khảo sát của Sở Xây dựng, có trên 90% nhà trọ đạt tiêu chuẩn 5m2/người và đảm bảo về các điều kiện sống. Tuy vậy, vẫn còn đến 30% số nhà trọ chưa đảm bảo về PCCC và lối thoát hiểm, thoát nạn. Sở Xây dựng cũng đã tham mưu cho UBND thành phố có chính sách hỗ trợ chủ nhà trọ cải tạo, nâng cấp phòng trọ. Thế nhưng hầu như các chính sách hỗ trợ vẫn chưa đến được với các chủ nhà trọ.

Kết quả khảo sát, điều tra xã hội học trên diện rộng do Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh công bố vào năm ngoái cho thấy, có khoảng 60% công nhân, người lao động được hỏi cho biết rằng họ đến TP Hồ Chí Minh để sinh sống, làm việc có nhu cầu thuê nhà tro åvới giá thuê phòng trọ trên dưới 1,5 triệu đồng/tháng. Họ cũng chỉ có thể chịu đựng được khoản chi phí thuê nhà trọ ở mức 20% thu nhập hằng tháng và chỉ muốn làm việc trong khoảng 10-15 năm rồi trở về quê. Khi việc phát triển NOXH còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, thành phố cần có ngay cơ chế hỗ trợ chủ nhà trọ để họ có thêm nguồn lực đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cho người thuê trọ, đồng thời giữ được giá thuê trọ ở mức hợp lý nhất.

Ông Quang, một chủ nhà trọ trong hẻm nhỏ ở quận Bình Tân cho hay, mỗi tháng dãy trọ 10 phòng này chỉ cho gia đình ông mức thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Vì vậy gia đình ông chỉ có thể chi phí sửa chữa, bảo trì nhỏ chứ không thể có tiền để đầu tư xây dựng mới cho khang trang. Ông Quang nhẩm tính, đầu tư mua nền đất và xây dựng để có được dãy phòng trọ cấp 4 như của ông cũng phải trên 5 tỷ đồng. Thu nhập hằng tháng không nhiều nên nhiều chủ nhà trọ không muốn đầu tư mới hoặc xây dựng lại phòng trọ cũ sau hàng chục năm khai thác. Một loạt dãy trọ lụp xụp, xuống cấp, không bảo đảm an toàn PCCC nhưng vẫn được cho thuê.

Kiến nghị với Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính về vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng rất cần bổ sung chính sách Nhà nước hỗ trợ về nhà ở đối với các chủ nhà trọ trong việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhà ở. Trong đó mức thuế khoán thuế TNCN đang áp dụng bằng7%/doanh thu đối với các chủ nhà trọ hiện nay là khá cao, chưa thật hợp tình hợp lý, cần xem xét giảm bớt một phần.

Ông Nguyễn Văn Lợi, chủ một doanh nghiệp phát triển NOXH tại TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, hệ thống tiêu chuẩn SA 8000 là hàng rào kỹ thuật đặt ra đối với hàng hóa xuất khẩu. Trong đó đã quy định rõ nếu doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng xuất khẩu mà để công nhân, người lao động có đời sống cơ cực, thiếu các tiêu chuẩn tối thiểu thì sản phẩm của doanh nghiệp đó sẽ bị cấm hoặc tẩy chay. Vì vậy, chính các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu cũng phải có phần trách nhiệm trong chung tay lo chỗ ở cho công nhân, người lao động của mình. Việc này sẽ giúp chấm dứt cảnh công nhân, người lao động đến thành phố làm việc phải sống trong những khu trọ lụp xụp, không đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu.

Bảo Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/can-chinh-sach-ho-tro-doi-voi-chu-nha-tro-i726919/