Cần chính sách hỗ trợ để thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển

Đã có những đóng góp tích cực nhưng khu vực kinh tế tập thể vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức cần được hỗ trợ để phát triển.

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Luật Hợp tác xã năm 2023 và những định hướng chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Tổ chức Liên đoàn Hợp tác xã (HTX) Raiffeisen CHLB Đức (DGRV) tổ chức ngày 19/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, Luật Hợp tác xã đã qua ba lần ban hành, sửa đổi, bổ sung vào các năm 1996, 2003 và 2012, đã tạo hành lang pháp lý quan trọng phát triển các hợp tác xã tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, tiếp cận gần hơn với bản chất, giá trị, nguyên tắc của hợp tác xã trên thế giới và bước đầu đã tác động tích cực đến tổ chức và hoạt động của các hợp tác xã.

Luật Hợp tác xã đã qua ba lần ban hành, sửa đổi, bổ sung vào các năm 1996, 2003 và 2012

Luật Hợp tác xã đã qua ba lần ban hành, sửa đổi, bổ sung vào các năm 1996, 2003 và 2012

Cũng theo ông Đỗ Thành Trung, số lượng hợp tác xã không ngừng tăng lên, doanh thu và thu nhập của thành viên, người lao động trong hợp tác xã dần được cải thiện, giúp nâng cao đời sống kinh tế hộ thành viên, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị cho xã hội.

Tuy nhiên, thực tiễn phát triển khu vực kinh tế tập thể tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh những khó khăn nội tại của các tổ chức kinh tế tập thể, như điều kiện kinh tế - xã hội của thành viên thấp, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ đa số còn yếu, cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật của hợp tác xã nghèo nàn; các chính sách của nhà nước về cơ bản chưa hỗ trợ được nhiều cho các hợp tác xã; các hợp tác xã gặp khó khăn trong tiếp cận các chính sách về vốn, đất đai, về khoa học công nghệ, thị trường... Các thách thức này đặt ra yêu cầu, đòi hỏi bức thiết đối với khu vực kinh tế tập thể.

Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế và đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển, ngày 20/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Hợp tác xã số 17/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 thay thế Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì xây dựng 3 trong số 4 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2023, trong đó có Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hợp tác xã.

Theo bà Jedsadaporn Sathapatyanon - Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Nông nghiệp Thái Lan: Đến năm 2022 Thái Lan có 7.638 hợp tác xã, bao gồm 4.139 hợp tác xã nông nghiệp với 6,36 triệu thành viên và 3.499 hợp tác xã phi nông nghiệp với 4,96 triệu thành viên.

Nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các hợp tác xã, Thái Lan đã đưa ra 3 đề án với các chính sách hỗ trợ hợp tác xã. Trong đó, bao gồm, bổ trợ kiến thức, tăng cường năng lực qua hoạt động đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ chuyển giao công nghệ

liên quan đến sản xuất, chế biến, quản lý và phát triển kinh doanh của các hợp tác xã, tổ nông dân. Cùng với đó, khuyến khích và hỗ trợ các hợp tác xã sản xuất, thu gom, chế biến, tiếp thị và phát triển công nghệ. Hỗ trợ máy móc và thiết bị để nâng cấp hoạt động sản xuất và chế biến của hợp tác xã. Thành lập quỹ Phát triển hợp tác xã (CDF) với vai trò hỗ trợ các hoạt động của hợp tác xã...

Linh Đan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-chinh-sach-ho-tro-de-thuc-day-kinh-te-tap-the-phat-trien-273245.html